Tăng cường năng lực điều dưỡng: Hướng tới sự hài lòng của người bệnh

03:58 CH 28/03/2025

(HPĐT)- Điều dưỡng thực hiện công việc chăm sóc sức khỏe người bệnh. Do vậy, Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở y tế trực thuộc tăng cường năng lực điều dưỡng để thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, hướng tới sự hài lòng của người bệnh, người nhà người bệnh.

 

Điều dưỡng Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng phối hợp bác sĩ tiếp nhận thông tin thăm khám, chăm sóc người bệnh.
 

Ở nơi “ánh đèn không bao giờ tắt”

 Gần 1 giờ sáng ngày đầu tháng 3 nhưng Khoa Hồi sức tích cực nội và chống độc (Bệnh viện hữu nghị Việt Tiệp) vẫn tấp nập. Thêm 2 người bệnh được chuyển từ Khoa Cấp cứu đa khoa của bệnh viện vào trong tình trạng nguy kịch. Người bệnh mắc nhiều bệnh lý phức tạp, như: sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, sốc tim, sốc phản vệ, viêm phổi nặng... và cả một số trường hợp ngộ độc cấp, tai nạn bất ngờ như: điện giật, đuối nước, rắn cắn... Điều dưỡng Trần Anh Huy và các đồng nghiệp thay nhau trực, theo dõi máy thở, mornitor và các dấu hiệu sinh tồn của người bệnh để kịp thời thông báo đến bác sĩ trực. Đây là khu chăm sóc đặc biệt nên người nhà người bệnh không được vào. Mọi công việc chăm sóc sinh hoạt của người bệnh đều do các điều dưỡng phụ trách. “Ở nơi chiến đấu với tử thần để giành giật cuộc sống cho người bệnh, chúng tôi phải luôn ý thức nâng cao năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp”, điều dưỡng Trần Anh Huy, người có hơn 10 năm kinh nghiệm làm việc tại khoa cho biết. 

Cũng ở nơi “ánh điện không bao giờ tắt” là đơn nguyên Khách sạn của bé (Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng), các điều dưỡng thay nhau túc trực, chăm sóc trẻ sơ sinh 24/24 giờ. Bởi lẽ sau ca vượt cạn, các sản phụ cần thời gian nghỉ ngơi để hồi phục sức khỏe, nhiều cặp vợ chồng sinh con lần đầu chưa có kiến thức, kỹ năng chăm sóc bé, dựa trên nhu cầu thực tế như vậy, Phòng Điều dưỡng của bệnh viện cử các điều dưỡng viên có kỹ năng chuyên môn cao chăm sóc trẻ sơ sinh theo quy trình chuẩn. Hằng ngày, các bé được theo dõi toàn trạng từ nhiệt độ, nhịp thở, bữa ăn, giấc ngủ, phát hiện tất cả dấu hiệu bất thường để kịp thời mời bác sĩ nhi thăm khám cho bé. Điều dưỡng CK1 Phạm Thị Huệ, Trưởng Phòng Điều dưỡng (Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng) cho biết: “Hiện nay, bệnh viện có gần 500 điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên. Vì đây là bệnh viện công chuyên ngành sản phụ khoa tuyến cuối thành phố, tiếp nhận toàn người bệnh cấp cứu, người bệnh nặng từ tuyến dưới chuyển lên nên công tác chăm sóc người bệnh của các điều dưỡng thường vất vả hơn”.

Theo thống kê của Hội Điều dưỡng thành phố, toàn thành phố có gần 5.000 điều dưỡng, đang sinh hoạt ở 30 chi hội, gồm 8 chi hội tuyến thành phố, 15 chi hội tuyến huyện, 2 chi hội Trường đại học Y Dược Hải Phòng và Trường cao đẳng Y tế Hải Phòng và 1 chi hội khối bệnh viện tư nhân. Trong đó, điều dưỡng nữ chiếm hơn 80% tổng số điều dưỡng.

 

Điều dưỡng Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng chăm sóc trẻ sơ sinh.

