Tổ quốc nhìn từ nhà giàn DK1

11:36 SA 21/01/2017

Được tham gia đoàn công tác chúc Tết và tặng quà cán bộ, chiến sĩ đang công tác tại nhà giàn DK1 nhân dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu, lần đầu chứng kiến những cột mốc chủ quyền trên thềm lục địa phía Nam “bằng xương, bằng thịt”, trái tim dù cứng rắn đến mấy, cũng có thể tan chảy. Để rồi thêm yêu, thêm tự hào về Tổ quốc, thêm khát vọng cống hiến phục vụ đất nước và nhân dân.

Kỳ 1: Vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió

Đúng ngày đầu của năm mới 2017, 2 tàu HQ 263 và HQ 264 đồng loạt nổ máy, nhổ neo, kéo còi rời quân cảng thuộc tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu với sứ mệnh thiêng liêng tới vùng biển trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. Hơn 200 thùng quà của Chủ tịch nước, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân, Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân, Quỹ Vừ A Dính, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu… và hàng Tết từ ti-vi, đầu thu vệ tinh đến chè, mứt, gạo nếp, lá dong, đỗ xanh, bánh kẹo,… được đóng gói kỹ càng chất nặng khoang. Mang tình cảm và mùa xuân từ đất liền đến với cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ tại nơi đầu sóng ngọn gió, tàu 264 ghé thăm 10 nhà giàn DK1 và các tàu trực trên biển, tàu 263 tới trạm ra-đa 590 Côn Đảo và 5 nhà giàn DK1.

Nhà giàn DK1 luôn vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió.

Cùng đi với đoàn công tác của Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân là 35 phóng viên đến từ các cơ quan báo chí trung ương và địa phương. Nhóm phóng viên đến từ Hải Phòng đi trên tàu HQ 264 do đại tá Nguyễn Quốc Văn, Phó chính uỷ Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân, làm trưởng đoàn, gồm 3 người (1 của Báo Hải Phòng và 2 của Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng). Trong suốt hải trình kéo dài ngót 13 ngày qua 10 nhà giàn DK1, từ điểm đầu là nhà giàn DK1/17 trên vùng biển Phúc Tần đến điểm cuối là nhà giàn DK1/9 ở vùng biển Ba Kè, càng thấm thía lời tâm sự của đồng chí trưởng đoàn công tác tại buổi gặp gỡ trước khi xuống tàu: “Hai chuyến tàu đem hơi ấm và tình cảm của đất liền đến nơi đầu sóng ngọn gió thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và nhân dân, là nguồn cổ vũ, động viên to lớn giúp cán bộ, chiến sĩ đang công tác trên biển vượt qua khó khăn, gian khổ hoàn thành tốt nhiệm vụ nặng nề nhưng đầy vinh quang giữ gìn, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”.

Lần đầu tận mắt thấy nhà giàn DK1 “bằng xương, bằng thịt”, không ai kìm được xúc động. Trong tiếng gió rít, tiếng sóng biển ì oạp vỗ vào mạn tàu lúc “chúc Tết qua loa, tặng quà qua dây” tới cán bộ, chiến sĩ đang công tác tại nhà giàn DK1/16, phóng viên Cao Xuân Thắng (Đài Phát thanh - Truyền hình Thái Nguyên), chia sẻ: “Thời gian trước tôi còn tưởng DK1 là cụm từ viết tắt của giàn khoan dầu khí (dầu khí 1). Trước chuyến công tác, tìm hiểu qua sách báo và mạng internet, tuy “vỡ lẽ ra”, nhưng không thể mường tượng được khó khăn, gian khổ cũng như ý chí, nghị lực của những con người dám chấp nhận rời xa đất liền nhiều tháng, nhiều năm để những cột mốc chủ quyền Tổ quốc trên biển ngày một vững chắc”.

Không chỉ anh phóng viên lần đầu đi biển, mà khá nhiều người còn nhầm lẫn giữa DK1 với giàn khoan dầu khí hay đánh đồng DK1 là Trường Sa. Theo lời giới thiệu của thượng tá Nguyễn Thế Dĩnh, Chính trị viên Tiểu đoàn DK1, một người con của Hải Phòng, nhà giàn DK1 là tên gọi tắt của Cụm dịch vụ Kinh tế- Khoa học- Kỹ thuật trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. Cách đây gần 30 năm, sau sự kiện Gạc Ma năm 1988, một số tàu chiến, tàu thăm dò của nước ngoài xuất hiện sâu trong vùng thềm lục địa phía Nam nước ta, nơi có tiềm năng lớn về dầu khí cũng như ý nghĩa cực kỳ quan trọng về mặt chiến lược, quốc phòng. Trước tình hình này, Bộ Chính trị ra Nghị quyết 19 về việc bảo vệ khu vực bãi ngầm trong thềm lục địa phía Nam (gọi tắt là DK1). Thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, ngày 5-7-1989, Tiểu đoàn DK1 và cụm nhà giàn DK1 chính thức ra đời để bảo vệ chủ quyền biển, đảo và thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc trong tình hình mới. Cuối năm 1990, 5 nhà giàn DK1 thế hệ đầu được xây dựng. Đến nay đã là thế hệ thứ 3 gồm các nhà giàn được đánh số từ DK1/1 đến DK1/21. Trải qua thời gian và sức tàn phá khủng khiếp của thiên tai trên biển, hiện 15 nhà giàn DK1 sừng sững, hiên ngang nơi đầu sóng, ngọn gió.

