Phòng, tránh các bệnh truyền nhiễm mùa đông xuân: Chủ động phòng ngừa, không để bùng phát thành dịch

02:24 CH 24/03/2025

(HPĐT)- Từ ngày 1-1 đến hết ngày 20-3, toàn thành phố ghi nhận 253 ca mắc Sởi; 166 ca Sốt xuất huyết, nhiều trường hợp trẻ mắc virus hợp bào hô hấp (RSV) và một số ca ho gà. Nguyên nhân được xác định do giai đoạn chuyển mùa, thời tiết thay đổi bất thường tạo điều kiện thuận lợi để các loại mầm bệnh phát triển, lây lan.

 

Bác sĩ Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng) khám, điều trị bệnh nhi mắc Sởi.

 

“Mùa” của các bệnh truyền nhiễm 

Cháu Cao Ngọc Vy, 9 tuổi, ở đường Miếu Hai Xã, phường Dư Hàng (quận Lê Chân) nhập viện Khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng) trong tình trạng sốt cao hơn 39 độ, người mệt mỏi. Điều trị trực tiếp cho bé, bác sĩ Đỗ Thị Hảo cho biết, 3 ngày sau nhập viện, cháu bé xuất hiện viêm long đường hô hấp trên và phát ban, sốt giảm xuống còn 38 độ, hiện đang được theo dõi, điều trị triệu chứng tích cực. 

Ngọc Vy là một trong 253 ca mắc Sởi trên địa bàn thành phố tính đến hết ngày 20-3. Trong đó, tại Khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng) hiện ghi nhận khoảng 50 ca bệnh, chiếm phần lớn số ca bệnh truyền nhiễm đang điều trị nội trú tại khoa. Trong số 50 ca bệnh này, có khoảng 8% số ca bệnh chuyển nặng, nhiều nhất là có triệu chứng viêm phổi. BSCK2 Hoàng Sơn, Trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới cho biết, trong 3-4 ngày gần đây, mỗi ngày Khoa tiếp nhận khoảng 10 ca có sốt phát ban dạng Sởi. Cũng theo bác sĩ, bệnh Sởi là bệnh lây truyền rất nhanh qua đường hô hấp, 90% số người chưa có miễn dịch bị mắc bệnh nếu tiếp xúc gần với người bệnh. Bên cạnh bệnh Sởi, Khoa cũng đang điều trị 1 ca bệnh bị Sốt xuất huyết và 1 ca ho gà. 

Ghi nhận tại các bệnh viện khác, như Bệnh viện Quốc tế sản nhi Hải Phòng, số ca bệnh truyền nhiễm chiếm khoảng 40-45% tổng số trẻ điều trị nội trú tại bệnh viện. Theo BSCK2 Nguyễn Tuấn Tú, Giám đốc chuyên môn khối Nhi của bệnh viện, số ca mắc Sởi chiếm khoảng 5-6% các bệnh lây nhiễm tại đơn vị, còn lại là các ca mắc Sốt xuất huyết, RSV. Tại Khoa Bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện hữu nghị Việt Tiệp) ghi nhận 10 ca bệnh là người lớn mắc Sởi, còn tại Khoa Nhi của bệnh viện ghi nhận 2 ca bệnh Sởi, còn lại là một số bệnh truyền nhiễm khác. 

Theo ghi nhận của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (CDC Hải Phòng), tính từ đầu năm đến hết ngày 20- 3, toàn thành phố ghi nhận 253 ca sốt phát ban nghi Sởi, trong đó, có 171 ca khẳng định dương tính, số còn lại đang chờ kết quả xét nghiệm. Trong đó có 89 ca bệnh đang điều trị tại bệnh viện, không có trường hợp nặng nhưng có 13 trường hợp chuyển lên tuyến trên do gia đình tự nguyện xin chuyển tuyến. Bên cạnh bệnh Sởi, toàn thành phố cũng ghi nhận 166 ca Sốt xuất huyết, trong đó có 102 ca khẳng định và hiện chỉ còn 2 ca đang điều trị tại bệnh viện. Ths.BS Phan Hồng Hải, Trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới (CDC Hải Phòng) cho biết, giám sát dịch tễ cho thấy 14/15 quận, huyện, thành phố có số ca mắc Sởi, trừ huyện đảo Bạch Long Vĩ, trong đó, số ca mắc cao ở các địa phương: Lê Chân, Hải An, Thủy Nguyên, An Lão và Kiến An. “Ngoài bệnh Sởi, hiện một số bệnh viện ghi nhận trường hợp quá tải do số ca bệnh mắc RSV tăng cao, đòi hỏi các bệnh viện có phương án phân luồng, bố trí khoa phòng để tiếp đón, khám và điều trị cho người bệnh”, Ths.BS Phan Hồng Hải cho biết.

