Hỗ trợ ngư dân hoàn thiện chức danh nghề cá: Bảo đảm an toàn khi lao động trên biển
Cán bộ, chiến sĩ BĐBP thành phố kiểm tra các phương tiện trước khi xuất bến vươn khơi.
(HPĐT)- Tàu cá muốn xuất bến vươn khơi phải đáp ứng các yêu cầu về các loại giấy phép, an toàn kỹ thuật và nhất là ngư dân phải hoàn thiện chức danh nghề cá gồm: bằng thuyền trưởng, bằng máy trưởng, thợ máy, thuyền phó… Tuy nhiên, qua công tác kiểm soát biên phòng, lực lượng Bộ đội biên phòng (BĐBP) thành phố nhận thấy việc hoàn thiện các chức danh nghề cá của ngư dân còn chậm do nhiều nguyên nhân. Trước tình trạng trên, BĐBP thành phố phối hợp các đơn vị liên quan hỗ trợ ngư dân hoàn thiện chức danh nghề cá, góp phần bảo đảm an toàn cho người, phương tiện trong những chuyến ra khơi.
Quy định ngặt nghèo
Theo thống kê, hiện nay, thành phố có hơn 7.000 phương tiện tàu thuyền, trong đó có 2.888 tàu làm nghề khai thác và dịch vụ hậu cần thủy sản. Theo quy định, tàu cá vươn khơi có chiều dài từ 24 m trở lên bắt buộc phải có 4 chức danh; tàu cá từ 15m đến 24 m phải có 3 chức danh; tàu cá từ 12 m đến dưới 15 m phải có 2 chức danh và tàu cá từ 6 m đến dưới 12 m có 1 chức danh. Thông tư 22 hướng dẫn thi hành các quy định Luật Thủy sản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có hiệu lực từ 1- 1-2019 quy định, mỗi người đảm nhiệm 1 chức danh, không kiêm nhiệm. Ngư dân Trần Văn Khải, xã Lập Lễ (huyện Thủy Nguyên) cho biết: “Quy định khá ngặt nghèo gây nhiều khó khăn cho chủ phương tiện bởi để thuê được 1-2 người đi biển trong thời điểm này đã khó, nay lại kèm theo các điều kiện về bằng cấp càng khó hơn. Trong khi đó, phần lớn chủ tàu và bạn thuyền chỉ hợp đồng với nhau bằng miệng, theo từng chuyến ra khơi nên việc chấm dứt lao động cũng rất đơn giản. Nếu yêu cầu quá cao họ sẽ “nhảy” sang tàu khác ngay, khi ấy tàu chẳng đủ nhân lực ra khơi, đành “đắp chiếu” ở bến. Ngư dân Đinh Văn Mười, ở phường Hải Sơn (quận Đồ Sơn) bộc bạch: “Hiện tôi kiêm cả thuyền trưởng và máy trưởng, giờ áp dụng quy định này lại phải đi học lại. Để đăng ký học phải chờ đủ người, nếu không phải ghép lớp, may mắn thì được học gần nhà, không thì phải sang địa phương khác, mất nhiều thời gian đi lại và chi phí phát sinh, trong khi nghề đi biển tất bật quanh năm”.
Hiện, qua quá trình rà soát, thống kê, khá nhiều tàu cá trên địa bàn thành phố không đáp ứng các điều kiện về hoàn thiện chức danh nghề cá. Chị Trần Thị Thanh Mai, Trưởng Phòng Đào tạo (Trường trung cấp nông nghiệp thủy sản Hải Phòng) cho biết: Việc triển khai quy định về các chức danh trên tàu cá hiện nay gặp rất nhiều khó khăn, do lao động nghề biển đang thiếu về số lượng, yếu về trình độ, tay nghề. Quy định về chức danh nghề cá nêu trên xuất phát từ thực tế trong quá trình khai thác trên biển, xảy ra rất nhiều sự cố tai nạn đối với tàu cá, chủ yếu là các sự cố hỏng máy trong quá trình vận hành, bị sóng đánh dẫn đến tàu chìm, trôi dạt, thậm chí nhiều vụ tàu cá chìm đắm uy hiếp đến tính mạng thuyền viên, thiệt hại lớn về tài sản… Khi tàu xảy ra sự cố, nếu ngư dân kiêm nhiệm nhiều chức danh sẽ không có người để sửa chữa, không nắm bắt được những kỹ năng chuyên sâu để tự sửa chữa, khắc phục, trong khi tàu cá ra khơi thì quan trọng nhất là máy và điện.