Hơn 27 năm trôi qua, biết bao thế hệ cán bộ, chiến sĩ dành trọn tuổi thanh xuân của mình để giữ gìn, bảo vệ và xây dựng cụm nhà giàn DK1 thành cột mốc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc giữa biển khơi. Hơn 10 năm gắn bó với nhà giàn DK1, thế nhưng, lúc chuẩn bị chuyển hàng bằng cần cầu và đưa người bằng rọ lên nhà giàn DK1/8, trung tá Nghiêm Xuân Thái, Chính trị viên phó Tiểu đoàn DK1 không kìm được xúc động, “Thử thách với cán bộ, chiến sĩ nhà giàn không chỉ thường xuyên hứng chịu sóng gió bão bùng, mà còn nhiều tình huống phức tạp do âm mưu, thủ đoạn của các thế lực nhòm ngó vùng biển của đất nước. Bằng việc khổ luyện để có thể thuần thục các phương án sẵn sàng chiến đấu cũng như tâm lý vững vàng, kiên quyết và linh hoạt, các anh biến DK1 thành pháo đài vững chắc khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên thềm lục địa. Không những thế, bằng ý chí, tinh thần không quản ngại khó khăn, gian khổ, các anh còn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ tăng gia sản xuất. Chia sẻ từng ca nước ngọt “quý hơn vàng” trong mùa khô, thậm chí bớt cả khẩu phần ăn, các anh có được những vườn rau xanh mướt mắt, bầy gà, vịt, lợn… béo tốt không những bảo đảm cuộc sống, mà còn giúp mọi người vơi bớt nỗi nhớ đất liền, nhớ người thân”.

Dù anh Thái không đề cập đến, nhưng qua câu chuyện với cán bộ, chiến sĩ tại 3 nhà giàn mà điều kiện sóng gió cho phép đưa các thành viên trong đoàn lên thăm cả bằng rọ lẫn ca-nô (DK1/8, DK1/21 và DK1/20), chúng tôi được biết thêm, cụm nhà giàn DK1 còn là những ngọn hải đăng luôn toả sáng, là chỗ dựa vững chắc để ngư dân Việt Nam yên tâm khai thác hải sản tại vùng biển trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. Lênh đênh sản xuất trên biển, được thấy ánh sáng từ các nhà giàn như thấy đất liền, giúp họ thêm chắc tay lưới, vững tay lái. Nhất là khi biển động, chẳng may có người ốm hay hết nước ngọt, xăng dầu, máy móc bị trục trặc, nhà giàn DK1 thực sự là những chiếc “phao cứu sinh” giúp ngư dân bám trụ. Chính những chuyến vươn khơi này biến nguồn tôm cá dồi dào trong lòng biển cả thành cơm ăn, áo mặc, cùng ước mơ và hạnh phúc đối với nhiều người.

Kỳ 2: Kỳ tích lên xuống nhà giàn

Hiếm nơi nào, việc lên xuống trở thành những câu chuyện đầy cảm xúc như ở nhà giàn DK1. Dù vào “tháng ba bà già đi biển” sóng gió hiền hoà, việc đặt chân lên cột mốc chủ quyền trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc cũng khó. Còn dịp cuối năm sóng ít khi dưới cấp 5, để đưa hơi ấm, tình cảm và mùa xuân từ đất liền tới các cán bộ, chiến sĩ đang công tác trên nhà giàn, quả thực là kỳ tích…

“Chúc Tết qua loa, tặng quà qua dây”

Trong tin nhắn hiếm hoi từ nơi đầu sóng ngọn gió gửi về người bạn thân nơi đất liền kể về chuyến đi đầy cảm xúc, tôi có nhắc đến câu này. Bạn tôi, vốn là người rất cẩn thận về câu chữ, sau hồi nhắn qua, nhắn lại, chốt lại một câu xanh rờn: “Phải viết “Chúc Tết “qua loa”, tặng quà qua dây” mới chuẩn”. Đem một bụng đầy thắc mắc, tôi tìm gặp trung tá Nghiêm Xuân Thái, Chính trị viên phó Tiểu đoàn DK1, người có hơn 10 năm công tác tại các nhà giàn DK1. Với nụ cười hiền hoà cùng chất giọng ấm nồng đúng “chất” lính nhà giàn, anh từ tốn giải thích: “Với chúng tôi, “Chúc Tết qua loa, tặng quà qua dây” giống như khẩu lệnh mà qua đó mọi người thêm hiểu về những khó khăn vất vả cũng như sự quan tâm từ đất liền”.

Di chuyển bằng “đường hàng không” độc đáo ở nhà giàn DK1.

