Thị trường đóng tàu tăng trưởng: Cơ hội rộng mở với doanh nghiệp
(HPĐT)- Theo dự báo đến năm 2030 quy mô thị trường ngành đóng tàu đạt gần 200 tỷ USD. Hòa chung sự phục hồi mạnh mẽ của ngành, các doanh nghiệp đóng tàu trên địa bàn thành phố chủ động nắm bắt cơ hội, có giải pháp về nhân lực, công nghệ, phát triển cơ sở hạ tầng…
Nhiều đơn hàng đóng mới tàu
Với sự khởi sắc hoạt động vận tải biển, ngành đóng tàu phục hồi nhanh chóng, đơn hàng đóng mới, sửa chữa tàu biển của doanh nghiệp đóng tàu dồi dào. Nổi bật, ngày 5-1, Công ty CP Đóng tàu Thái Bình Dương cùng với Công ty TNHH vận tải Việt Thuận ký kết hợp đồng đóng mới 8 tàu biển quốc tế không hạn chế. Gần đây, ngày 26-2, Công ty Đóng tàu Phà Rừng tổ chức lễ đặt ky tàu tàu chở dầu/hóa chất ký hiệu vỏ YN-05 và cắt tôn tàu chở dầu/hóa chất ký hiệu vỏ YN-06 trọng tải 13.000 tấn xuất khẩu sang Hàn Quốc. Đây là các sản phẩm cùng series gồm 8 chiếc được ký kết hợp đồng đóng mới chủ tàu Hàn Quốc. Vào ngày 18-1, đóng tàu Phà Rừng cũng xuống nước và bàn giao tàu chở dầu/hóa chất trọng tải 13.000 DWT số 2, ký hiệu vỏ YN-02 mang tên BS ULSAN; tàu đầu tiên được bàn giao cuối tháng 11-2024 mang tên BS HAI PHONG. Tổng giám đốc Công ty Đóng tàu Phà Rừng Vũ Hữu Chiến cho biết, chỉ riêng hợp đồng thi công 8 tàu chở dầu/hóa chất với đối tác Hàn Quốc và các sản phẩm sửa chữa, đóng mới khác, đơn vị có việc làm đến giữa năm 2029.
Từ cuối năm 2024 đến nay, hoạt động đóng mới, sửa chữa của Công ty Đóng tàu Nam Triệu nhộn nhịp với tiếng máy cắt, hàn đóng sản phẩm mới. Trước đó, cuối năm 2024, công ty bàn giao tàu 65.000 DWT cho chủ đầu tư. Đây là sản phẩm tàu hàng rời lớn nhất do doanh nghiệp Việt Nam đóng mới, trong seri 4 tàu 65.000 DWT do Công ty CP Công nghiệp tàu thủy Đông Bắc là chủ đầu tư. Trong khi đó, tại Công ty TNHH MTV Đóng tàu Bạch Đằng, dự án đóng mới 3 tàu hàng 6.600T (ký hiệu thiết kế RS 15, 16, 18) của chủ đầu tư là Công ty TNHH thương mại An Dũng Phát và Công ty TNHH An Tiến Mạnh giúp tạo bước ngoặt quan trọng đối với công ty trong duy trì, phát triển hoạt động sản xuất, việc làm, đời sống cán bộ, người lao động doanh nghiệp.
Nâng cao nội lực, sẵn sàng giai đoạn mới
Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đóng tàu Thái Bình Dương Lê Đoàn Tám cho rằng, trong bối cảnh ngành hàng hải thế giới đang hướng tới mục tiêu “xanh hóa”, các doanh nghiệp đóng tàu sẽ “chuyển mình”, tập trung sản xuất các loại tàu có tiêu chuẩn kỹ thuật cao, ứng dụng công nghệ xanh và sử dụng nhiên liệu sạch. Để “tiếp sức” doanh nghiệp đóng tàu, công ty mong thành phố và các sở, ngành sớm tháo gỡ vướng mắc về mặt bằng sản xuất, tài chính... Điều này không chỉ giúp đơn vị yên tâm sản xuất - kinh doanh, mà còn đủ nguồn lực tiếp cận công nghệ mới, hiện đại.
Theo Quyền Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đóng tàu Nam Triệu Phạm Trung Tuyến, việc bàn giao thành công tàu hàng 65.000 DWT là dấu ấn quan trọng, thể hiện năng lực vượt bậc của đội ngũ cán bộ, công nhân kỹ thuật công ty. Bởi tàu có chiều dài lên tới 199,99 m, rộng 32,2 m, tổng dung tích 35.823 GT; được thiết kế bởi đối tác Phần Lan. Trên tàu được lắp đặt nhiều trang thiết bị hiện đại, thỏa mãn các công ước quốc tế và được đăng kiểm bởi NK (Nhật Bản), tàu có thể hoạt động trên tất cả vùng biển quốc tế và yêu cầu của cảng biển trên thế giới. Để bảo đảm kế hoạch tiến độ đóng mới các tàu tiếp theo trong seri 4 tàu 65.000 DWT, đơn vị huy động đủ nhân lực, đầu tư trang thiết bị hiện đại cũng như nâng cao năng lực quản trị, chủ động ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ, chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất - kinh doanh.
Tại Triển lãm quốc tế về công nghệ đóng tàu và công trình ngoài khơi (Vietship 2025), Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Phạm Hoài Chung chia sẻ, giai đoạn 2024-2028, quy mô thị trường đóng tàu dự kiến tăng khoảng 22,1 tỷ USD với tốc độ tăng trưởng bình quan 3,95% /n ̂ ăm và dự kiến đạt khoảng 195 tỷ USD vào năm 2030. Các sản phẩm chủ yếu gồm tàu hàng rời, tàu chở dầu, tàu container, tàu du lịch, phà và các loại tàu chuyên dụng khác. Trong đó, đội tàu chở dầu tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2021; tàu hàng rời tăng 2,8%; tàu chở khí hóa lỏng tăng 5%...Trong xu thế chuyển đổi năng lượng xanh và giảm phát thải khí carbon, đây là cơ hội đối với ngành đóng tàu Việt Nam. Để nắm bắt cơ hội mới, ngành đóng tàu cần phát huy lợi thế sẵn có và có giải pháp cụ thể về các vấn đề như: nhân lực, chính sách, công nghệ, tài chính…