 

Tăng cường năng lực của điều dưỡng 

Thạc sĩ Lê Văn Mạng, Chủ tịch Hội Điều dưỡng thành phố đánh giá, những hoạt động của các điều dưỡng ở tất cả chi hội đều khẳng định vai trò và vị trí của điều dưỡng trong công tác chăm sóc sức khỏe người bệnh. Nhiều chi hội hoạt động có nền nếp cả về nghiệp vụ chăm sóc, quản lý, đào tạo, thông tin và nghiên cứu khoa học, được lãnh đạo bệnh viện công nhận, được người bệnh tin yêu. “Một điều dưỡng giỏi phải hội đủ 5 yếu tố: chuyên môn tốt; tâm huyết với nghề; nhẹ nhàng, cẩn trọng; linh hoạt trong mọi tình huống và có kỹ năng giao tiếp tốt. Thời gian gần đây, ngành y tế Hải Phòng có nhiều điều dưỡng viên thực hiện tốt 12 điều y đức và lời dạy của Bác Hồ “Lương y phải như từ mẫu”, được người bệnh ghi nhận. Chẳng hạn như điều dưỡng Nguyễn Thị Thảo (Khoa Hô hấp, Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng), điều dưỡng Trần Anh Huy (Khoa Hồi sức tích cực nội và chống độc, Bệnh viện hữu nghị Việt Tiệp) và một số điều dưỡng khác lan tỏa giá trị tốt đẹp của người thầy thuốc dù ở trong bệnh viện hay ngoài cộng đồng”, ông Mạng cho biết. 

Bên cạnh những thành tích đạt được, hoạt động điều dưỡng cũng gặp khó khăn. Ngoài áp lực công việc lớn, chế độ, chính sách đối với điều dưỡng thấp, thậm chí đi ngược với xu thế phát triển của ngành Điều dưỡng trong khu vực và thế giới nên ở một số chi hội có hội viên xin nghỉ việc, không công tác trong ngành Y tế. Với mục tiêu nâng cao chất lượng chăm sóc người bệnh và để nâng cao năng lực điều dưỡng, Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở y tế trực thuộc phối hợp chặt chẽ Hội Điều dưỡng thành phố củng cố và phát triển tổ chức Hội gắn với hệ thống quản lý điều dưỡng, bảo đảm hoạt động hiệu quả, đúng quy định của pháp luật; tăng cường năng lực hệ thống tổ chức quản lý điều dưỡng; xây dựng, hoàn thiện bộ chỉ số đánh giá chất lượng chăm sóc người bệnh phù hợp và duy trì thực hiện các tiêu chí đánh giá trong cơ sở y tế. Cùng với đó, tiếp tục cải tiến, nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc và sự hài lòng của người bệnh theo bộ tiêu chí quản lý chất lượng bệnh viện lĩnh vực điều dưỡng, kiểm soát nhiễm khuẩn, an toàn người bệnh, cơ sở y tế xanhsạch - đẹp. Mặt khác, tham mưu với thành phố thực hiện các cơ chế, chính sách thỏa đáng đối với đội ngũ điều dưỡng, nhất là chế độ tiền lương, trực ca; nâng cao văn hoá nghề nghiệp và kỹ năng giao tiếp cho hội viên, nhằm tạo sự thay đổi rõ rệt về văn hoá nghề nghiệp, tính chuyên nghiệp của điều dưỡng trong giao tiếp, chăm sóc, phục vụ người bệnh. 

Theo thống kê của Hội Điều dưỡng thành phố, toàn thành phố có gần 5.000 điều dưỡng, đang sinh hoạt ở 30 chi hội, gồm 8 chi hội tuyến thành phố, 15 chi hội tuyến huyện, 2 chi hội Trường đại học Y Dược Hải Phòng và Trường cao đẳng Y tế Hải Phòng và 1 chi hội khối bệnh viện tư nhân. Trong đó, điều dưỡng nữ chiếm hơn 80% tổng số điều dưỡng.


 

BÌNH LUẬN (0)
Bạn cần đăng nhập để gửi bình luận Đăng nhập