Quản lý đầu tư phát triển đô thị - những điều cần biết
Nghị định số 11/2013/NĐ-CP, ngày 14-1-2013 của Chính phủ về quản lý đầu tư phát triển đô thị, được sửa đổi, bổ sung bởi) Nghị định số 35/2023/NĐCP, ngày 20-6-2023 của Chính phủ quy định chung nội dung về quản lý đầu tư phát triển đô thị như sau:

Khu vực nút giao phía dưới cầu Rào (thuộc 2 quận Lê Chân và Hải An) khang trang hiện đại tạo điểm nhấn đô thị Hải Phòng. Ảnh: HẢI ĐĂNG
1. Nguyên tắc đầu tư phát triển đô thị
- Bảo đảm phù hợp quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành, tuân thủ quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, chương trình, kế hoạch thực hiện quy hoạch xây dựng phát triển đô thị.
- Bảo đảm phát triển đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, kiến trúc cảnh quan trong đô thị, gắn với an ninh quốc phòng.
- Bảo đảm khai thác và sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả các nguồn lực; bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, thảm họa thiên tai nhằm mục tiêu phát triển bền vững.
- Tạo ra môi trường sống tốt cho cư dân đô thị; bảo đảm lợi ích của cộng đồng hài hoà với lợi ích của Nhà nước và nhà đầu tư.
- Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo tồn và tôn tạo các di tích văn hóa, lịch sử hiện có.
2. Chương trình phát triển đô thị
- Chương trình phát triển đô thị là tập hợp các nhiệm vụ, giải pháp, chương trình, đề án, dự án nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển đô thị của từng giai đoạn theo quy hoạch tỉnh, quy hoạch chung đô thị, được lập cho các đối tượng sau:
+ Tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương;
+ Thành phố, thị xã thuộc tỉnh hoặc thuộc thành phố trực thuộc trung ương; thị trấn thuộc huyện;
+ Khu vực dự kiến hình thành đô thị mới.
- Chương trình phát triển đô thị phải đáp ứng các yêu cầu sau:
+ Phù hợp với quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch chung đô thị; chiến lược, chương trình, kế hoạch về phát triển đô thị cấp cao hơn được duyệt; các chương trình, kế hoạch đầu tư công trung hạn và khả năng huy động nguồn lực thực tế tại địa phương;
+ Đồng bộ với quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành, các định hướng, chiến lược, chương trình, kế hoạch của các ngành, lĩnh vực khác có liên quan đến phát triển đô thị. - Chương trình phát triển đô thị bao gồm một số hoặc toàn bộ các nội dung sau:
+ Chỉ tiêu phát triển đô thị theo từng giai đoạn 5 năm và 10 năm; cụ thể hóa theo từng năm trong giai đoạn 5 năm đầu của chương trình;
+ Chương trình, dự án đầu tư xây dựng phát triển cơ sở hạ tầng ưu tiên và kiến trúc cảnh quan đô thị đáp ứng các tiêu chuẩn, tiêu chí phân loại đô thị;
+ Các chương trình, kế hoạch phát triển các khu vực được xác định theo quy hoạch đô thị, các khu vực phát triển đô thị (nếu có) để tập trung đầu tư hình thành đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và kiến trúc cảnh quan đô thị theo từng giai đoạn;
+ Các chương trình, đề án trọng tâm để từng bước thực hiện phát triển bền vững đô thị;
+ Nguồn lực và việc sử dụng nguồn lực, giải pháp, danh mục thứ tự ưu tiên các dự án đầu tư phát triển đô thị sử dụng nguồn vốn đầu tư công và các nguồn vốn khác ngoài vốn đầu tư công, kết quả dự kiến theo khung thời gian hàng năm, 5 năm và 10 năm;
+ Trách nhiệm tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chương trình phát triển đô thị.
