Để nông dân sản xuất trở lại trên diện tích ruộng bỏ hoang: Cần giải pháp đồng bộ
(HPĐT)- Gần đây, diện tích ruộng bỏ hoang ở một số địa phương được sản xuất trở lại (gần 1.000 ha). Tuy nhiên, để sản xuất thuận lợi, nông dân mong muốn được thành phố, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương hỗ trợ.
Sản xuất hiệu quả, giá trị kinh tế cao
Anh Trần Mạnh Hùng sản xuất lúa chất lượng cao ở xã Trấn Dương cho biết, 5 năm trước anh đến xã Trấn Dương (huyện Vĩnh Bảo) để thu gom ruộng bỏ hoang của nông dân. Mỗi năm, diện tích thu gom ruộng bỏ hoang của anh lại tăng lên. Đến vụ xuân năm 2025, anh có hơn 60 ha ruộng tại một số xã ở huyện Vĩnh Bảo. Với các diện tích ruộng thu gom được, anh đưa máy móc vào sản xuất, đồng thời học hỏi kinh nghiệm để sản xuất các giống lúa chất lượng cao, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Nếu sản xuất mưa thuận, gió hòa, mỗi vụ, anh có thể thu hơn 1 tỷ đồng từ các cánh đồng lớn. Sản phẩm thu hoạch không chỉ bán cho thương lái mà còn liên kết với doanh nghiệp để bảo đảm đầu ra ổn định cho sản phẩm.
Theo báo cáo của Chi cục Trồng trọt và Kiểm lâm Hải Phòng, diện tích ruộng bỏ hoang ở một số địa phương đang được đưa vào sản xuất trở lại. Cụ thể, diện tích ruộng bỏ hoang được sản xuất trở lại tính đến vụ xuân 2025 gần 1.000 ha. Trong đó, một số địa phương như các huyện Kiến Thụy, An Lão, quận An Dương... có diện tích ruộng bỏ hoang sản xuất trở lại khá lớn... Tại huyện An Lão, tính đến hết vụ mùa năm 2024 có gần 200 ha diện tích ruộng bỏ hoang được sản xuất trở lại, chủ yếu được nông dân canh tác lúa. Ở một số địa phương như quận An Dương, huyện Kiến Thụy… diện tích ruộng bỏ hoang được trồng rau màu hoặc các loại hoa cắt cành, cây ăn quả, trồng hoa sen...
Mặc dù sản xuất trở lại trên diện tích ruộng bỏ hoang thành công đem lại giá trị kinh tế cao, tuy nhiên, quá trình sản xuất gặp một số khó khăn. Bà Phạm Thị Thơ, thu gom ruộng bỏ hoang ở xã Ngũ Phúc (huyện Kiến Thụy) cho biết, phần lớn nông dân đều phá bờ vùng, bờ thửa thành các thửa ruộng lớn, tạo thuận tiện trong sản xuất. Song không phải ai cũng có điều kiện để mua sắm máy móc phục vụ sản xuất, hầu hết phải thuê, mượn các tổ đội dịch vụ. Vào những dịp cao điểm đầu và cuối vụ sản xuất, các tổ dịch vụ đều thiếu máy nên phải chờ đợi nhau. Một số nông dân mong muốn mua máy riêng để tự chủ sản xuất nhưng không đủ kinh phí, việc tiếp cận cơ chế, chính sách vay vốn mua thiết bị sản xuất gặp vướng mắc. Đặc biệt, hầu hết người sản xuất băn khoăn, lo lắng về việc thu gom ruộng bỏ hoang hoàn toàn tự phát, tự thỏa thuận nên khi làm ăn có lãi lại bị nông dân đòi ruộng...
Cần hỗ trợ sát thực tiễn
Theo Chi cục Trồng trọt và Kiểm lâm Hải Phòng, nếu không khuyến khích, tạo điều kiện để các hộ thu gom, sản xuất trở lại thì diện tích ruộng bỏ hoang sẽ ngày càng gia tăng. Thậm chí, ở một số địa phương, diện tích ruộng bỏ hoang gia tăng còn ảnh hưởng đến việc sản xuất tại các khu vực bình thường khác, trong đó chủ yếu gây ra nạn chuột phá hoại. Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Kiểm lâm Hải Phòng Ngô Trung Kiên cho rằng, để nông dân yên tâm sản xuất, thành phố cần ưu tiên đầu tư nguồn lực hỗ trợ trực tiếp vào khu vực còn khả năng sản xuất trở lại. Nguồn vốn có thể đầu tư từ nhiều nguồn: Ngân sách nhà nước (thông qua thực hiện các cơ chế, chính sách; các chương trình, đề án, dự án…); kêu gọi các tổ chức, cá nhân tài trợ và sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất trồng trọt. Thu hút các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tích cực tham gia liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm trên cơ sở ưu tiên khuyến khích thực hiện trên các diện tích bỏ hoang, nhất là diện tích bỏ hoang nhiều năm...
Để giải quyết khó khăn trong thực tế sản xuất, Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng hỗ trợ các hộ ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Trưởng Phòng Thông tin, đào tạo và thị trường (Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng) Lê Thị Đức thông tin, các hội nghị, hội thảo tập huấn kiến thức sản xuất cho nông dân được tổ chức thiết thực, giúp nông dân dễ dàng nắm bắt kiến thức như tổ chức tại đầu bờ theo hướng "cầm tay, chỉ việc", hình thức tổ chức phong phú, hấp dẫn để nông dân dễ áp dụng.
Cùng với đó, chính quyền địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ dân thuê diện tích ruộng bỏ hoang để sản xuất trở lại. Chủ tịch UBND xã Chiến Thắng (huyện An Lão) Trần Thị Khánh cho biết, trên địa bàn xã có một số hộ thu gom diện tích ruộng bỏ hoang sản xuất khá hiệu quả nên địa phương tích cực tuyên truyền để nhân rộng. Đồng thời, xã tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục khi một số hộ có mong muốn được tiếp cận cơ chế, chính sách hỗ trợ của thành phố; đồng thời yêu cầu các ban, ngành, đoàn thể khơi nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng giúp đỡ một số nông dân thu gom ruộng bỏ hoang tiếp cận nguồn vốn để đầu tư mua sắm máy móc phục vụ sản xuất...