Quận Hải An: Sẵn sàng tổ chức Lễ hội Từ Lương Xâm 2023

03:03 CH 04/02/2023

 

Lễ hội Từ Lương Xâm được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. 

 

(HPĐT)- Theo UBND quận Hải An, hiện nay, công tác chuẩn bị lễ hội truyền thống Từ Lương Xâm 2023 - di sản văn hóa phi vật thể quốc gia kỷ niệm 1085 năm chiến thắng Bạch Đằng lịch sử (938-2023) và tưởng niệm 1079 năm ngày mất của Đức Vương Ngô Quyền hoàn tất. UBND quận Hải An cũng hoàn thành các chương trình trong dịp lễ hội phục vụ nhân dân và du khách đến với lễ hội nói riêng và quận Hải An nói chung.

 

 

 

Khu vực Từ và tượng Đức Vương Ngô Quyền.


Lễ hội Từ Lương Xâm 2023 được UBND quận Hải An tổ chức, diễn ra trong các ngày từ 5 đến 7-2-2023 (tức 15, 16, 17 tháng Giêng năm Quý Mão) với nhiều hoạt động văn hóa phong phú và hấp dẫn gồm: múa lân-sư- rồng, trống khai hội, lễ rước truyền thống, liên hoan văn nghệ, tổ chức các trò chơi dân gian, tổ chức các giải thi đấu thể thao… Trong chuỗi sự kiện này, quận Hải An tổ chức giới thiệu về thân thế, sự nghiệp của Đức Vương Ngô Quyền gắn với chiến thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng năm 938. Trong màn rước của lễ hội Từ Lương Xâm luôn có lễ rước mô phỏng lại hình ảnh của Đức Vương Ngô Quyền, chiến thuyền và cọc Bạch Đằng- một sáng tạo trong nghệ thuật quân sự của ông cha trong đấu tranh giải phóng dân tộc. Với những ý nghĩa đặc biệt đó, lễ hội Từ Lương Xâm được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhân là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

 

 

 

Người dân địa phương đang chuẩn bị và trang trí hoa tươi- một nét độc đáo của lễ hội khi tổ chức tại "vùng hoa "của thành phố. 

 

Từ Lương Xâm thuộc phường Nam Hải, quận Hải An được xây dựng trên nền đại bản doanh của Đức Vương Ngô Quyền trong chiến thắng Bạch Đằng lịch sử năm 938. Cùng với 3 ngôi từ khác cũng thờ Đức Vương Ngô Quyền trên vùng đất An Dương cổ, được gọi là “tứ linh Từ”, Từ Lương Xâm được suy tôn là “Từ cả” bởi ý nghĩa đặc biệt của ngôi từ cũng như các hiện vật còn lưu giữ tại đây. Đáng chú ý là tại nhà Giải vũ ở Từ Lương Xâm còn lưu giữ 3 chiếc cọc được Bảo tàng Hải Phòng xác định là cọc Bạch Đằng năm 938./.