- Nội dung chương trình phát triển đô thị tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương
+ Đối với tỉnh: Chỉ tiêu phát triển đô thị theo từng giai đoạn 5 năm và 10 năm; cụ thể hóa theo từng năm trong giai đoạn 5 năm đầu của chương trình; các chương trình, đề án trọng tâm để từng bước thực hiện phát triển bền vững đô thị; nguồn lực và việc sử dụng nguồn lực, giải pháp, danh mục thứ tự ưu tiên các dự án đầu tư phát triển đô thị sử dụng nguồn vốn đầu tư công và các nguồn vốn khác ngoài vốn đầu tư công, kết quả dự kiến theo khung thời gian hàng năm, 5 năm và 10 năm; trách nhiệm tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chương trình phát triển đô thị; danh mục, lộ trình và kế hoạch thực hiện phân loại đô thị, thành lập, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính đô thị để thực hiện phương án phát triển hệ thống đô thị tỉnh theo từng giai đoạn 5 năm và 10 năm, cụ thể hóa theo từng năm trong giai đoạn 5 năm đầu của chương trình;
+ Đối với thành phố trực thuộc trung ương: nội dung quy định đối với tỉnh nêu trên; Đối với các quận và các khu vực dự kiến mở rộng các quận hoặc thành lập quận mới: Chương trình, dự án đầu tư xây dựng phát triển cơ sở hạ tầng ưu tiên và kiến trúc cảnh quan đô thị đáp ứng các tiêu chuẩn, tiêu chí phân loại đô thị; các chương trình, kế hoạch phát triển các khu vực được xác định theo quy hoạch đô thị, các khu vực phát triển đô thị (nếu có) để tập trung đầu tư hình thành đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và kiến trúc cảnh quan đô thị theo từng giai đoạn.
- Nội dung chương trình phát triển đô thị thành phố, thị xã thuộc tỉnh hoặc thuộc thành phố trực thuộc trung ương; thị trấn thuộc huyện
+ Đối với thành phố, thị xã thuộc tỉnh hoặc thuộc thành phố trực thuộc trung ương: toàn bộ các nội dung của chương trình phát triển đô thị.
+ Đối với thị trấn: gồm một số hoặc toàn bộ nội dung của chương trình phát triển đô thị nhưng phải bảo đảm nội dung: Chỉ tiêu phát triển đô thị theo từng giai đoạn 5 năm và 10 năm; cụ thể hóa theo từng năm trong giai đoạn 5 năm đầu của chương trình; Chương trình, dự án đầu tư xây dựng phát triển cơ sở hạ tầng ưu tiên và kiến trúc cảnh quan đô thị đáp ứng các tiêu chuẩn, tiêu chí phân loại đô thị; Trách nhiệm tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chương trình phát triển đô thị.
- Nội dung chương trình phát triển đô thị khu vực dự kiến hình thành đô thị mới
+ Đối với khu vực dự kiến thành lập thành phố trực thuộc trung ương: Chương trình, dự án đầu tư xây dựng phát triển cơ sở hạ tầng ưu tiên và kiến trúc cảnh quan đô thị đáp ứng các tiêu chuẩn, tiêu chí phân loại đô thị; chỉ tiêu phát triển đô thị theo từng giai đoạn 5 năm và 10 năm; cụ thể hóa theo từng năm trong giai đoạn 5 năm đầu của chương trình; các chương trình, đề án trọng tâm để từng bước thực hiện phát triển bền vững đô thị; Nguồn lực và việc sử dụng nguồn lực, giải pháp, danh mục thứ tự ưu tiên các dự án đầu tư phát triển đô thị sử dụng nguồn vốn đầu tư công và các nguồn vốn khác ngoài vốn đầu tư công, kết quả dự kiến theo khung thời gian hàng năm, 5 năm và 10 năm; trách nhiệm tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chương trình phát triển đô thị; danh mục, lộ trình và kế hoạch thực hiện phân loại đô thị, thành lập, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính đô thị để thực hiện phương án phát triển hệ thống đô thị tỉnh theo từng giai đoạn 5 năm và 10 năm, cụ thể hóa theo từng năm trong giai đoạn 5 năm đầu của chương trình; Đối với khu vực dự kiến thành lập quận, phường trực thuộc quận theo quy hoạch đô thị được duyệt: Chương trình, dự án đầu tư xây dựng phát triển cơ sở hạ tầng ưu tiên và kiến trúc cảnh quan đô thị đáp ứng các tiêu chuẩn, tiêu chí phân loại đô thị.