Cánh phóng viên chúng tôi càng thấm thía “khẩu lệnh” đó sau hơn 2 ngày lênh đênh trên biển, lúc tàu tiếp cận nhà giàn đầu tiên (DK1/17 mang tên Phúc Tần C). Dù tàu chỉ cách nhà giàn chưa đầy 40 mét, nhưng do sóng trên cấp 6 với phần đỉnh cao hơn 4 mét, đại tá Nguyễn Quốc Văn, Phó chính uỷ Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân, Trưởng đoàn công tác trên tàu HQ 264, quyết định dùng “phương án truyền thống” là “Chúc Tết qua loa, tặng quà qua dây”. Với kinh nghiệm nhiều năm làm nhiệm vụ trên khu vực biển trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc, đại uý, thuyền trưởng Ngô Đức Phương nhanh chóng chỉ huy anh em tiếp cận nhà giàn, quăng và đón dây neo tàu để chuyển quà lên. Anh chia sẻ: “Trong điều kiện sóng to, gió lớn và dòng chảy mạnh, mọi người cần phối hợp nhịp nhàng để chuyển được hàng lên nhà giàn mà vẫn bảo đảm an toàn. Quan trọng nhất phải xử lý nhanh tình huống cột dây cố định tàu tới nhà giàn”. Khi tàu vào vị trí thuận lợi, bộ phận chuyển hàng từ tàu nhanh chóng nhận dây từ nhà giàn đưa xuống rồi lần lượt buộc từng túi quà được đóng gói kỹ càng chống thấm nước rồi hô to để người trên nhà giàn kéo lên. Cứ như vậy, từng túi quà lần lượt đến với các cán bộ, chiến sĩ đang công tác nơi đầu sóng ngọn gió, để Tết nguyên đán Đinh Dậu này thêm đầm ấm, đủ đầy.

Theo kế hoạch, hàng được chuyển đến lần lượt các nhà giàn DK1/17, DK1/16, DK1/2, DK1/18, DK1/7, DK1/19 và DK1/9 theo hình thức “Tặng quà qua dây”. Sau mỗi lần chuyển quà tới nhà giàn xong, đại tá Nguyễn Quốc Văn lại trở vào buồng chỉ huy của tàu để gửi lời chúc Tết qua máy bộ đàm. Giữa trùng khơi với những cơn sóng liên tiếp cao hàng mét, đồng chí trưởng đoàn công tác hướng về phía nhà giàn vươn lên sừng sững từ lòng biển, rồi cất giọng, nhiều lúc lạc đi trong niềm xúc động: “Các đồng chí hãy phát huy tinh thần dũng cảm và sự cống hiến, hy sinh quên mình vì Tổ quốc để hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng giao phó. Chúc các đồng chí đón Tết đầm ấm, đủ đầy, vui vẻ, vui xuân mới không quên nhiệm vụ giữ gìn, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”. Đáp lại lời chúc Tết mang tình cảm và mùa xuân từ đất liền, chỉ huy các nhà giàn DK1 hứa đón xuân mới tươi vui, an toàn, hoàn thành tốt các nhiệm vụ, xứng đáng là “Bộ đội Cụ Hồ”, là người lính hải quân. Sau khi tàu kéo những hồi còi dài tạm biệt, từ trên nhà giàn và boong tàu, những đôi tay cứ vẫy, vẫy mãi đến khi DK1 chỉ còn là những chấm nhỏ trên mặt biển…

Lên xuống nhà giàn bằng “đường hàng không”

Tròn 6 ngày “chiến đấu” với những cơn sóng dữ dội trên vùng biển thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc, dù chúc Tết và tặng quà 5 nhà giàn DK1, nhưng không thể đặt chân lên, các thành viên trong đoàn công tác trên tàu 264, nhất là cánh phóng viên, vô cùng sốt ruột. Bởi nếu không được đặt chân lên ít nhất lên 1 nhà giàn, sẽ là điều vô cùng tiếc nuối.

Đáp lại sự mong mỏi của mọi người, khi tiếp cận nhà giàn DK1/8 trên khu vực đá ngầm Hải Đường, dù sóng gió vẫn không có dấu hiệu “hạ nhiệt”, sau khi chuyển quà qua hệ thống ròng rọc, đại tá Nguyễn Quốc Văn, quyết định đưa người lên bằng những chiếc rọ, hình thức mà cán bộ, chiến sĩ cũng như cánh phóng viên những chuyến đi trước gọi là “đường hàng không”. Dù cho phép đưa người lên, nhưng trưởng đoàn nhấn mạnh, “ưu tiên” tinh thần xung phong và tất nhiên không khuyến khích những người yếu tim. Vì thế, đoàn công tác có tới gần 30 người nhưng chưa đầy 20 người dám thử thách.

Sau khi tiếp cận gần nhà giàn DK1/8, tàu HQ 264 được neo buộc chắc chắn để khỏi xê dịch quá xa. Lúc này, người điều khiển cẩu trên nhà giàn khéo léo đưa rọ (phần đế hình tròn, phía trên được đan bằng dây thừng) xuống tàu để các chiến sĩ đưa từng người vào rọ (5-6 người/chuyến) rồi ra hiệu lệnh cho cẩu kéo lên. Thao tác kéo rọ và đưa người vào yêu cầu phải phối hợp nhịp nhàng, nhanh gọn và chính xác, bởi chỉ cần sai lệch một chút rất dễ dẫn tới tai nạn. Sau nhiều ngày lênh đênh trên biển, cảm giác được rời tàu rồi bay bổng trên không trung không có gì sánh bằng. Từ trên cao nhìn xuống, biển xanh thăm thẳm trải dài ngút tầm mắt. Phía dưới chân nhà giàn, cá quây quần, túm tụm từng đàn lớn đen đặc cả một vùng biển. Sau đó, rọ được nhóm cán bộ, chiến sĩ trên nhà giàn kéo đỡ rồi đưa từng người một lên cầu thang lên khu nhà ở cách mặt nước 20-30 mét. Lên nhà giàn đã khó, lúc xuống còn khó hơn nữa bởi sóng lớn làm tàu liên tục chao đảo, rung lắc. Phải khéo léo lắm mới đưa rọ “cập” đúng điểm an toàn.

