Phân bổ vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025: Tập trung các dự án lớn
Nguồn vốn ngân sách thành phố tập trung đầu tư xây dựng các công trình giao thông trọng điểm kết nối cơ sở hạ tầng để phát triển thành phố. (Trong ảnh: Các nhà thầu tập thi công cầu Rào)
(HPĐT)- Theo Sở Kế hoạch - Đầu tư, tổng nguồn vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025 của thành phố khoảng 95.032 tỷ đồng. Đây là nguồn lực khá dồi dào, góp phần quan trọng đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố. Trong đó, thành phố tập trung phân bổ nguồn lực này để thực hiện chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị; phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng khu công nghiệp, phát triển du lịch; xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu theo tinh thần Nghị quyết Đại hội 16 của Đảng bộ thành phố.
Dành nguồn lực cho đầu tư phát triển
Sở Kế hoạch - Đầu tư cho biết, thành phố sẽ cân đối khoảng 30% tổng vốn đầu tư công nguồn ngân sách thành phố, tương ứng với 29.700 tỷ đồng để thực hiện các chương trình, nhiệm vụ chung của thành phố như: xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu (khoảng 20.000 tỷ đồng); hỗ trợ nhà ở cho người có công; công tác quy hoạch… Còn lại khoảng 65.332 tỷ đồng hỗ trợ vốn đầu tư công cho các quận, huyện và bố trí cho các dự án của thành phố. Trong đó, dành khoảng gần 9.000 tỷ đồng bổ sung có mục tiêu cho các quận, huyện, dự kiến mỗi năm tăng khoảng 10%. Mức vốn cụ thể hằng năm cho các quận, huyện sẽ không được cào bằng mà dựa vào các mục tiêu phát triển theo tinh thần Nghị quyết Đại hội 16 của thành phố để phân bổ. Như các địa phương đã có định hướng đầu tư gồm: huyện Thủy Nguyên lên thành phố; huyện An Dương, huyện Kiến Thụy trở thành quận; quận Kiến An, quận Dương Kinh được tập trung đầu tư chỉnh trang, hiện đại hóa sẽ được cộng thêm 8-10 điểm tương ứng với các mức vốn cụ thể. Ngoài ra, còn có các tiêu chí khác để phân bổ vốn như: dân số, diện tích, nguồn thu trên địa bàn…
Đáng chú ý, thành phố sẽ dành 80% số vốn đầu tư công còn lại (khoảng 56.354 tỷ đồng) bố trí cho các dự án, tập trung dự án thực hiện Nghị quyết Đại hội 16 của Đảng bộ thành phố và các dự án trọng điểm được Thành ủy, HĐND thành phố thông qua. Trong đó, sẽ dành nguồn lực thực hiện nhiều dự án lớn như: đường vành đai 2, đường vành đai 3, các tuyến đường giao thông kết nối quan trọng khác; trung tâm hành chính - chính trị thành phố, cầu Bến Rừng, cầu Lại Xuân, cầu Nghìn 2, cầu Nguyễn Trãi, cầu Rào 3, các nút giao khác mức như: nút giao ngã tư đường Tôn Đức Thắng- Máng Nước-quốc lộ 5, nút giao Khu công nghiệp Tràng Duệ- Quốc lộ 10, nút giao khu vực Khu công nghiệp Nomura, nút giao quốc lộ 10- đường 301 An Lão, nút giao đường trục Dương Kinh- Đồ Sơn với đường ô tô cao tốc Hà Nội- Hải Phòng... Đồng chí Nguyễn Hoàng Long, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư cho biết, tiêu chí chung trong phân bổ nguồn vốn đầu tư công là tập trung cho các dự án lớn, không dàn trải, phân tán để bảo đảm kế hoạch tiến độ, hoàn thành trong thời gian nhanh nhất có thể để đưa vào sử dụng, tạo nên nhiều giá trị gia tăng cho thành phố.
Đủ khả năng cân đối
Theo kế hoạch thu ngân sách 5 năm 2021-2025 của thành phố, tổng số thu 5 năm đạt khoảng 248.000 tỷ đồng, trong đó ngân sách địa phương được hưởng 188.383 tỷ đồng. Các ngành chức năng của thành phố đã bàn bạc, cân đối, tính toán và quyết định dành khoảng 75.000 tỷ đồng cho chi thường xuyên, còn lại dành cho chi đầu tư phát triển. Cộng với nguồn vốn vay khoảng 10.000 tỷ đồng, thành phố đủ khả năng cân đối cho các công trình, dự án của cả giai đoạn 2021-2025.
Theo thống kê ban đầu, nhu cầu đầu tư từ nguồn ngân sách thành phố cho các dự án thực hiện Nghị quyết Đại hội 16 của Đảng bộ thành phố là khoảng hơn 66.000 tỷ đồng với 79 dự án. Trong đó, có 48 dự án chỉnh trang và hiện đại hóa đô thị; 23 dự án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; khu công nghiệp; 5 dự án phát triển hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; 3 dự án hạ tầng du lịch… Cụ thể, thành phố sẽ cân đối đủ 5.315 tỷ đồng cho các dự án chuyển tiếp từ giai đoạn 2016- 2020 sang giai đoạn 2021- 2025; cân đối đủ 17.334 tỷ đồng cho các dự án khởi công mới đã được phê duyệt chủ trương đầu tư, đồng thời dành nguồn lực để tiếp tục cân đối đủ cho các dự án khởi công mới sẽ được phê duyệt chủ trương đầu tư trong những năm tới với khoảng 17.237 tỷ đồng. Dự kiến, nguồn vốn đầu tư công tiếp tục được điều chỉnh, bổ sung hằng năm trên cơ sở nguồn thu ngân sách của thành phố và sẽ có thêm nhiều công trình, dự án khác được phê duyệt, đầu tư, xây dựng, mang lại diện mạo mới cho thành phố Hải Phòng với yêu cầu tăng tốc và phát triển bứt phá.
Tuy nhiên, việc thực hiện được kế hoạch nêu trên phụ thuộc nhiều vào công tác thu ngân sách của thành phố. Do đó, ngay từ năm 2021, thành phố đề ra mục tiêu thu 35.000 tỷ đồng; năm 2022 đạt 44.600 tỷ đồng; năm 2023 đạt 51.800 tỷ đồng; năm 2024 đạt 60.200 tỷ đồng và đến năm 2025, phấn đấu đạt 75.000 tỷ đồng. Đạt được những mốc son này, chắc chắn kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm của thành phố sẽ có nhiều thuận lợi, giúp thành phố cân đối đủ nguồn lực cho các dự án đã được phê duyệt./.