+ Đối với khu vực dự kiến hình thành đô thị mới không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này: nội dung gồm một số hoặc toàn bộ nội dung của Chương trình phát triển đô thị nhưng phải bảo đảm các nội dung quy định: Chỉ tiêu phát triển đô thị theo từng giai đoạn 5 năm và 10 năm; cụ thể hóa theo từng năm trong giai đoạn 5 năm đầu của chương trình; chương trình, dự án đầu tư xây dựng phát triển cơ sở hạ tầng ưu tiên và kiến trúc cảnh quan đô thị đáp ứng các tiêu chuẩn, tiêu chí phân loại đô thị; trách nhiệm tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chương trình phát triển đô thị.
- Trình tự lập, thẩm định, phê duyệt chương trình phát triển đô thị + UBND cấp tỉnh giao cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh tổ chức lập, lấy ý kiến, gửi cơ quan quy định tại điểm c khoản này để thẩm định chương trình phát triển đô thị đối với tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, khu vực dự kiến thành lập thành phố trực thuộc trung ương;
+ UBND cấp tỉnh giao UBND cấp huyện tổ chức lập, lấy ý kiến chương trình phát triển đô thị đối với thành phố, thị xã, khu vực dự kiến hình thành đô thị mới thuộc tỉnh hoặc thuộc thành phố trực thuộc trung ương, thị trấn, khu vực dự kiến thành lập thị trấn thuộc huyện, UBND cấp huyện báo cáo HĐND cấp huyện trước khi gửi cơ quan quy định tại điểm c khoản này thẩm định;
+ UBND cấp tỉnh giao Sở Xây dựng hoặc Sở Quy hoạch - Kiến trúc (đối với thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh) tổ chức thẩm định chương trình phát triển đô thị;
+ Cơ quan tổ chức lập chương trình phát triển đô thị trình UBND cấp tỉnh phê duyệt chương trình phát triển đô thị. UBND cấp tỉnh báo cáo HĐND cấp tỉnh trước khi phê duyệt chương trình phát triển đô thị đối với chương trình phát triển đô thị tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, khu vực dự kiến thành lập thành phố trực thuộc trung ương và thành phố được phân loại hoặc dự kiến phân loại đô thị là loại 1,2;
+ UBND cấp tỉnh, cấp huyện bố trí kinh phí lập, thẩm định chương trình phát triển đô thị từ nguồn ngân sách nhà nước hoặc các nguồn vốn hợp pháp khác.
- Chương trình phát triển đô thị phải được rà soát, điều chỉnh hoặc lập mới trên cơ sở kết quả rà soát, tổng hợp đánh giá việc thực hiện sau từng giai đoạn 5 năm hoặc sau khi cấp có thẩm quyền ban hành mới các mục tiêu phát triển đô thị hoặc phê duyệt các quy hoạch, chiến lược, chương trình, kế hoạch quy định tại điểm a, khoản 2 Điều này.
3. Đất dành cho đầu tư phát triển đô thị
- UBND cấp tỉnh căn cứ quy hoạch đô thị, chương trình phát triển đô thị, kế hoạch thực hiện khu vực phát triển đô thị, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, có trách nhiệm chỉ đạo tổ chức tạo quỹ đất cho các dự án đầu tư phát triển đô thị trong khu vực phát triển đô thị đã được công bố.