Sau khi chuyến rọ thứ 3, cũng là cuối cùng từ nhà giàn trở về tàu an toàn, đại tá Nguyễn Quốc Văn, trở về từ chuyến đầu, thở phào nhẹ nhõm. Quay sang chúng tôi, anh cho biết: “Việc di chuyển bằng rọ là sáng kiến mấy năm gần đây, còn trước kia, để lên được nhà giàn vào mùa biển động khó khăn và nguy hiểm hơn rất nhiều. Khi ấy, các thành viên đoàn công tác lần lượt xuống xuồng tiếp cận nhà giàn. Từ phía trên, các cán bộ, chiến sĩ thả xuống một sợi dây thừng 1 đầu được buộc thanh gỗ cỡ cổ tay, dài chừng 20-30 cm. Từng người một ngồi trên thanh gỗ rồi bám thật chặt vào sợi dây để phía trên kéo lên. Khi xuống cũng tuần tự như vậy”.

Chia tay DK1/8, nhà giàn duy nhất đoàn công tác trên tàu HQ 264 lên bằng “đường hàng không”, ai cũng lặng đi trong niềm xúc động. Những giọt mồ hôi đổ xuống để có được sự an toàn cũng như đáp lại mong mỏi một lần được đặt chân lên DK1. Buổi gặp gỡ tay bắt mặt mừng tuy ngắn ngủi, nhưng dư âm sẽ kéo dài cả tháng, cả năm, có khi cả cuộc đời...

Kỳ 3: Những “kỳ quan” trên nhà giàn

Ở độ cao trên dưới 20 mét so với mực nước biển, thêm quanh năm nắng gió, lại thiếu nước ngọt và chật hẹp, những vườn rau, chuồng lợn, gà, vịt, “ao cá”… ở nhà giàn DK1 xứng đáng là “kỳ quan” giữa mênh mông biển trời trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. Để có được, các cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn DK1 bỏ ra rất nhiều mồ hôi, công sức cũng như sáng kiến vượt khó.

Đặt chân lên nhà giàn DK1, khu vực biển được cán bộ, chiến sĩ gọi vui là “ao cá” phía dưới gây ấn tượng cực mạnh với khách đất liền. Cả khi biển đỏng đảnh, hờn dỗi hay lúc hiền hoà, vùng mặt nước rộng lớn luôn nhung nhúc những cá là cá. Cá nhỏ quây quần thành đàn, túm tụm tựa bè lửng lơ phía trên. Dưới sâu, lảng bảng những con to từ bắp chân đến bằng cả thân người. Có những loại quen thuộc với đất liền như cá thu bè, cá ngừ đại dương, cá mập, cá mú (song), cá kìm, cá chỉ vàng hay cá bò. Càng nhiều loại cá mà tên gọi khá xa lạ với cả dân vùng biển như cá hải quân (phần sọc trên thân giống vai áo lính hải quân), cá cơm (chỉ thích ăn cơm), cá phương thanh (miệng có phần giống… đôi môi ca sĩ). Độc đáo nhất là loại cá có phần sọc trắng, đen và xanh, mới được đặt tên theo tên của phóng viên xinh đẹp Ý Thu (Báo Quảng Ngãi) có mặt trên tàu HQ264 thăm, chúc Tết và tặng quà cán bộ, chiến sĩ nhà giàn DK1 nhân dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu.

Chăm sóc “vườn rau di động” trên nhà giàn DK1.

Theo lời trung úy, y sĩ quân y Nguyễn Thành Đại, người có thâm niên gần 10 năm ở nhà giàn DK1, hiện đang công tác tại nhà giàn DK1/20, không đơn giản để có được “ao cá” vô cùng đặc biệt này giữa nơi tứ phía là trời biển. Thời gian đầu khi thành lập nhà giàn, vài ba tháng mới có chuyến tàu vận chuyển hàng, nhu yếu phẩm cũng như thư tay từ đất liền ra, lúc rảnh rỗi anh em hay đổ cơm, thức ăn bớt từ khẩu phần hằng ngày xuống biển dụ bầy cá đến để “trò chuyện”. Sẵn bóng mát cùng thức ăn, dần dần cá nhỏ, cá to lũ lượt kéo đến mà thành “ao cá” lúc nào chẳng hay. Tuy nhìn nhung nhúc là vậy, nhưng câu chúng không hề đơn giản. Ngoài cá kìm cứ thả lưỡi câu xuống là giật, các loại cá khác ít ăn mồi. “Lạ nhất là trước khi có đoàn công tác ghé thăm, thế nào anh em cũng cũng câu được một vài con to đủ làm các món ăn thịnh soạn đãi khách. Vì thế, tuy có tên gọi riêng, nhưng mọi người quen gọi chúng là “cá khách” hay “khôn nhà, dại khách”, vừa nhanh tay thả sợi dây thừng xuống dưới biển câu cá đãi khách, anh Đại vừa tranh thủ trò chuyện.

