Kiểm soát chất lượng vaccine tiêm phòng dịch bệnh động vật
(HPĐT)- Mới đây, thông tin về lô vaccine phòng, chống bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò do Công ty Navetco cung ứng tại tỉnh Lâm Đồng bị lỗi làm hàng trăm con bò bị chết, khiến nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn thành phố băn khoăn, lo lắng. Bởi, việc lưu hành vaccine phục vụ chăn nuôi hiện nay còn khó khăn trong kiểm chứng chất lượng.
Nỗi lo về chất lượng vaccine
Anh Lương Xuân Tường ở thôn Khúc Giản, xã An Tiến (huyện An Lão) cho biết, gia đình phát triển trại nuôi gà lông màu từ nhiều năm nay, nhưng ít xảy ra dịch bệnh vì anh luôn chú trọng việc tiêm phòng các loại bệnh. Ngay khi mới nhập giống, đàn gà đã được tiêm phòng một số bệnh. Và trong quá trình nuôi, để bảo đảm an toàn, anh tiếp tục mua một số loại vaccine để tiêm phòng cho đàn gà như vaccine IB, chống sưng phù đầu, Niucatson… Anh chủ yếu mua lẻ các loại vaccine phòng, chống dịch bệnh cho đàn gà tại đại lý, sau đó nhờ cán bộ thú y đến tiêm hoặc gia đình trực tiếp tiêm cho đàn gà.
Theo phản ánh của nhiều người chăn nuôi, hiện nay phần lớn bệnh truyền nhiễm trên gia súc, gia cầm đều có vaccine phòng bệnh. Vaccine được bán phổ biến ở nhiều cửa hàng thuốc thú y. Người chăn nuôi chủ yếu chọn mua vaccine theo lời giới thiệu từ chủ cửa hàng vật tư nông nghiệp mà khó biết được chất lượng của sản phẩm có thực sự hiệu quả, an toàn hay không. Bà Nguyễn Thị Chín, ở tổ dân phố Tân Tiến, phường Tân Thành (quận Dương Kinh) cho biết, năm nay gia đình bà nuôi 24 con bò thịt. Một số đại lý thuốc thú y mời chào mua vaccine phòng, chống viêm da nổi cục, nhưng gia đình còn băn khoăn chưa biết chọn được loại vaccine của nhà sản xuất nào tốt để tiêm cho bò. Do chưa được tiêm phòng, cùng với ảnh hưởng của thời tiết bất thường lúc giao mùa, cuối tháng 6-2024, gia đình bà có một con bò thịt bị chết vì mắc bệnh viêm da nổi cục.
Đặc biệt, mới đây, lô vaccine phòng, chống bệnh viêm da nổi cục của Công ty Navetco cung ứng tiêm cho đàn bò ở 2 huyện Đức Trọng và Đơn Dương (tỉnh Lâm Đồng) khiến 300 con bò chết càng khiến người chăn nuôi băn khoăn, lo lắng hơn về chất lượng vaccine phòng, chống dịch bệnh động vật đang lưu hành trên thị trường. Bà Bùi Thị Tám, hộ chăn nuôi ở xã Tú Sơn (huyện Kiến Thụy) cho biết, thực tế người chăn nuôi không có chuyên môn sâu, nên khó đánh giá chất lượng, không rõ vaccine có thực sự hiệu quả, an toàn hay không. Chỉ khi tiêm cho đàn gia súc, gia cầm nếu có gặp sự cố gì hoặc không bảo đảm miễn dịch mới biết nguyên nhân do vaccine không bảo đảm chất lượng.
Từ đầu năm đến nay, toàn thành phố tiêm phòng cúm gia cầm được 7.439.000 con, đạt tỷ lệ 89,65% tổng đàn; viêm da nổi cục trên trâu bò 1.257 liều; tiêm phòng dại đàn chó, mèo nuôi được 92.637 con, đạt tỷ lệ 90,42% so tổng đàn; tiêm phòng dịch bệnh tả lợn châu Phi 7.343 con lợn thịt, đạt 5,28% so với tổng đàn lợn thịt (139.00 con)...
Phối hợp kiểm tra, giám sát
Để bảo đảm cung ứng vaccine an toàn, chất lượng đến người chăn nuôi trên địa bàn thành phố, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Phòng phối hợp một số doanh nghiệp cung ứng thuốc thú y tổ chức hội nghị, hội thảo giới thiệu tuyên truyền những loại vaccine hiệu quả cao, thiết thực với công tác phòng, chống dịch bệnh động vật. Hằng năm, Sở tham mưu, xây dựng kế hoạch triển khai tiêm vaccine phòng, chống cúm gia cầm bằng nguồn kinh phí ngân sách thành phố hỗ trợ các hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ. Với nguồn vaccine được hỗ trợ đều được lựa chọn nhà cung ứng, đấu thầu và triển khai mua vaccine để cấp phát cho các địa phương theo đúng quy định pháp luật.
Tuy nhiên, việc cung ứng vaccine tập trung chỉ được thực hiện với bệnh cúm gia cầm và chủ yếu hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ. Với nhiều dịch bệnh khác trên đàn lợn, đàn trâu, bò… không được thành phố hỗ trợ. Các hộ chăn nuôi trang trại, gia trại đều phải chủ động nguồn vaccine và tự liên hệ đại lý mua tại thị trường, nên rất khó kiểm soát hết chất lượng của nguồn vaccine này. Vì vậy, các cơ quan chức năng của thành phố cần phối hợp để kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hơn. Cùng với đó, việc bảo quản, tiêm vaccine để phát huy hiệu quả phòng, chống dịch bệnh động vật tốt nhất, hạn chế rủi ro trong quá trình chăn nuôi cũng cần có sự tham gia tích cực của nhân viên thú y.
Phó chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y Bùi Văn Luyện cho rằng, mỗi loại vaccine đều có những đặc thù riêng, hiệu quả và thời gian miễn dịch phụ thuộc nhiều vào người sử dụng. Nếu quản lý và sử dụng không đúng quy trình kỹ thuật sẽ khó bảo đảm thời gian miễn dịch kéo dài và an toàn. Vì vậy, cơ quan chức năng luôn khuyến cáo người chăn nuôi chỉ mua vaccine ở những nơi uy tín, có đủ điều kiện và được Cục Thú y cấp giấy chứng nhận lưu hành tại Việt Nam. Vaccine phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Người chăn nuôi không mua bán, sử dụng các loại vaccine trôi nổi, không rõ nguồn gốc, chưa được cấp phép lưu hành. Quá trình tiêm cũng phải đúng kỹ thuật, đúng liều lượng, đúng đường tiêm, bảo đảm vô trùng…theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Sau khi tiêm vaccine, các hộ chăn nuôi cần theo dõi sát sức khỏe đàn vật nuôi, kịp thời phát hiện diễn biến bất thường, phản ứng (nếu có) để có biện pháp xử lý kịp thời.