Ngành ngân hàng Hải Phòng: Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt

04:02 CH 16/07/2024

 

Khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt tại cửa hàng hoa trên phố Đà Nẵng (quận Ngô Quyền).

 

(HPĐT)- Các ngân hàng thương mại trên địa bàn thành phố khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ Internet Banking, Mobile Banking, quét mã QR để giao dịch. Qua đó mở rộng phát triển các sản phẩm dịch vụ tiện ích, thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM), thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong đời sống kinh tế - xã hội.

 

Nhiều lợi ích thiết thực

Trước đây, mỗi dịp công ty trả lương vào cuối tháng, chị Đoàn Thị Trâm, ở xã Tân Liên (huyện Vĩnh Bảo) đến cây ATM để rút tiền mặt chi tiêu cho sinh hoạt gia đình. Có thời điểm chị phải chờ 30 - 40 phút mới đến lượt rút tiền. Khi ngân hàng vận động khách hàng sử dụng dịch vụ Mobile Banking, chị mở tài khoản giao dịch. Hiện, mọi chi tiêu của gia đình từ mua sắm sinh hoạt hằng ngày, nộp tiền học cho con, trả tiền điện, nước… phần lớn chị đều chuyển khoản, không mất thời gian như trước đây.

Với nhiều lợi ích thiết thực, giao dịch TTKDTM trong mua sắm thông qua các phương tiện thanh toán điện tử ứng dụng công nghệ số ngày càng được nhiều người dân trên địa bàn thành phố lựa chọn sử dụng. Như mô hình chợ 4.0, tiểu thương và khách hàng đến chợ có thể mua, bán hàng hóa bằng cách quét mã QR hoặc chuyển tiền qua số điện thoại trên ứng dụng một cách nhanh chóng, thuận tiện mà không cần mang theo tiền mặt, không mất thời gian trả lại tiền thừa.

 

Bảo đảm an toàn cho người dân và ngân hàng

Tại Hải Phòng, các ngân hàng thương mại vận động, khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ Internet Banking, Mobile Banking nhằm giảm tỷ lệ giao dịch tiền mặt, bảo đảm an toàn cho khách hàng và ngân hàng. Sử dụng dịch vụ Mobile Banking, khách hàng thực hiện các giao dịch 24/7, không phải mất thời gian chờ đợi như giao dịch tại ngân hàng; có thể truy vấn thông tin tài khoản, số dư có trong tài khoản, tra cứu lịch sử giao dịch ngân hàng, chuyển khoản nội bộ và liên ngân hàng; thanh toán các dịch vụ khi mua sắm, sinh hoạt.

Phó giám đốc Chi nhánh Agribank thành phố Hải Phòng Phạm Văn Khoa thông tin: Nếu như trước đây, bình quân một ngày tại các cây ATM của chi nhánh có đến 1000 người đến rút tiền mặt, hiện nay chỉ còn khoảng 400 - 500 khách hàng; số lượng khách hàng có đăng ký dịch vụ ngân hàng điện tử và thường xuyên giao dịch trực tuyến là 76 nghìn người. Hầu hết khách hàng đến giao dịch đều được đơn vị tuyên truyền, vận động mở tài khoản và đăng ký các dịch vụ ngân hàng, trong đó có dịch vụ Internet Banking, Mobile Banking. Đây là các dịch vụ tiện ích cho khách hàng, chỉ cần trong khoảng 1 phút có thể chuyển tiền và thanh toán các khoản chi phí khác mà không cần dùng tiền mặt. Việc chuyển tiền cũng không phải mất phí và bảo đảm an toàn khi giao dịch.

Theo Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Hải Phòng Nguyễn Thị Dung, 5 năm trở lại đây, hoạt động TTKDTM trên địa bàn thành phố có sự phát triển nhanh chóng. Chỉ tính riêng năm 2023 và 6 tháng năm 2024, doanh số hoạt động TTKDTM, đặc biệt TTKDTM đối với dịch vụ công tiếp tục tăng do nhu cầu và thói quen của người dân trên địa bàn trong việc sử dụng thẻ, ứng dụng ngân hàng để thanh toán, chi trả dịch vụ thay thế hình thức tiền mặt. Cụ thể, tổng số thuế, phí nộp bằng hình thức giao dịch điện tử (GDĐT) năm 2023 phối hợp Cục Thuế Hải Phòng ước đạt 23.347 tỷ đồng, ước 6 tháng đầu năm 2024 đạt 12.010 tỷ đồng; phối hợp với Cục Hải quan năm 2023 đạt 15.071 tỷ đồng, ước 6 tháng năm 2024 đạt 9.035 tỷ đồng. Tổng số tiền Bảo hiểm xã hội thanh toán bằng GDĐT đạt 3.228 tỷ đồng, ước 6 tháng đầu năm 2024 đạt 1.685 tỷ đồng; số tiền điện, nước, học phí, viện phí đã thanh toán bằng GDĐT đạt 9.984 tỷ đồng, ước 6 tháng đầu năm 2024 đạt 4.482 tỷ đồng.

Thực hiện thanh toán trực tuyến, hạn chế sử dụng tiền mặt, Hải Phòng phấn đấu đến năm 2025 có tối thiểu 80% số thủ tục hành chính có yêu cầu nghĩa vụ tài chính được triển khai thanh toán trực tuyến, trong đó tỷ lệ giao dịch thanh toán trực tuyến đạt từ 50% trở lên. Hướng tới mục tiêu này, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Hải Phòng tiếp tục chỉ đạo hệ thống ngân hàng thương mại thường xuyên phối hợp các nhà mạng, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, bảo đảm giao dịch thuận lợi, nhanh chóng, an toàn; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, đào tạo, hướng dẫn và bảo vệ người tiêu dùng trong TTKDTM; vận động, khuyến khích các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, dịch vụ trung gian thanh toán, các doanh nghiệp cung cấp hàng hóa, dịch vụ có các hình thức miễn, giảm phí, khuyến mại, giảm giá đối với khách hàng sử dụng hình thức TTKDTM để thanh toán khi mua sắm, sử dụng dịch vụ...

BÌNH LUẬN (0)
Bạn cần đăng nhập để gửi bình luận Đăng nhập