Ngoài “ao cá”, những vườn rau xanh mát mắt chẳng khác “vườn treo Babylon” cũng khiến những vị khách lần đầu đặt chân lên nhà giàn DK1 như chúng tôi không khỏi “mắt tròn, mắt dẹt”. Không ngạc nhiên và thán phục sao được bởi không những thiếu nước ngọt, mà điều kiện khí hậu ở đây cực kỳ khắc nghiệt. Mùa khô nắng cháy da, cháy thịt, thêm những cơn gió mặn chát hơi muối, đủ làm héo rũ bất cứ mầm xanh nào. Còn mùa mưa, có khi nước như trút từ trên trời xuống. Thêm gió mạnh, những hạt nước mưa quý giá chẳng khác nào những viên sỏi nhỏ bắn đi từ súng cao su được kéo bởi đôi tay khoẻ mạnh.

Nhớ lại thời gian ban đầu trồng thử nghiệm rau khi mới ra nhà giàn năm 1994, thượng tá Nguyễn Thế Dĩnh, Chính trị viên Tiểu đoàn DK1 không khỏi bồi hồi: “Vì 60 ngày mới có 1 chuyến tàu từ đất liền ra trong khi rau xanh lại không bảo quản được lâu, cán bộ, chiến sĩ đang công tác tại nhà giàn DK1 tính đến chuyện trồng rau. Hạt giống nhờ mua từ đất liền. Còn đất, anh em nghĩ cách dùng cơm, thức ăn thừa để phân huỷ và chặt nhỏ những chiếc vỏ bao trộn cùng làm đất. Sau thời gian “mười hạt gieo xuống, chỉ có 1-2 hạt nảy mầm” và “mười hạt nảy mầm, cũng chỉ có vài mầm lên tươi tốt”, mọi người cũng có lượng rau xanh nhất định dùng trong bữa cơm hằng ngày. Tuy nhiên, phải đến khi dự án trồng rau trong bồn gỗ (đến nay được thay thế bằng chất liệu composit) và thùng xốp trên đất pha cát có bón phân vi sinh triển khai thành công, mới bảo đảm được nguồn rau xanh hằng ngày”.

Tuy rau trồng theo “công nghệ” mới đạt tỷ lệ nảy mầm cao, nhưng để có thể phát triển tươi tốt, các cán bộ chiến sĩ nhà giàn DK1 cũng phải “chiến đấu” với điều kiện tự nhiên khắc nghiệt cũng như thiếu thốn. Từng ca nước ngọt sau khi tắm, giặt, rửa rau, vo gạo… được chắt chiu, dành dụm tưới rau. Để tránh cái nắng như thiêu đốt cũng như mưa như trút nước, những khoảnh vườn nhỏ được che chắn kỹ càng bằng những tấm tôn, gỗ, bao tải. Tuy nhiên, khó khăn nhất vẫn là đối phó với gió. Ở nhà giàn quanh năm gió rít, lại thay đổi hướng liên tục. Để tránh gió thổi làm rạc thân, lá, mọi người thường xuyên “chạy rau” rất vất vả. “Lính nhà giàn luôn phải chơi trò “trốn tìm” với gió. Mỗi khi gió đổi hướng, lại í ới gọi nhau di chuyển cả vườn vào khu vực khuất rồi che chắn kỹ càng. Có khi nửa đêm gió đột ngột thổi hướng khác, hì hục chuyển rau đến sáng gió lại trở về hướng cũ. Lúc ấy, dù “ức lắm”, cũng phải tự động viên mình cũng như đồng đội chuyển rau về chỗ cũ”, binh nhất Nguyễn Văn Ngà, ở nhà giàn DK1/8, cho biết.

Dù được chăm sóc cẩn thận, kỹ càng, nhưng thời gian đầu, do thiếu dưỡng chất cũng như khí hậu khắc nghiệt, thân lá các loại rau muống, mồng tơi, cải, rền đỏ, rau đay, bầu đất… cứ mãi cằn cỗi. Sẵn có nguồn cá tươi dồi dào, anh em nghĩ cách từ băm nhỏ cá trộn lẫn với đất, đến để cả con lót dưới lớp đất để tăng độ màu mỡ cho đất. Sau nhiều lần thất bại, anh em rút ra kinh nghiệm, chỉ có cá kìm là thích hợp và phải lót dưới lớp đất trước khi gieo hạt hay trồng rau. Nhờ có lượng cá kìm dồi dào, cũng sự chăm chỉ, chịu khó của cán bộ, chiến sĩ, hiện các nhà giàn DK1 cơ bản bảo đảm lượng rau xanh cho bữa cơm hằng ngày. Tuy nhiên, do không gian chật hẹp, đặt được ít bồn, nên “món truyền thống” chỉ là thái nhỏ rồi nấu canh loãng. Thi thoảng mưa thuận gió hoà, mới có bữa rau luộc, rau xào. Những bữa cơm đó với họ chẳng khác nào “đại tiệc” giữa mênh mông sóng nước.