- UBND cấp tỉnh và UBND cấp huyện theo phân cấp, có trách nhiệm tổ chức thực hiện hoặc hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi thu hồi đất theo quy định của pháp luật về đất đai.
- Việc giao đất, cho thuê đất để đầu tư phát triển đô thị được thực hiện căn cứ vào kết quả lựa chọn chủ đầu tư thông qua các hình thức chỉ định, đấu thầu, giao đất xây dựng nhà ở xã hội hoặc đấu giá theo quy định của pháp luật.
- Việc thu hồi toàn bộ hoặc từng phần đất đã giao, cho thuê đối với các dự án đầu tư phát triển đô thị không triển khai hoặc chậm tiến độ được thực hiện theo các quy định của pháp luật về đất đai.
- Đất dành cho xây dựng nhà ở xã hội và nhà ở tái định cư phải được xác định ngay khi lập và phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết.
- UBND cấp tỉnh quy định cụ thể những khu vực được thực hiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền cho người dân tự xây dựng nhà ở theo quy hoạch chi tiết của dự án đã được phê duyệt, đáp ứng các quy định pháp luật về đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản và các quy định sau:
+ Dự án phù hợp với các cấp độ quy hoạch đô thị; đã hoàn thành đầu tư xây dựng hạ tầng của toàn bộ dự án hoặc theo phân kỳ đầu tư được duyệt; việc xây dựng nhà ở phải bảo đảm tuân thủ nội dung và tiến độ dự án được duyệt;
+ Không thuộc khu vực có yêu cầu cao quản lý về kiến trúc cảnh quan, mặt tiền các tuyến đường cấp khu vực trở lên và các tuyến đường cảnh quan chính trong đô thị, khu vực trung tâm và xung quanh các công trình là điểm nhấn kiến trúc trong đô thị. UBND cấp tỉnh căn cứ vào quy hoạch đô thị, chương trình phát triển đô thị từng đô thị, quy chế quản lý kiến trúc được phê duyệt và các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng, hạ tầng, đô thị để quy định cụ thể khu vực được thực hiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền cho người dân được tự xây dựng nhà ở.
4. Vốn đầu tư cho phát triển đô thị
- Vốn đầu tư cho khu vực phát triển đô thị bao gồm: vốn ngân sách nhà nước, vốn viện trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn của các thành phần kinh tế khác.
- UBND cấp tỉnh được sử dụng các quỹ đầu tư hiện có (bao gồm: Quỹ đầu tư phát triển địa phương, quỹ phát triển đất, quỹ phát triển hạ tầng, quỹ phát triển nhà ở...) để tạo nguồn kinh phí đầu tư cho các khu vực phát triển đô thị.
5. Khuyến khích, hỗ trợ và ưu đãi đối với các dự án đầu tư phát triển đô thị
- Nhà nước có các chính sách khuyến khích, hỗ trợ, ưu đãi cho dự án đầu tư phát triển đô thị có một hoặc nhiều tiêu chí sau đây:
+ Đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật khung, hạ tầng xã hội phục vụ lợi ích công cộng không có khả năng thu hồi vốn và không thuộc danh mục các công trình chủ đầu tư bắt buộc phải đầu tư;
+ Đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư và cải tạo, xây dựng lại khu dân cư, chung cư cũ theo quy định của pháp luật;
+ Đầu tư xây dựng nhà ở cho thuê;
+ Đầu tư xây dựng công trình có ứng dụng công nghệ mới, thân thiện với môi trường.
- Nhà nước có các chính sách hỗ trợ bao gồm:
+ Công bố kịp thời và cung cấp miễn phí các thông tin về quy hoạch, kế hoạch triển khai các khu vực phát triển đô thị;
+ Hỗ trợ đầu tư các dự án tăng cường năng lực dịch vụ công ích cho khu vực.
- Các trường hợp ưu đãi khác theo quy định của pháp luật.