Nguồn vốn chính sách ở xã Hùng Tiến phát huy hiệu quả
Với tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách 15,2 tỷ đồng, xã Hùng Tiến là một trong hai xã có dư nợ cao nhất huyện Vĩnh Bảo. Tuy số dư nợ cao, song nhiều năm qua, trên địa bàn xã không phát sinh nợ quá hạn.
Phó chủ tịch UBND, Trưởng Ban giảm nghèo xã Hùng Tiến Nguyễn Kim Chất cho biết, để phát huy hiệu quả nguồn vốn ưu đãi, lãnh đạo chính quyền địa phương nghiêm túc thực hiện Chỉ thị 40 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Sau khi được UBND huyện giao vốn, UBND xã họp Ban giảm nghèo, mời các thôn, tổ tiết kiệm và vay vốn để phân giao vốn; chỉ đạo các thôn, hội đoàn thể triển khai bình xét đối tượng vay và triển khai cho vay. Trong quá trình quản lý vốn, Ban giảm nghèo kết hợp với cán bộ NHCSXH thường xuyên đôn đốc các tổ chức hội kiểm tra về việc sử dụng vốn vay, thu nộp gốc, lãi; khi có vướng mắc báo cáo lãnh đạo và xin ý kiến giải quyết ngay. Ngoài ra, tổ tiết kiệm và vay vốn là mắt xích quan trọng trong quy trình cho vay vốn nên công tác lựa chọn thành viên quản lý tổ được lãnh đạo UBND xã quan tâm chỉ đạo.
Nhờ đó, từ năm 2006, xã giải quyết dứt điểm hơn 1,3 triệu đồng nợ quá hạn nhận bàn giao từ ngân hàng Nông nghiệp. Công tác quản lý vốn vay giúp đỡ hộ nghèo, hộ chính sách vay vốn có nhiều tiến bộ. Sau 15 năm, xã quản lý số vốn từ 671 triệu đồng, đến nay tăng gấp 208 lần lúc đầu. Đến nay, toàn xã có 728 lượt hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn xã được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, từng bước phát triển kinh tế gia đình tăng thu nhập. Nhiều hộ vay vốn mở rộng sản xuất được bình xét vay tới 50 triệu đồng. Đơn cử như gia đình anh Nguyễn Bá Hoàng, thôn Phương Trì 1. Từ 20 triệu đồng vốn vay hộ nghèo tại NHCSXH, anh Hoàng xây dựng trại nuôi lợn, phát triển kinh tế gia đình. Nhờ cần cù, chịu khó, cách đây 5 năm, gia đình anh sớm trả nợ ngân hàng, vươn lên thoát nghèo. Không dừng lại ở đó, anh tiếp tục vay NHCSXH 52 triệu đồng vốn thoát nghèo, nước sạch và vệ sinh môi trường để đầu tư mở rộng trại nuôi lợn. Đến nay, gia đình anh nuôi hơn 100 con lợn thịt, 15 con lợn nái. Có đồng vốn từ chăn nuôi, anh tiếp tục đầu tư mua máy gặt liên hợp phục vụ người dân trong xã và vươn ra các tỉnh miền Trung như Nghệ An, Hà Tĩnh…
Ngoài giúp người dân làm giàu, vốn chính sách hỗ trợ xã Hùng Tiến giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động. Hơn 2000 hộ dân có điều kiện nâng cao chất lượng sống; nhiều học sinh tiếp bước đến trường. Nguồn vốn chính sách, góp phần giúp xã Hùng Tiến từng bước chuyển dịch thành công cơ cấu kinh tế nông nghiệp, từ chuyên canh trồng lúa sang trồng màu, nuôi trồng thủy sản. Từ vùng đất chua, mặn, đến nay, Hùng Tiến xây dựng thành công vùng trồng ớt, cà chua sạch rộng 21 ha (được cấp chứng chỉ sản xuất theo VietGap), cho thu nhập cao gấp hơn 10 lần trồng lúa. Nhờ đó, thu nhập bình quần đầu người của địa phương hiện nay đạt 35 triệu đồng/người/ năm; đưa tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 24,8% (năm 2002) xuống còn 4,2% (cuối năm 2006). Theo Phó chủ tịch UBND xã Nguyễn Kim Chất, những kết quả này là động lực để Hùng Tiến rút ngắn thời gian về đích NTM từ năm 2019 xuống năm 2018.
Diệp Anh