Không chỉ “nuôi cá”, trồng rau, lính nhà giàn DK1 còn cố gắng chăn nuôi để có lượng thịt tươi trong các dịp lễ, Tết hay liên hoan. Nhà giàn nào cũng có khoang dưới để nuôi nhốt gà, vịt, lợn… Chuồng chỉ một vài mét vuông được thiết kế bằng những thanh gỗ hay mảnh tôn quây kín để tránh gió với thức ăn là phụ phẩm trong bữa ăn. Anh em trích một phần tiền ăn hằng ngày nhờ mua con giống ở đất liền. Tuy nhiên, cũng giống trồng rau, cần lựa chọn những con, những loài thích nghi được với khí hậu biển và chăm sóc cẩn thận, quan tâm kỹ càng chẳng khác nào nuôi con mọn. Bởi nếu không, chỉ cần một cơn gió độc có thể khiến chúng nhiễm bệnh rồi lăn ra chết, bao công lao, tiền của “đổ xuống sông, xuống biển”. “Mỗi lần nghe tiếng chó sủa, lợn réo đòi ăn hay gà gáy sáng, mọi người đều có cảm giác như đang ở nhà”, trung uý Đoàn Đức Chiến, ở nhà giàn DK1/8, bày tỏ lúc dẫn khách tham quan vườn rau và khu vực chăn nuôi của nhà giàn.

Kỳ 4: Khúc ca bi tráng

Qua hơn 27 năm, cũng là 27 mùa giông bão, với mệnh lệnh từ trái tim “bằng bất cứ giá nào chúng ta cũng phải giữ cho được thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc”, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ thuộc tiểu đoàn DK1 giữ gìn, bảo vệ vững chắc những cột mốc khẳng định chủ quyền biển đảo. Tuy nhiên, không tránh khỏi đau thương, mất mát do thiên nhiên nhiều lúc quá dữ dội. Nhiều cán bộ, chiến sĩ anh dũng hy sinh, vĩnh viễn nằm lại với biển khơi trong quá trình công tác trên nhà giàn DK1…

Ngày thứ 5 trong hành trình vượt sóng, vượt gió đưa hơi ấm và tình cảm từ đất liền đến với cán bộ, chiến sĩ đang công tác tại nhà giàn DK1 trên khu vực bãi đá ngầm mang tên Huyền Trân, đoàn công tác Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân và các cán bộ, phóng viên báo, đài phát thanh và truyền hình trung ương, địa phương trên tàu HQ 264 tổ chức lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh tại vùng biển thềm lục địa phía Nam. Đây là một trong những hoạt động truyền thống của các đoàn công tác tưởng nhớ, tri ân con em của các tỉnh, thành phố trong cả nước, những người dũng cảm gác lại những tình cảm, toan tính riêng tư và bao hoài bão, ước mơ của tuổi trẻ để có mặt làm nhiệm vụ và vĩnh viễn nằm lại giữa biển khơi.

Dự kiến lễ tưởng niệm tổ chức vào giữa trưa, nhưng mọi người có mặt trên boong tàu từ rất sớm, cùng nhau chuẩn bị ban thờ, mâm lễ. Ai cũng mong muốn đóng góp một chút sức mình để buổi lễ trang trọng và thành kính. Mọi ngày, cứ lên boong là vang lên tiếng cười nói, còn hôm đó, chỉ thấy tiếng gió rít và tiếng sóng vỗ nơi mạn tàu. Gương mặt ai cũng nặng trĩu tâm trạng. Với những người từng đến nhiều lần, gắn bó với nhà giàn DK1 nhiều năm như đại tá Nguyễn Quốc Văn, trung tá Nghiêm Xuân Thái, hay đại uý Ngô Văn Phương, đây là vùng biển thiêng liêng, là “Nghĩa trang đỏ nhà giàn DK1”, giống “Nghĩa trang đỏ Trường Sa” nơi có Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao.

Mặt trời gần lên tới đỉnh đầu, giữa mênh mông biển sóng, khi khúc nhạc “Hồn tử sĩ” vang lên, cùng với khói hương nghi ngút, hơn 40 người có mặt trên boong tàu mắt ai cũng ngấn lệ. Chen lẫn lời tri ân của đại tá Nguyễn Quốc Văn, là những tiếng nấc nghẹn cùng những cánh tay đưa lên lau nước mắt. Hơn 27 năm gắn bó nguyện sống chết với nhà giàn DK1, nhiều cán bộ, chiến sĩ thuộc Tiểu đoàn DK1 hy sinh thân mình vì để bảo vệ và giữ vững chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Những trang sử vàng của Hải quân nhân dân Việt Nam mãi ghi sự hy sinh anh dũng của các anh “một cái chết để muôn ngàn lần sống, một cái chết rực khí phách kiên cường” thể hiện phẩm chất anh “Bộ đội Cụ Hồ”, người chiến sĩ hải quân.

Lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hi sinh trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc.

Không ai có thể quên được đêm ngày 4, rạng 5-12-1990, khi cơn bão số 10 với sức gió giật trên cấp 12 đổ bộ vào khu vực phía Nam biển Đông. Dưới sự chỉ huy của trung uý, trạm trưởng Bùi Xuân Bổng và thượng uý, trạm phó chính trị Nguyễn Hữu Quảng, các cán bộ chiến sĩ nhà giàn DK1/3 mang tên Phúc Tần ra sức chống chọi với bão tố. Thế nhưng, do sóng quá to, gió quá lớn, đến gần sáng nhà giàn bị đổ, cuốn trôi cả 8 người. 3 đồng chí: thượng úy Nguyễn Hữu Quảng, thượng úy Trần Văn Là và chiến sĩ Hồ Văn Hiền mãi mãi ở lại với biển cả. Trong lúc cận kề giữa sự sống và cái chết, thượng uý Nguyễn Hữu Quảng nhường chiếc áo phao cá nhân và miếng lương khô cuối cùng cho đồng đội để rồi thanh thản đi vào cõi vĩnh hằng.

