Cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp, thủy sản: Điều chỉnh linh hoạt, kịp thời
(HPĐT)- Năm 2025 là năm cuối của giai đoạn thực hiện cơ chế chính sách phát triển nông nghiệp, thủy sản theo Nghị quyết 15/2021/NQ-HĐND ngày 10-12-2021 của HĐND thành phố. Những năm qua, nghị quyết được triển khai theo kế hoạch hằng năm của Sở Nông nghiệp và Môi trường nhưng thực tế chưa có nhiều hộ nông dân được hỗ trợ theo nghị quyết này.
Chính sách hay nhưng khó đi vào đời sống
Cuối năm 2021, HĐND thành phố ban hành Nghị quyết 15 với mục tiêu hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, thủy sản hàng hóa tập trung, tạo sản phẩm nông nghiệp có sức cạnh tranh và giá trị gia tăng cao. Hằng năm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Sở Nông nghiệp và Môi trường) xây dựng kế hoạch thực hiện trên cơ sở tổng hợp nhu cầu của các địa phương. Từ đó, thành phố phân bổ ngân sách hỗ trợ các mô hình đủ điều kiện triển khai. Nguồn kinh phí hỗ trợ của thành phố cho việc thực hiện nghị quyết trung bình đạt 5 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, nguồn kinh phí này hằng năm hầu hết không giải ngân được cho các mô hình sản xuất nông nghiệp, thủy sản. Cụ thể, các cơ quan chức năng chỉ triển khai chỉ được 40-50% số kinh phí cho các mô hình của nông dân.
Anh Nguyễn Đức Thành, nông dân ở phường Hồng Thái (quận An Dương) cho biết, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nên rất cần nguồn vốn nhưng những năm qua, anh đều phải vay lãi các tổ chức tín dụng tư nhân với mức lãi suất cao. Gia đình mong muốn được hỗ trợ theo Nghị quyết 15 của HĐND thành phố nhưng không đủ điều kiện. Anh Thành cho biết, đối với nông dân, việc ứng dụng nhà màng, nhà lưới để sản xuất với diện tích chỉ khoảng vài trăm m2 nhưng theo nội dung nghị quyết phải từ 1 ha trở lên mới được hỗ trợ. Một số nông dân hoạt động trong lĩnh vực thủy sản, chăn nuôi cũng mong muốn được hỗ trợ theo nội dung nghị quyết nhưng yêu cầu phải có hóa đơn chứng từ khi mua nguyên vật liệu sản xuất, trong khi thực tế, nhiều hộ nông dân không đáp ứng được yêu cầu này...
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Môi trường các huyện, các huyện luôn khảo sát, đề xuất các mô hình sản xuất của nông dân để thành phố hỗ trợ nhưng rất ít nông dân được tiếp cận cơ chế, chính sách hỗ trợ vì một số nội dung quy định, thủ tục còn phức tạp, chưa phù hợp với thực tế sản xuất... Trưởng Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện An Lão Nguyễn Phú Thọ cho biết, hiện, một số hộ nông dân tích tụ ruộng đất, khắc phục tình trạng ruộng bỏ hoang có nhu cầu mua thiết bị máy móc phục vụ sản xuất lúa nhưng lại không trong danh mục được hỗ trợ vì nghị quyết chỉ cho phép các hộ mua máy sản xuất rau màu. Cùng với đó, quá trình triển khai Nghị quyết 15 xuất hiện vướng mắc nhưng các cơ quan chức năng chưa phối hợp chặt chẽ trong việc tháo gỡ vướng mắc kịp thời cho nông dân...
Tiếp tục gỡ vướng
Năm 2025 là năm cuối của giai đoạn triển khai Nghị quyết 15 của HĐND thành phố. Vì vậy, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Sở Nông nghiệp- Môi trường) xây dựng kế hoạch hỗ trợ lãi suất vốn vay đối với 100 ha sản xuất rau màu, cây ăn quả và hoa cây cảnh; 12 cơ sở chăn nuôi; 2 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm; 60 ha diện tích nuôi trồng thủy sản và 12 tàu khai thác thủy sản; hỗ trợ chứng nhận áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, hữu cơ, chăn nuôi an toàn dịch bệnh và truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp đối với 36 cơ sở trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; hỗ trợ truy xuất nguồn gốc đối với 30 cơ sở. Đến thời điểm này, thành phố phân bổ kinh phí thực hiện chương trình 5 tỷ đồng...
Tuy nhiên, để 100% nguồn kinh phí hỗ trợ đến các hộ nông dân, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cần có những giải pháp cụ thể, thiết thực. Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Bùi Thanh Tùng thông tin, các cơ quan chức năng thuộc Sở, các địa phương tiếp tục tuyên truyền các cơ chế, chính sách của nghị quyết dưới nhiều hình thức; vận động các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân đầu tư ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, thủy sản hàng hóa tập trung quy mô lớn để đủ điều kiện được hỗ trợ theo quy định của nghị quyết. Cùng với đó, Sở yêu cầu các đơn vị chức năng trực thuộc khảo sát thực tế, tham mưu, đề xuất việc sửa đổi hoặc thay thế Nghị quyết 15 của HĐND thành phố bằng các cơ chế, chính sách linh hoạt, thiết thực, phù hợp với thực tiễn sản xuất của nông dân...
Các quận, huyện có sản xuất nông nghiệp hiện đang chỉ đạo các xã, phường tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn và tổng hợp hồ sơ đề xuất hỗ trợ của các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thẩm định, tổng hợp danh sách các trường hợp đủ điều kiện nhận hỗ trợ, lập dự toán kinh phí hỗ trợ, gửi Sở Nông nghiệp và Môi trường; Sở Tài chính tổng hợp báo cáo UBND thành phố với mục tiêu bảo đảm chính xác, kịp thời, đúng đối tượng đối với các trường hợp được hưởng hỗ trợ theo quy định. Phó chủ tịch UBND xã An Thọ (huyện An Lão) Phạm Văn Hạ cho biết, hằng năm, căn cứ hướng dẫn của các sở, ngành chức năng, chính quyền địa phương đều tuyên truyền, rà soát các hộ có nhu cầu hưởng cơ chế, chính sách; hỗ trợ các hộ lập hồ sơ đề nghị tham gia chính sách; cung cấp đầy đủ các thông tin, tài liệu liên quan chính xác, trung thực...