Tích cực hỗ trợ ngư dân
Là 1 trong 35 ngư dân được tham gia lớp đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng tàu cá hạng 2 do Đồn biên phòng Đoàn Xá và Trường trung cấp nông nghiệp thủy sản Hải Phòng tổ chức tại địa phương, ngư dân Nguyễn Trí Thắng, ở xã Đoàn Xá (huyện Kiến Thụy) phấn khởi cho biết: Việc tổ chức lớp đào tạo ngay tại địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân. Thời gian, lịch học được bố trí phù hợp, linh hoạt, thường vào những ngày nước kém hoặc buổi chiều tối khi ngư dân trở về sau ngày đánh bắt. Điều tôi thấy hữu ích nhất là được thực hành ngay trên tàu của mình, trên chính vùng biển thường xuyên hoạt động, được hướng dẫn thuần thục, nhuần nhuyễn các động tác, kỹ năng sử dụng phương tiện, ra, vào luồng lạch, nhận biết hệ thống biển báo… “Qua công tác nắm địa bàn, trên địa bàn ven biển huyện Kiến Thụy mới có 1/3 phương tiện đáp ứng yêu cầu về chức danh nghề cá. Lớp đào tạo trên nhận được phản hồi tích cực từ phía ngư dân, hiện, đơn vị tiếp tục thông báo đến các ngư dân để mở lớp đào tạo vào tháng 10- 2020” – đại úy Nguyễn Văn Chánh, Trạm trưởng Trạm Kiểm soát biên phòng Văn Úc (Đồn biên phòng Đoàn Xá) thông tin. Không chỉ tổ chức lớp đào tạo trên địa bàn huyện Kiến Thụy, các đơn vị: Đồn biên phòng Cát Bà, Đồn biên phòng Đồ Sơn, Đồn biên phòng Tràng Cát… tổ chức 4 lớp đào tạo cho hàng trăm ngư dân hoàn thiện chức danh nghề cá. Chị Trần Thị Thanh Mai cho biết: “Học phí đào tạo hoàn toàn miễn phí do nhà nước hỗ trợ nên ngư dân có thể yên tâm đăng ký. Ngoài ra, nhờ sự hỗ trợ đắc lực từ lực lượng bộ đội biên phòng và chính quyền địa phương về địa điểm, cơ sở vật chất nên công tác đào tạo rất thuận lợi, đạt kết quả cao”.
Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, Bộ Chỉ huy BĐBP thành phố chỉ đạo các đơn vị tiếp tục rà soát, thống kê các phương tiện chưa hoàn thành chức danh nghề cá, tổ chức thông báo, hướng dẫn ngư dân đăng ký các lớp đào tạo; phối hợp chặt chẽ các đơn vị liên quan, xây dựng kế hoạch, chương trình đào tạo phù hợp nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của ngư dân trên cơ sở vừa bảo đảm chất lượng đào tạo vừa ổn định tình hình lao động sản xuất. Mặt khác, lực lượng BĐBP thành phố tăng cường tuần tra, kiểm soát, kiểm tra việc thực hiện các quy định của chủ phương tiện trước khi xuất bến vươn khơi, đối với những phương tiện khai thác xa bờ, kiên quyết không cho xuất bến khi chưa đủ các thủ tục, giấy tờ cần thiết; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, tái phạm nhiều lần để nâng cao ý thức, nhận thức của ngư dân - thượng tá Kiều Mạnh Hiệp, Phó chính ủy BĐBP thành phố cho biết.