Đến tháng 12-1998, khi cơn bão số 8 với cường độ mạnh tràn qua vùng biển DK1 khiến nhà giàn DK1/16 mang tên Phúc Nguyên bị rung lắc dữ dội. Dưới sự chỉ huy của đại uý, trạm trưởng Vũ Quang Chương, các cán bộ, chiến sĩ nhà giàn DK1/16 kiên trì bám trụ và liên tục giữ liên lạc với đất liền với tinh thần “còn người, còn nhà trạm”. Thế nhưng, những cơn sóng với phần đỉnh có khi cao tới 14-15 mét cùng gió giật dữ dội khiến nhà giàn DK1/16 bị đổ, hất 9 cán bộ, chiến sĩ xuống biển. Giây phút cuối cùng khi lương khô sắp hết, phao nặng và phải có người tự nguyện hy sinh để đồng đội mình có cơ may tồn tại và được cứu sống, đại uý Vũ Quang Chương tự nguyện trầm mình xuống biển. Anh cùng chuẩn úy Lê Đức Hồng và chuẩn úy Nguyễn Văn An vĩnh viễn hoá thân vào sóng nước đại dương…

Dẫu biết vinh quang nào mà chẳng có mất mát hy sinh, hạnh phúc nào chẳng phải đánh đổi bằng mồ hôi nước mắt, nhưng chúng tôi không sao kìm được nước mắt. Mỗi người thắp một nén hương trên ban thờ cầu mong các anh an lòng yên nghỉ giữa mênh mông biển trời, lòng ghi nhớ công lao những anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống giữ yên bình biển trời, giữ vững chủ quyền biển, đảo và thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc. Vòng hoa, ban thờ và những bông cúc vàng được thả xuống biển thay lời nhắn nhủ, rằng các anh yên tâm, thế hệ chúng tôi hôm nay và con cháu mai sau, những người được sống trong hoà bình, sẽ không bao giờ quên những hy sinh thầm lặng mà lớn lao của các anh.

Liên tục mấy ngày trời xầm xì cùng sóng cấp 5-6, sau lễ tưởng niệm, bỗng bừng lên nắng vàng rực rỡ cùng những đợt sóng lăn tăn. Có lẽ các anh cũng như trời biển thấu hiểu và cảm nhận tình cảm từ đất liền…

Kỳ cuối: Người Hải Phòng ở DK1

Trong chuyến công tác tới nhà giàn DK1 trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc, nhóm phóng viên đến từ Hải Phòng hơn một lần được hưởng niềm vui gặp gỡ đồng hương giữa nơi đầu sóng ngọn gió. Dù tuổi tác, quân hàm, chức vụ… khác nhau, nhưng họ đều giữ trong mình những nét tính cách đặc trưng của người con thành phố Cảng Trung dũng- Quyết thắng…

Người Hải Phòng đầu tiên chúng tôi gặp giữa mênh mông trời biển là trung uý Đoàn Đức Chiến, sinh năm 1986, quê ở xã Vĩnh Tiến (huyện Vĩnh Bảo), hiện đang công tác tại nhà giàn DK1/8 mang tên Quế Đường. Xa quê gặp đồng hương vui một, ở nơi đặc biệt như thế này, niềm vui được nhân lên gấp nhiều lần. Nhớ mãi khoảnh khắc lúc đặt chân lên DK1/8, nhà giàn đầu tiên đặt chân lên trong chuyến công tác dài ngày trên biển cuối năm, lúc quay sang hỏi cậu sĩ quan trẻ dìu tôi từ rọ xuống nhà giàn: “Ở DK1/8 có ai là người Hải Phòng không em?”. Sau thoáng sững người, thêm một cái ôm chắc nịch đúng “chất” của dân miền biển, và giọng Hải Phòng vang lên không thể lẫn vào đâu được: “Hay quá, quê mình đây rồi. Em là cánh phượng đỏ duy nhất ở DK1/8 này!”.

Thời gian đoàn công tác lưu lại DK1/8 theo lệnh của trưởng đoàn là tròn 3 giờ đồng hồ. Sau buổi gặp mặt, tặng quà và chúc Tết, trong lúc mỗi phóng viên tản ra một hướng quay phim, chụp ảnh, phỏng vấn…, Chiến đưa tôi đi tham quan khắp một lượt, từ bếp ăn, phòng ngủ, bể chứa nước mưa đến “ao cá”, khu tăng gia sản xuất. Câu chuyện giữa 2 người đàn ông, dù lần đầu gặp gỡ, nhưng như đã thân quen từ lâu bởi có chung tình yêu với biển đảo. Tôi, một phóng viên vào nghề chưa tới 10 năm, nhưng số lần đi biển đảo đủ nhiều đến mức không kể hết. Trong đó, ngoài chuyến đi tới nhà giàn DK1 lần này, là hành trình tới Trường Sa kéo dài hơn 20 ngày vào dịp giáp Tết Nguyên đán Bính Thân. Còn Chiến, dù gia đình không có truyền thống đi biển và cũng chẳng ai làm lính hải quân, nhưng cậu “trót” yêu biển từ nhỏ qua những trang sách báo, những bài hát hay bài thơ về biển đảo quê hương. Năm 2005, Chiến đăng ký nhập ngũ sau đó được cử đi đào tạo chuyên nghiệp. Năm 2013, anh xung phong công tác ở nhà giàn DK1. Quay đi ngoảnh lại, Tết nguyên đán Đinh Dậu này đã là cái Tết thứ 3 liên tục anh được đón xuân mới trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc.

