Huyện Tiên Lãng phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp: Ưu tiên hoàn thiện cơ sở hạ tầng

04:26 CH 17/02/2022

 

 

Huyện Tiên Lãng từng bước thu hút các doanh nghiệp về địa phương đầu tư xây dựng nhà xưởng sản xuất trên các lĩnh vực, góp phần tạo việc làm cho người lao động địa phương.

Trong ảnh: Cụm công nghiệp thị trấn Tiên Lãng đang được hoàn thiện để thu hút các nhà đầu tư. 

 

(HPĐT)- Theo Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Tiên Lãng lần thứ 29 và Kế hoạch của UBND huyện về phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn huyện Tiên Lãng: giai đoạn 2021- 2025, phấn đấu giá trị sản lượng công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp tăng bình quân 17%/năm; đến năm 2030 tăng gấp 1,5 lần so với 2020; 100% số khu, cụm công nghiệp đi vào hoạt động. Để thực hiện thành công mục tiêu này, huyện tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp trong đầu tư cơ sở hạ tầng, quy hoạch, thu hút đầu tư.

 

Phát triển chưa tương xứng

Theo UBND huyện Tiên Lãng, hiện huyện có 125 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho 13.000 lao động. Các xã, thị trấn đều có các cơ sở sản xuất công nghiệp với các ngành nghề gia công giầy da, may mặc, gia công hàng xuất khẩu… góp phần giải quyết việc làm, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân. Các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp như: chế biến thực phẩm, cơ khí, mộc dân dụng, sản xuất vật liệu xây dựng, may mặc… phát triển ổn định, có tốc độ tăng trưởng khá và đang hướng tới sản xuất theo quy mô công nghiệp. Ngoài ra, các nghề truyền thống như dệt chiếu cói, mộc dân dụng vẫn duy trì, tạo thu nhập, việc làm cho người lao động.

 

Tuy nhiên so với các địa phương khác, lĩnh vực công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp của Tiên Lãng vẫn chiếm tỷ trọng thấp, quy mô sản xuất nhỏ. Phó chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng Vũ Văn Dũng cho biết, sản xuất công nghiệp, thủ công nghiệp trên địa bàn huyện phần lớn là gia công, chưa có doanh nghiệp sử dụng công nghệ cao, doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ nông sản; chưa đóng góp nhiều cho ngân sách huyện. Bên cạnh đó, sản xuất tiểu thủ công nghiệp phát triển chậm, hiệu quả kinh tế thấp, khả năng cạnh tranh kém, thiếu vốn, trình độ quản lý và sức lao động chưa cao; một số cơ sở sản xuất chưa thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường… Đáng chú ý, trên địa bàn huyện chưa có điểm ngành nghề sản xuất tập trung, chỉ có Cụm công nghiệp thị trấn Tiên Lãng quy mô 50 ha thu hút được 8 doanh nghiệp đến đầu tư; chưa có khu, cụm công nghiệp lớn. Do đó, các doanh nghiệp sản xuất vẫn manh mún, nhỏ lẻ. Mỗi năm, giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của huyện chỉ đạt gần 700 tỷ đồng, chiếm một phần giá trị sản xuất các ngành kinh tế của huyện.

 

Hạn chế nữa khi huyện Tiên Lãng chưa phát triển mạnh mẽ về công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp là công tác quảng bá, khuyến khích phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chưa đạt yêu cầu. Địa bàn huyện chưa có trung tâm thương mại có quy mô lớn, siêu thị, hoạt động giao thương bị hạn chế do thiếu doanh nghiệp đầu mối, dẫn đến khó khăn trong việc thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm, nhất là các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp từ các làng nghề… Đây chính là lực cản, hạn chế chưa tạo được sức bật cho kinh tế mà huyện Tiên Lãng đã xác định.

 

Tạo cơ chế, phát triển hạ tầng để thu hút đầu tư

Theo lãnh đạo UBND huyện Tiên Lãng, để phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp vững mạnh, tạo nhiều việc làm và đóng góp lớn cho ngân sách là phải tạo cơ chế đi đôi với phát triển hạ tầng để thu hút đầu tư. Theo đó, từ nay đến năm 2025, huyện đề ra mục tiêu “lấp đầy” Cụm công nghiệp thị trấn Tiên Lãng và phấn đấu đưa 100% khu, cụm công nghiệp được quy hoạch đi vào hoạt động.

 

Cùng với hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, huyện Tiên Lãng ưu tiên đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông để kết nối các khu, cụm công nghiệp với hệ thống giao thông đối ngoại. Theo Phó chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng Vũ Văn Dũng, huyện khai thác tốt giao thông đường thủy nội địa gắn với các ngành công nghiệp, dịch vụ ven sông; duy trì 3 bến thủy nội địa, quy hoạch thêm 2 bến thủy nội địa trên sông Thái Bình để tạo điều kiện phát triển các ngành kinh tế ven sông Văn Úc và khu vực ven biển như: đóng mới, sửa chữa tàu, quy hoạch xây dựng các nhà máy chế biến, công nghiệp phụ trợ để thu hút các doanh nghiệp đầu tư tại khu vực ven sông Văn Úc. Đồng thời, tích cực phối hợp tháo gỡ vướng mắc để hoàn thành đường ven biển đi qua địa bàn huyện trong năm 2022; đường nối từ cầu Lạng Am qua Tiên Lãng đi tỉnh Thái Bình, cầu nối xã Tân Liên với xã Cấp Tiến, đường nối quốc lộ 5 – quốc lộ 10, đường nối các khu cụm công nghiệp từ đường ven biển đến quốc lộ 10... theo định hướng Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

 

Trước mắt, huyện Tiên Lãng phối hợp với các sở, ngành triển khai thực hiện quy hoạch các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn huyện, trong đó ưu tiên hoàn thành xây dựng hạ tầng các cụm công nghiệp Tiên Cường 1, Tiên Cường 2, Tiên Cường 3, cụm công nghiệp Đại Thắng; quy hoạch phát triển điện lực. Đồng thời, lập và thực hiện kế hoạch chuyển đổi mục đích sử dụng đất dành cho phát triển công thương nghiệp; tổ chức công bố, cắm mốc quy hoạch chi tiết để quản lý, triển khai quy hoạch... góp phần thu hút đầu tư, phát triển sản xuất./.