Hình thức tuyên truyền pháp luật mới, phù hợp với học sinh

10:20 SA 23/10/2017

Tuyên truyền phổ biến pháp luật cho học sinh thông qua phiên tòa hình sự giả định với chủ đề phòng, chống ma túy học đường vừa được tổ chức tại Trường THPT Trần Nguyên Hãn. Hình thức tuyên truyền pháp luật này dựa trên thực tiễn xét xử, phù hợp nhận thức của học sinh. Đây là một trong những hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam (9-11).

Tình huống phiên toàn sát thực tế

Sau clip “Họa từ thuốc lắc”, do học sinh Trường THPT Trần Nguyên Hãn thể hiện, với nội dung một học sinh bị một đối tượng khác dụ dỗ, lôi kéo sử dụng trái phép chất ma túy, dẫn đến hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy. Phiên tòa giả định diễn ra tại sân trường theo đúng quy trình của phiên tòa thật từ hình thức đến nội dung,. với sự tham gia của thẩm phám TAND quận Lê Chân Đặng Minh Hạnh chủ tọa phiên tòa, kiểm sát viên Viện KSND quận Lê Chân Nguyễn Thị Hồng Hạnh giữ quyền công tố, các trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước với vai trò người bào chữa cùng đông đảo giáo viên và học sinh nhà trường. Hội đồng xét xử phiên tòa giả định phân tích sâu hành vi phạm tội của các bị cáo, do thiếu hiểu biết pháp luật, vô tình vi phạm pháp luật, phân tích nhân thân của các bị cáo để tìm tình tiết giảm nhẹ. Người đóng vai bị cáo hoàn thành tốt diễn biến tâm lý khi nghe hội đồng xét xử phân tích hành vi phạm tội của mình. Các tình tiết hồi hộp, gay cấn, sự tranh tụng giữa kiểm sát viên, trợ giúp viên pháp lý, hội thẩm nhân dân thu hút sự quan tâm theo dõi của hơn 1.300 học sinh tham dự phiên tòa. Phiên tòa giả định làm nổi bật hành vi phạm tội của bị cáo, do thiếu hiểu biết pháp luật, có hành vi sử dụng, vận chuyển, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy…

Từ thích thú đến “sởn gai ốc” là tâm trạng của nhiều học sinh Trường THPT Trần Nguyên Hãn khi tham dự phiên tòa giả định. Em Thảo Vy, học sinh lớp 11B7 cho biết: Lần đầu tiên được tham dự phiên tòa giả định, em thấy sởn gai ốc, hiểu thêm quy định pháp luật về phòng, chống ma túy. Một học sinh khối lớp 12 chia sẻ: Tình huống đưa ra tại phiên tòa giả định rất dễ xảy ra đối với lứa tuổi học sinh.

Nâng cao nhận thức pháp luật cho học sinh

Đồng chí Lã Thanh Tân, Giám đốc Sở Tư pháp, Chủ tịch Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng thành phố cho biết: Đây là lần đầu, Hội đồng, Sở Tư pháp phối hợp với Sở Giáo dục- Đào tạo tổ chức tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho học sinh thông qua phiên tòa giả định. Cùng với các hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật khác, như hỗ trợ pháp lý cho học sinh thông qua tổng đài 1088, trợ giúp pháp lý lưu động, sinh hoạt câu lạc bộ pháp luật…, phiên tòa giả định góp phần trang bị kiến thức pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, góp phần xây dựng nếp sống tuân thủ Hiến pháp và pháp luật cho học sinh. Đồng thời, Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước (Sở Tư pháp) cử các luật sư, trợ giúp viên pháp lý có kinh nghiệm, am hiểu tâm lý trẻ em thực hiện việc đại diện, bào chữa, bảo vệ tại phiên tòa khi các em vi phạm pháp luật hoặc không may trở thành nạn nhân của tội phạm.

Trợ giúp viên pháp lý Nguyễn Thị Hồng Thư (Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước Hải Phòng) cho biết: Nội dung phiên tòa giả định dựa trên vụ án có thật xảy ra trên địa bàn thành phố mà trợ giúp viên pháp lý tham gia bào chữa cho người phạm tội và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, người bị hại. Phiên tòa giả định tái hiện quá trình xét xử vụ án nhằm cung cấp cho người xem về hành vi phạm tội và việc xét xử người phạm tội, truyền đạt thông điệp sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật đến đông đảo học sinh.

Hiệu trưởng Trường THPT Trần Nguyên Hãn Nguyễn Minh Quý cho biết: Tuy chỉ là phiên tòa giả định nhưng trình tự diễn ra như phiên tòa thật sự, rất cụ thể về các điều luật cũng như tình huống học sinh gặp phải, phù hợp với nhận thức của các em. Phiên tòa giả định mang tính trực quan, không chỉ phản ánh những hành vi phạm tội, các quy định pháp luật, mức án áp dụng mà còn giúp học sinh hiểu rõ hơn hoạt động của cơ quan tiến hành tố tụng, giúp người xem biết được ranh giới giữa cái đúng và cái sai, tính nghiêm minh của pháp luật và tính “hướng thiện” trong chính sách hình sự đối với những người phạm tội thông qua mức án được tuyên … Việc tuyên truyền pháp luật thông qua phiên tòa giả định có tác dụng nâng cao kiến thức pháp luật cho học sinh, góp phần giúp các em xác định rõ động cơ học tập, chấp hành nghiêm chỉnh Hiến pháp và pháp luật để trở thành học sinh, công dân tích cực trong đời sống xã hội.

Tăng cường, đổi mới công tác truyền thông về trợ giúp pháp lý trên các phương tiện thông tin đại chúng phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng ngành.

Tổ chức phiên tòa giả định về bạo lực học đường, xâm hại tình dục trẻ em nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho học sinh về cách phòng tránh bạo lực và xâm hại tình dục.

Theo Kế hoạch số 417/KH-HĐPHLN về hoạt động của Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng ở Hải Phòng năm 2017.

Bích Hà