“Những lúc chống chếnh vì nhớ đất liền, nhớ người thân, em luôn tự nhủ lòng, dù là cánh phượng nhỏ nhoi giữa mênh mông đại dương, nhưng làm sao để xứng đáng là người con của thành phố Cảng Trung dũng- Quyết thắng”, lúc rời nhà giàn, trung uý Chiến nắm đôi tay tôi thật chặt: “Em rất vui bởi vợ cùng con gái 6 tuổi luôn động viên và “ủng hộ vô điều kiện”. Nhất là con gái, cứ mỗi lần bố gọi điện về, bao giờ cũng hô vang “Bố ơi cố lên””. Lúc lên rọ rời nhà giàn DK1/8 để trở về tàu HQ 264, nhìn vào mắt Chiến, tôi thấy chút gì đó áy náy. Có lẽ anh không có chút quà gửi về đất liền bởi nhà giàn DK1 cách mặt biển trên dưới 20 mét, từ mép nước sâu xuống đáy thêm hàng chục mét nữa, việc lên xuống biển tìm san hô hay một vài vỏ ốc như ở các đảo chìm, đảo nổi ở quần đảo Trường Sa là điều không thể. Nhưng không sao Chiến ạ, hãy vững lòng, vững tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ ở nơi đầu sóng ngọn gió. Đó là món quà quý giá nhất em gửi về quê hương!

Tròn 13 ngày lênh đênh trên đại dương thăm, chúc Tết và tặng quà 10 nhà giàn DK1, trong đó đặt chân lên 3 nhà giàn, khi trở về đất liền, chúng tôi gặp thượng tá Nguyễn Thế Dĩnh, Chính trị viên Tiểu đoàn DK1. Lúc tiễn đoàn lên tàu, anh không thể có mặt do bận công tác. Lần này, dù ai cũng nóng lòng lên ô-tô Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân bố trí đưa mọi người về thành phố Hồ Chí Minh để từ đó về nhà, nhưng không thể bỏ qua sức hấp dẫn từ những chuyện chưa kể về nhà giàn DK1 của anh.

Sinh năm 1967, quê ở xã Chiến Thắng (huyện An Lão), sau khi nhập ngũ, anh Dĩnh theo học Trường Sĩ quan Đặc công. Ngày 16-5-1994, anh ra công tác ở nhà giàn DK1 liên tục 8 năm, qua 4 nhà giàn, từ DK1/9, DK1/12, DK1/15 đến DK1/8. Dù lúc trò chuyện sôi nổi, vui vẻ là vậy, nhưng khi nhớ lại thời gian đầu ra nhà giàn, đồng chí Chính trị viên Tiểu đoàn DK1 lại hết sức trầm ngâm: “Lúc bước chân lên nhà giàn DK1, tôi không khỏi ngỡ ngàng, thắc mắc liệu điều kiện như thế này, con người có trụ được không. Nước ngọt thiếu, rau xanh không có, ti-vi cũng không nốt. Dù có máy phát điện, nhưng mỗi ngày chỉ chạy tối đa 3 tiếng. Trong khi đó, 2-3 tháng mới có chuyến tàu từ đất liền ra. Còn nhà giàn, thời gian đầu chưa được gia cố phần chân đế, mỗi khi gió lớn thường rung lắc. Khi ấy, vừa nằm ngủ, vừa nơm nớp lo”.

Anh Dĩnh chia sẻ, thời gian gần đây, được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, quân đội, các tổ chức xã hội, cá nhân…, điều kiện sinh hoạt ở nhà giàn DK1 được cải thiện rất nhiều. Nhưng khi mới thành lập, nếu không có bản lĩnh và sự từng trải, khó có người chịu nổi. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, anh và đồng đội phải tìm cách “chung sống” và vượt qua khó khăn. Chính điều kiện sống khó khăn và những trải nghiệm khó quên giúp các cán bộ, chiến sĩ công tác trên nhà giàn DK1 nhanh trưởng thành hơn.

“Thú thật, nhiều lúc cũng “run”, nhưng vì trách nhiệm khi mang trên người quân phục của lính hải quân, nhất là “mang danh” người con của thành phố Cảng Trung dũng- Quyết thắng, giúp tôi vượt qua được những giây phút nản chí, yếu lòng. Không chỉ bản thân tôi mà gần 10 cán bộ, chiến sĩ quê Hải Phòng đang công tác ở cụm nhà giàn DK1, ai cũng vậy”, trong nắng vàng rực rỡ cuối năm ở thành phố Vũng Tàu, anh Dĩnh nắm tay từng người thật chặt và nhờ mọi người gửi lời chúc Tết về quê hương.

Bài và ảnh: Thái Phan