Theo thông tin của Bộ Y tế, tính từ đầu năm 2025 đến ngày 14-3, cả nước ghi nhận khoảng 40.000 trường hợp nghi Sởi, 5 trường hợp tử vong liên quan đến Sởi; số trường hợp nghi Sởi ghi nhận cao nhất tại khu vực miền Nam (57%), miền Trung (19,2%), miền Bắc (15,1%), Tây Nguyên (8,7%). Trung bình 1 người mắc bệnh có thể lây cho 12-18 người khác và chỉ có thể cắt đứt sự lây truyền khi miễn dịch cộng đồng đạt ít nhất 95%. Bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, như: viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, khô loét giác mạc mắt, thậm chí có thể viêm não dễ dẫn đến tử vong, bệnh đặc biệt nghiêm trọng ở trẻ nhỏ, trẻ suy dinh dưỡng.

Chủ động tiêm vaccine phòng bệnh 

Cũng theo các bác sĩ, bệnh Sởi là một trong những bệnh bùng phát theo chu kỳ 5 năm/lần. Năm 2024, toàn thành phố ghi nhận 20 ca mắc Sởi và xuất hiện vào tháng 10, nhưng năm nay, bệnh xuất hiện sớm, diễn biến phức tạp và có nguy cơ lây lan thành dịch. Số ca mắc bệnh ghi nhận nhiều nhất trong nhóm chưa tiêm vaccine. Cụ thể, trong 171 ca khẳng định mắc bệnh Sởi, có 50% số ca dưới 9 tháng tuổi chưa đến tuổi tiêm vaccine phòng bệnh, 30% số ca bệnh từ 9 tháng tuổi trở lên nhưng chưa tiêm phòng vaccine. Với các bệnh khác như mắc virus RSV, hiện nay chưa có vaccine hay thuốc đặc hiệu để điều trị nên việc phát hiện và điều trị sớm bệnh giúp trẻ tránh được những nguy cơ biến chứng, trở nặng. 

Trước diễn biến phức tạp của bệnh Sởi, cũng như các bệnh truyền nhiễm khác, Bộ Y tế, UBND thành phố đề nghị các địa phương chủ động phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh để xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch lây lan, bùng phát; thực hiện tốt việc thu dung, cấp cứu, điều trị kịp thời, hạn chế các trường hợp chuyển nặng, tử vong. Cùng với đó, tăng cường tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực giám sát, điều trị tại các tuyến và thực hiện nghiêm quy định về kiểm soát nhiễm khuẩn, không để lây nhiễm chéo và xảy ra các ổ dịch tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Hiện, tỷ lệ tiêm vaccine phòng bệnh Sởi của thành phố đạt khoảng 97% số trẻ em dưới 1 tuổi và 95% số trẻ hơn 1 tuổi được tiêm vaccine phòng SởiRubella. Theo chỉ đạo của UBND thành phố, trong tháng 3-2025, ngành Y tế tập trung tiêm phòng cho số trẻ còn lại. Đối với các bệnh truyền nhiễm khác, nếu chưa có vaccine phòng bệnh, ngành Y tế giám sát chặt chẽ, có biện pháp ứng phó kịp thời, không để bùng phát thành dịch. 

BÌNH LUẬN (0)
Bạn cần đăng nhập để gửi bình luận Đăng nhập