Phát huy giá trị di sản đô thị

11:22 CH 03/08/2024

(HPĐT)- Với quyết tâm cao của thành phố, công trình Trung tâm Chính trị - Hành chính thành phố bên khu đô thị Bắc sông Cấm đang được tập trung xây dựng, hoàn thiện qua từng ngày. Theo kế hoạch, đến quý 1-2025, công trình sẽ hoàn thành. Khi đó, trung tâm chính trị - hành chính thành phố cùng các cơ quan, sở, ngành, tổ chức đoàn thể chuyển về làm việc tại địa điểm mới.

Đây là sự tất yếu, đáp ứng yêu cầu phát triển trong tương lai của thành phố. Song, việc di chuyển trụ sở các sở, ngành, tổ chức đoàn thể… đang đặt ra vấn đề được nhiều người dân, cử tri thành phố quan tâm là phương án xử lý trụ sở cũ của các cơ quan, sở, ngành.., nhất là các trụ sở là công trình kiến trúc cổ. Với bề dày lịch sử và đa dạng văn hóa, đô thị Hải Phòng mang nét đẹp riêng biệt, trong đó điểm nhấn rất quan trọng tạo nên diện mạo khu vực nội thành là các công trình kiến trúc cổ. Không ít trụ sở cơ quan, sở, ngành là công trình kiến trúc cổ được đánh giá có giá trị cao nhiều mặt như toà nhà B trụ sở UBND thành phố, trụ sở Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng, Liên đoàn Lao động thành phố…Theo các nhà nghiên cứu lịch sử và kiến trúc sư, những công trình này không chỉ là “nhân chứng” của quá trình phát triển đô thị mà còn góp phần tạo nên hồn cốt, bản sắc riêng cho đô thị Hải Phòng. Bởi vậy, bên cạnh quá trình phát triển mạnh mẽ đô thị với những định hướng mới, cử tri mong muốn thành phố nghiên cứu tổng thể quy hoạch các công trình kiến trúc, các di sản đô thị có bề dày lịch sử và văn hoá để gìn giữ, phát huy giá trị.

Báo cáo làm rõ một số vấn đề cử tri thành phố quan tâm tại phiên chất vấn kỳ họp 18 HĐND thành phố vừa qua, lãnh đạo UBND thành phố thông tin, trong định hướng đồ án Quy hoạch chung thành phố Hải Phòng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thành phố tập trung bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hoá. Trong đó, các khu phố có giá trị lịch sử, kiến trúc được định hướng bảo tồn, tôn tạo được quan tâm để tạo dựng bản sắc đô thị có bề dày lịch sử. Thành phố cũng tiếp tục đưa nhiệm vụ bảo tồn trong các quy hoạch xây dựng, quy hoạch chuyên ngành để bảo tồn, phát huy giá trị các di sản. Cụ thể, rà soát 465 công trình trên địa bàn, đánh giá 223 công trình để xếp loại theo các nhóm công trình loại 1, loại 2, loại 3 và công trình quản lý đặc thù theo quy định đã được Ban Thường vụ Thành uỷ thông qua. Hiện nay, UBND thành phố chỉ đạo Sở Xây dựng cùng các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan tập trung thực hiện trong thời gian tới. Bên cạnh đó, sau khi các cơ quan của thành phố di chuyển sang Trung tâm Chính trị - Hành chính mới, với nhiều công trình kiến trúc tại khu trung tâm đô thị cũ như trụ sở UBND thành phố, nhà hát, bảo tàng, ga Hải Phòng; trụ sở các cơ quan Đảng, chính quyền; các khu nhà biệt thự…, thành phố giao Sở Văn hoá và Thể thao, Sở Du lịch, Sở Xây dựng nghiên cứu xây dựng hệ thống bảo tàng Hải Phòng gồm: Bảo tàng lịch sử, bảo tàng văn học nghệ thuật, bảo tàng hàng hải, bảo tàng chuyên ngành…; tổ chức các tuyến du lịch đi bộ kết hợp tham quan các công trình để “tái thiết” khu vực đô thị cũ của Hải Phòng, phát huy giá trị di tích lịch sử gắn liền với quá trình hình thành đô thị đất Cảng.

Như vậy, thành phố có định hướng cụ thể trong phát huy giá trị di sản văn hoá nói chung, di sản đô thị và công trình kiến trúc cổ nói riêng. Song, để đạt mục tiêu này, đáp ứng yêu cầu đề ra, đòi hỏi các sở, ngành, đơn vị, địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện cùng thành phố. Bảo tồn, phát huy di sản không chỉ là gìn giữ những giá trị trong quá khứ, còn là biến giá trị đó thành nguồn lực phục vụ sự phát triển hướng tới tương lai.

BÌNH LUẬN (0)
Bạn cần đăng nhập để gửi bình luận Đăng nhập