Quản lý bãi rác tạm ở ngoại thành: Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”
Bãi rác xã Đoàn Xá-Đại Hợp được xử lý chủ yếu bằng hình thức phun hóa chất, chưa bảo đảm vệ sinh môi trường.
(HPĐT)- Hiện có 148,9 nghìn tấn rác thải sinh hoạt/năm phát sinh tại khu vực ngoại thành được xử lý chôn lấp tại 120 bãi rác tạm, thuộc địa bàn của 78 xã trên toàn thành phố. Tuy nhiên, việc quản lý hoạt động thu gom, xử lý tại một số bãi rác tạm là vấn đề đáng quan tâm.
Tiềm ẩn nhiều mối nguy
Mới đây, người dân các xã: Đoàn Xá, Đại Hợp (huyện Kiến Thụy) kiến nghị về việc xử lý rác thải tại bãi rác tạm khu vực giáp ranh giữa 2 xã này do Hợp tác xã Thành Vinh quản lý không bảo đảm vệ sinh môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Tại bãi rác này, rác thải đổ đống được san gạt sơ sài và chỉ phun hóa chất khử khuẩn chứ không được chôn lấp kỹ lưỡng. Đây không phải là lần đầu người dân có kiến nghị về vấn đề bảo vệ môi trường ở bãi rác tạm. Năm 2017, ở huyện Thủy Nguyên xảy ra việc người dân chặn không cho xe chở rác vào bãi rác tạm Da Lợn (xã Gia Minh).
Điều đáng lo ngại, việc quản lý thu gom, xử lý rác thải tại bãi rác tạm thiếu chặt chẽ diễn ra trong nhiều năm qua. Tình trạng rác thải đổ ngổn ngang, chỉ phun hóa chất phổ biến ở nhiều bãi rác tạm. Do việc quản lý mạng lưới bãi rác tạm theo quy hoạch chưa tốt, dẫn tới hình thành 48 điểm đổ rác tự phát trên mặt đê và trong hành lang bảo vệ đê điều, bãi sông ở các thôn, xã. Được biết, từ năm 2016, Sở Tài nguyênMôi trường có công văn hướng dẫn quy trình xử lý rác thải rắn tại bãi rác tạm. Các bãi rác được chia thành từng ô nhỏ và được sử dụng lần lượt. Rác phải được san gạt, chôn lấp bằng đất, cát và phun vôi bột, hóa chất khử khuẩn…, nhưng hầu như chưa bãi rác tạm nào bảo đảm yêu cầu này. Đây chính là các khu vực tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn thành phố.
Tháo gỡ cơ chế quản lý và nguồn lực
Việc quản lý rác thải nông thôn hiện chưa rõ ràng, chồng chéo, khiến công tác quản lý, điều hành gặp khó khăn. Hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan thường trực thực hiện việc quản lý rác thải nông thôn nhưng chưa có bộ phận chuyên trách thực hiện, chưa có cán bộ chuyên sâu có kiến thức am hiểu về lĩnh vực môi trường. Việc tham mưu, đề xuất chủ yếu thông qua sự phối hợp, hỗ trợ của các Sở: Tài nguyên-Môi trường, Xây dựng, Khoa học-Công nghệ. Trong khi đó, công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện của một số địa phương hiệu quả chưa cao. Đầu mối cơ quan tổng hợp tình hình thực hiện nhiệm vụ ở các huyện không thống nhất. Một số huyện giao Phòng Tài nguyên-Môi trường; có huyện giao Phòng Nông nghiệp-Phát triển nông thôn, có đơn vị giao Phòng Kinh tế-hạ tầng quản lý, thực hiện.
Bên cạnh đó, nguồn kinh phí phục vụ hoạt động thu gom, xử lý không đáp ứng yêu cầu. Theo Phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Đỗ Thị Hương: Nguồn ngân sách đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường ở các địa phương thấp (mỗi năm từ 100 - 140 triệu đồng/xã). Nguồn kinh phí này không đủ để thực hiện việc xử lý rác thải theo đúng quy trình. Trong khi đó, việc xã hội hóa công tác xử lý rác thải hiệu quả chưa cao. Mức thu phí vệ sinh môi trường hiện nay trung bình chỉ có 10-40 nghìn đồng/hộ/ tháng. Số tiền thu được đủ chi trả lương nhân công lao động, các tổ thu gom, phần còn lại phục vụ mua trang thiết bị như: đồ bảo hộ lao động, bao tải thu gom, men xử lý rác thải và một số vật dụng khác. Thực tế này đặt vấn đề cần có sự khắc phục kịp thời bởi hiện nay, lượng rác thải sinh hoạt ở khu vực ngoại thành ngày càng gia tăng.
Theo Phó giám đốc Sở Tài nguyên-Môi trường Phạm Văn Thuấn: Thành phố có chủ trương đầu tư xây dựng các khu xử lý chất thải rắn có quy mô lớn, công nghệ hiện đại, phù hợp, đưa các dự án đầu tư xây dựng khu xử lý chất thải rắn là công trình trọng điểm của thành phố. Với mục tiêu rác đô thị và nông thôn đều đưa về xử lý tại khu xử lý tập trung, hạn chế các bãi rác cấp huyện, xóa bỏ các bãi rác tạm tại các xã. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, vẫn cần các bãi rác tạm, do đó, các huyện phải giám sát chặt chẽ hơn vấn đề thu gom, xử lý rác thải, bảo đảm rác được thu gom, xử lý đúng quy định. Sở Tài nguyên-Môi trường hỗ trợ các địa phương thực hiện các biện pháp xử lý tại các bãi rác tạm. Sở Tài nguyênMôi trường cần tham mưu thành phố cụ thể hơn về việc thống nhất đầu mối quản lý chất thải sinh hoạt.; khắc phục tình trạng “lắm mối” trong quản lý rác thải ở khu vực nông thôn.
Bên cạnh đó, các địa phương, đẩy mạnh việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng về phòng ngừa, giảm thiểu, rác thải; nâng cao chất lượng công tác thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn các xã. Đồng thời, thành phố cần xem xét bổ sung nguồn kinh phí để hỗ trợ xử lý chất thải rắn sinh hoạt nông thôn bằng mức hỗ trợ cho công tác xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị…/.