Phát triển nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận: Sớm tháo gỡ khó khăn

05:52 CH 09/07/2024

Đoàn kiểm tra Sở Khoa học và Công nghệ khảo sát nhãn hiệu tập thể “Chả cá chày Đại Hợp” ở huyện Kiến Thụy.

 

(HPĐT)- Từ tháng 5-2024 đến nay, Sở Khoa học và Công nghệ (KHCN) thành lập đoàn kiểm tra các nhiệm vụ hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ; chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm chủ lực, đặc sản, sản phẩm làng nghề đã được bảo hộ. Qua kiểm tra, đoàn ghi nhận nhiều vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ và nhãn hiệu được bảo hộ.

 

Nhiều vướng mắc, khó khăn

Dù được bảo hộ từ năm 2016, nhưng nhãn hiệu tập thể “Hương Kiền Bái” hầu như không được các hộ sản xuất hương tại xã Kiền Bái (huyện Thủy Nguyên) biết đến và tham gia. Là một trong số ít hộ “bám” nghề, chị Phạm Thị Lan, ở thôn 7 cho biết, công việc vất vả, nhưng thu nhập thấp nên nghề không thu hút được lao động trẻ. Cùng với đó, do gặp khó khăn về thị trường nên các hộ chủ yếu làm thời vụ, tập trung vào dịp Tết. Chị Lan mong muốn tham gia nhãn hiệu tập thể để duy trì nghề truyền thống địa phương. Chủ tịch Hội Nông dân xã Kiền Bái Bùi Hoàng Duy, chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể này cho biết, từ hơn 60 hộ, nay làng nghề chỉ còn vài ba hộ làm hương.

Cùng với nhãn hiệu tập thể “Hương Kiền Bái”, một số sản phẩm đặc sản làng nghề như: Cau Cao Nhân, bưởi Lâm Động, rau Thủy Đường chỉ còn một số hộ trồng nhỏ, lẻ do diện tích bị thu hẹp; sản phẩm mây tre đan Chính Mỹ thiếu nguồn nguyên liệu đầu vào, không thể cạnh tranh về giá so với sản phẩm nhập khẩu khác; bánh chưng Thủy Đường, thịt nướng Minh Tân, mâm ngũ quả Minh Tân, bún Trịnh Xá, cuốn Trịnh Xá, cốm rượu Đồng Giá đều ở huyện Thủy Nguyên sản xuất nhỏ, theo đơn đặt hàng và theo mùa vụ, có sản phẩm chỉ là truyền thống văn hóa, nên hiệu quả kinh tế thấp.

Phó trưởng Phòng Kinh tế- Hạ tầng huyện Thủy Nguyên Hoàng Công Nguyên kiến nghị thành phố có chính sách hỗ trợ các hộ dân, doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, có chính sách giãn nợ và kéo dài thời gian vay vốn; hỗ trợ các địa phương duy trì, phát triển, quảng bá các tài sản trí tuệ, sản phẩm chủ lực, đặc sản, sản phẩm làng nghề được bảo hộ ra ngoài huyện, thành phố; hỗ trợ, chuyển giao công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào trồng trọt, sản xuất, chế biến các sản phẩm, đặc sản làng nghề.

Thực tế cho thấy, nhiều nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận cũng trong tình trạng dù được bảo hộ, nhưng ít được các hộ sản xuất sử dụng như: Nem chua An Thọ, vải Bát Trang (huyện An Lão); chả cá chày Đại Hợp, nem giã tay Đại Hà (huyện Kiến Thụy)… Một số sản phẩm huyện Kiến Thụy có nguy cơ mai một như: Dưa Đại Đồng, gà không lối thoát. Theo Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Tân Trào (huyện Kiến Thụy) Vũ Bá Quyết, chủ sở hữu hai nhãn hiệu tập thể “Bún riêu cua Kỳ Sơn” và “Nếp xoắn Kỳ Sơn”, từ khi được bảo hộ, nhãn hiệu được nhiều người biết đến hơn, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, diện tích sản xuất nếp xoắn đang bị thu hẹp do vướng dự án và do tình trạng xâm nhập mặn; còn bún riêu cua Kỳ Sơn chỉ thu hút khách ăn tại chỗ, chưa thể vươn xa đến các quận, huyện khác.

 

Tăng cường các giải pháp hỗ trợ

Thành phố hiện có 79/83 sản phẩm đặc sản, chủ lực, sản phẩm làng nghề được bảo hộ nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý từ năm 2010 đến nay. Trong 67 nhiệm vụ và chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận được kiểm tra đợt này, Đoàn tiến hành kiểm tra 4 nhiệm vụ và hơn 50 chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận. Trưởng Phòng Sở hữu trí tuệ, An toàn bức xạ và hạt nhân (Sở KHCN) Nguyễn Thị Thanh Huyền cho biết, qua đánh giá ban đầu, phần lớn sản phẩm chủ lực, đặc sản được các địa phương quan tâm duy trì, phát triển nhãn hiệu được bảo hộ. Một số sản phẩm mang lại hiệu quả kinh tế đối với địa phương và chủ thể sở hữu. Tuy nhiên, công tác quản lý, phối hợp giữa chính quyền địa phương, cơ quan quản lý và các chủ thể sở hữu nhãn hiệu còn hạn chế. Công tác tuyên truyền chưa sâu rộng nên người dân chưa nắm được quyền và lợi ích khi tham gia nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận đối với sản phẩm địa phương. Một số nhãn hiệu không còn duy trì do nguyên nhân từ quy hoạch đất đai, thiếu nhân lực, nguồn nguyên liệu không được bảo đảm.

Theo Phó giám đốc Sở KHCN, Trưởng Đoàn kiểm tra Nguyễn Đình Vinh, Đoàn kiểm tra ghi nhận, tiếp thu những kiến nghị, đề xuất của các chủ sở hữu nhãn hiệu; giải đáp, kiến nghị những vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai các nhiệm vụ. Kết quả kiểm tra là căn cứ để Sở KHCN tiếp tục chỉ đạo, đưa ra các giải pháp cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý và hỗ trợ phát triển nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm chủ lực, đặc sản, sản phẩm làng nghề trên địa bàn thành phố; đồng thời, tham mưu thành phố tiếp tục ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ xác lập bảo hộ và thúc đẩy phát triển tài sản trí tuệ trong giai đoạn tới.

BÌNH LUẬN (0)
Bạn cần đăng nhập để gửi bình luận Đăng nhập