Thúc đẩy doanh nghiệp nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ: Xây dựng cơ chế, chính sách đồng bộ

04:11 CH 26/03/2024

 

Công ty CP sản xuất và dịch vụ LeanMAC (huyện An Dương) triển khai đề tài KHCN “Nghiên cứu chế tạo và sản xuất máy gấp mép trần ô tô”

 

(HPĐT)- Những năm gần đây, hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ trong doanh nghiệp trên địa bàn thành phố được quan tâm, chú trọng hơn, góp phần tăng năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh trên thị trường. Tuy nhiên, hoạt động này chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố.

 

Nhiều chuyển biến tích cực

 

Từ khi thành lập đến nay, Công ty CP sản xuất và dịch vụ LeanMAC (huyện An Dương) luôn quan tâm, đầu tư cơ sở vật chất, tuyển dụng nhân lực kỹ thuật lành nghề phục vụ hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ. Mới đây, nhiệm vụ khoa học công nghệ (KHCN) “Nghiên cứu chế tạo và sản xuất máy gấp mép trần ô tô” của công ty được Hội đồng KHCN thành phố đánh giá nghiệm thu. Theo Giám đốc công ty Trần Xuân Phong, hiện ở Việt Nam và trên thế giới, việc gấp mép vải trần ô tô được thực hiện thủ công, cần 3 công nhân với thao tác 15 phút để hoàn thiện một sản phẩm. Từ thực tế trên, nhóm tác giả nghiên cứu, chế tạo máy gấp mép trần ô tô gồm cụm gấp mép thực hiện tự động nhiều thao tác như: kéo, giữ, gấp và dán vải vào trần ô tô nhờ các xi lanh khí nén. Máy giúp giảm thời gian thao tác xuống còn 3 phút/sản phẩm, giảm số nhân lực xuống 2 người mà vẫn bảo đảm chất lượng. Sau khi thử nghiệm thành công, sản phẩm được chuyển giao đến Nhà máy ô tô Vinfast (huyện Cát Hải).

 

Cùng năm 2023, Sở KHCN thành lập hội đồng đánh giá nghiệm thu nhiệm vụ KHCN “Nghiên cứu xây dựng quy trình công nghệ sản xuất đồng sunfat CuSO4.5H2O từ đồng kim loại thu hồi từ phế liệu ngành điện tử tại Công ty TNHH Tân Thuận Phong (huyện An Dương)”. Phó giám đốc công ty Bùi Đức Huy thông tin, nhóm nghiên cứu hoàn thiện dây chuyền công nghệ sản xuất đồng sunfat gồm hệ thống thiết bị phản ứng có chức năng thu hồi đồng kim loại từ phế liệu điện tử bằng phương pháp hóa học tạo ra sản phẩm đồng sunfat và hệ thống thiết bị lọc ép khung bản, nghiền và sấy giúp tinh sạch sản phẩm. Kết quả sản xuất thử nghiệm cho thấy hiệu quả thu hồi đồng theo quy trình công nghệ đã thiết kế đạt 99%, giúp tăng doanh thu doanh nghiệp từ 10-20% so với trước, góp phần giảm phát thải chất thải nguy hại ra môi trường.

 

Trưởng Phòng Quản lý khoa học (Sở KHCN) Đặng Trần Kiên nhận xét, gần đây, số lượng doanh nghiệp thành phố tham gia nhiệm vụ KHCN tăng mạnh so với trước. Nếu như giai đoạn 2006-2013, chỉ có 6 doanh nghiệp tham gia, đến giai đoạn 2013-2023, có 18 doanh nghiệp chủ trì nhiệm vụ KHCN cấp thành phố và hơn 20 doanh nghiệp phối hợp triển khai nhiệm vụ KHCN. Các nhiệm vụ KHCN do doanh nghiệp triển khai có tính thực tiễn, ứng dụng ngay vào hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, góp phần tăng năng suất, chất lượng, tiết kiệm chi phí, đồng thời, tạo ra sản phẩm mới cung cấp thị trường trong và ngoài nước.

 

Cần có cơ chế tạo “cú hích”

 

Tuy có nhiều chuyển biến tích cực song hoạt động nghiên cứu KHCN trong doanh nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng và yêu cầu phát triển của thành phố. Tham gia các hội đồng KHCN thành phố trong nhiều năm, TS. Bùi Thanh Tùng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố cho rằng, nhiều doanh nghiệp vẫn đặt lợi nhuận lên trên hết, chưa thực sự quan tâm, đầu tư đúng mức cho nghiên cứu KHCN. Phần lớn doanh nghiệp tại Hải Phòng quy mô vừa và nhỏ, tiềm lực tài chính, nhân lực KHCN thiếu, yếu, cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm để triển khai nhiệm vụ KHCN bị hạn chế. Tuy nhiên, không thể phủ nhận, các chính sách hỗ trợ hoạt động KHCN trong doanh nghiệp chưa đồng bộ, chưa trở thành “cú hích” thúc đẩy hoạt động KHCN, đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp.

 

Nhiều doanh nghiệp phản ánh rất “ngại” tham gia nhiệm vụ KHCN sử dụng ngân sách nhà nước và vốn đối ứng của doanh nghiệp do thủ tục phức tạp, nhất là cơ chế hạch toán giữa hai nguồn kinh phí khác nhau khiến việc quyết toán gặp nhiều khó khăn. Chưa kể, các quy định về hạch toán tài sản phát sinh từ nhiệm vụ KHCN chưa đồng bộ, rõ ràng. Hiện các doanh nghiệp chủ yếu tham gia nhiệm vụ KHCN không sử dụng ngân sách nhà nước, trong đó, doanh nghiệp được thành phố hỗ trợ thành lập hội đồng đánh giá nghiệm thu và hưởng một số ưu đãi như: được hỗ trợ chuyển giao công nghệ, bảo hộ sở hữu trí tuệ, xây dựng thương hiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại… Tuy nhiên, do sử dụng vốn tự có nên chưa phát huy hết năng lực nghiên cứu của doanh nghiệp, không ít doanh nghiệp “hụt hơi” trong việc duy trì nghiên cứu KHCN.

 

Để khai thác triệt để tiềm lực nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong doanh nghiệp Hải Phòng, Giám đốc Sở KHCN Trần Quang Tuấn nêu rõ, thời gian tới, bên cạnh việc chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký triển khai các nhiệm vụ KHCN, Sở KHCN đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao công nghệ đối với các doanh nghiệp. Sở KHCN tham mưu, đề xuất Chính phủ và các bộ, ngành liên quan xây dựng đồng bộ hệ thống văn bản pháp luật, tạo cơ chế thúc đẩy doanh nghiệp nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ. Các doanh nghiệp cần thay đổi tư duy, nhận thức, coi KHCN, đổi mới sáng tạo là chìa khóa của sự phát triển.

BÌNH LUẬN (0)
Bạn cần đăng nhập để gửi bình luận Đăng nhập