Nhân kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống Ngành dân số Việt Nam (26-12-1961 - 26-12-2021): Nâng cao chất lượng dân số, khai thác hiệu quả lợi thế “dân số vàng”

05:45 CH 15/12/2021

 

 

Huyện Cát Hải là địa phương thực hiện tốt công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình trong những năm qua.

Trong ảnh: Cô và trò lớp 5 tuổi, Trường mầm non Nghĩa Lộ trong giờ học. 

 

(HPĐT)- Ngay từ năm 1961, giữa bộn bề công việc khó khăn, Chính phủ quyết định tiến hành cuộc vận động hướng dẫn sinh đẻ có kế hoạch. Điều đó vừa thể hiện tầm nhìn mang tính chiến lược lâu dài của Đảng và Nhà nước ta, vừa mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Suốt 60 năm kể từ năm 1961 đến nay, công tác Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) của thành phố đạt được nhiều kết quả nổi bật, góp phần quan trọng ổn định và tăng trưởng kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

 

Chất lượng dân số được cải thiện

Nằm trong chuỗi hoạt động hướng tới kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống ngành Dân số Việt Nam, với chủ đề “Vì một Việt Nam phát triển bền vững”, tại Nhà văn hóa xã Nghĩa Lộ, Trung tâm Dân sốKHHGĐ huyện Cát Hải phối hợp Hội Liên hiệp phụ nữ huyện tổ chức tuyên truyền bình đẳng giới, chăm sóc sức khỏe phụ nữ và trẻ em gái, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, góp phần nâng cao chất lượng dân số vùng biển đảo. Bà Nguyễn Thị Năm, Giám đốc Trung tâm cho biết: “Những năm qua, huyện Cát Hải nỗ lực đẩy mạnh công tác truyền thông trong gia đình, nhà trường và cộng đồng với nhiều hình thức khác nhau. Qua thực tiễn triển khai đem lại sự chuyển biến tích cực về nhận thức, hành vi của người dân trong việc nâng cao vị thế của phụ nữ trong gia đình, cộng đồng; tâm lý ưa thích con trai, cùng tư tưởng trọng nam hơn nữ có chiều hướng giảm đáng kể. Cụ thể, năm 2015, tỷ số giới tính khi sinh của huyện đảo 152 bé trai/100 bé gái sinh ra còn sống, đến năm 2021, tỷ số này được kiểm soát và giảm xuống còn 116 bé trai/100 bé gái”.

 

Không chỉ ở huyện Cát Hải, các địa phương trên địa bàn thành phố triển khai nhiều giải pháp để thực hiện chính sách dân số- KHHGĐ. Trong đó, tranh thủ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy và UBND thành phố, các cấp, ngành, nhất là Sở Y tế, đội ngũ cán bộ, cộng tác viên làm công tác dân số - KHHGĐ từ thành phố xuống cơ sở với tâm huyết, nhiệt tình, trách nhiệm, chủ động, sáng tạo xây dựng nhiều mô hình làm công tác dân số - KHHGĐ hiệu quả. Nhờ đó, kết quả công tác dân số- KHHGĐ của thành phố trong những năm qua luôn đạt được các mục tiêu đề ra. Cụ thể, dân số thành phố bước vào thời kỳ cơ cấu “dân số vàng” từ năm 2004, sớm hơn cả nước 3 năm, dự báo duy trì giai đoạn dân số vàng đến năm 2045. Tỷ số giới tính khi sinh năm 2020 là 112 bé trai/100 bé gái (đạt mục tiêu giai đoạn 2016 - 2020 dưới mức 115 bé trai/100 bé gái). Chất lượng dân số từng bước được cải thiện: tỷ lệ chết mẹ liên quan đến thai sản, chết trẻ dưới 5 tuổi, suy dinh dưỡng trẻ em giảm mạnh; tỷ lệ phụ nữ mang thai được sàng lọc trước sinh đạt 65%, tỷ lệ trẻ em mới sinh được sàng lọc sơ sinh 55%; tuổi thọ bình quân đạt 74,7 tuổi, cao hơn toàn quốc (73,6 tuổi), tỷ lệ dân số được đăng ký trong hệ thống cơ sở dữ liệu dân cư về dân số đạt 95%...

 

Nhờ làm tốt công tác dân số- KHHGĐ, số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ trên địa bàn thành phố giảm từ 2,9 con năm 1990 xuống 2,1 con năm 2020. Hải Phòng là 1 trong 9 tỉnh, thành phố đạt và duy trì vững chắc mức sinh thay thế. Tỷ suất sinh giảm từ 25,7% năm 1990 xuống 14,9 năm 2020. Tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên từ 1,98% năm 1990 giảm xuống ổn định ở mước dưới 1%, thấp hơn tỷ lệ của toàn quốc (1,14%). Tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại tăng từ 47% năm 1990 lên 70,32% năm 2020. 

 

Tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp

Chi cục trưởng- Chi cục Dân số - KHHGĐ thành phố Trần Thị Thu Hằng cho biết, phát huy những thành tựu đạt được của công tác dân số thành phố 60 năm qua, để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu công tác dân số- KHHGĐ do Trung ương và thành phố giao, nhất là duy trì vững chắc thời kỳ “dân số vàng”, công tác dân số thành phố giai đoạn tới, Ngành tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó, tiếp tục tham mưu, đề xuất bảo đảm tăng cường sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ Đảng, chính quyền các cấp đối với công tác dân số- KHHGĐ; triển khai sâu rộng tới các cấp, các ngành và người dân về việc thực hiện chương trình hành động của Thành ủy, kế hoạch của UBND thành phố thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25-10-2017 hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa 12, Nghị quyết số 137/NQ-CP, Chương trình hành động số 51-CTr/TU, Quyết định số 617/QĐ-UBND; Chiến lược Dân số Việt Nam giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030 thành phố Hải Phòng và các kế hoạch của UBND thành phố ban hành thực hiện về công tác dân số trong tình hình mới. Đồng thời, tham mưu các cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách trong lĩnh vực dân số - KHHGĐ…

 

Để tiếp tục nâng cao chất lượng dân số toàn diện về quy mô, cơ cấu, chất lượng và phân bố dân cư, hệ thống dân sốKHHGĐ các cấp tiếp tục củng cố mạng lưới dịch vụ KHHGĐ thường xuyên, thuận lợi, an toàn và nâng cao chất lượng dịch vụ. Bên cạnh đó, đổi mới công tác tuyên truyền, vận động triển khai công tác dân số - KHHGĐ với nhiều hình thức để phù hợp với tình hình diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19. Trong đó, tranh thủ các kênh truyền thông, tăng cường truyền thông trên nền tảng công nghệ số nhằm cung cấp kịp thời, sâu rộng các thông tin, kiến thức, nội dung về dân số đến mọi người dân. Thực hiện có hiệu quả các đề án, dự án, mô hình được phê duyệt, lồng ghép chặt chẽ với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, địa phương. Đồng thời tiếp tục nâng cao chất lượng hệ thống thông tin quản lý chuyên ngành; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác dân số từ thành phố đến cơ sở, đáp ứng yêu cầu chuyển hướng sang chính sách dân số và phát triển./.