Triển khai đồng bộ chính sách, pháp luật về trẻ em

11:03 SA 03/10/2017

Luật trẻ em năm 2016 được Quốc hội thông qua ngày 5-4-2016 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-6-2017. Luật có 7 chương, 106 điều.

Để Luật trẻ em được triển khai có hiệu quả, ngày 28-8-2017, UBND thành phố ban hành Kế hoạch số 176 về việc triển khai thi hành Luật trẻ em năm 2016, Nghị định 56 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật trẻ em. Theo nội dung kế hoạch này, UBND thành phố yêu cầu các sở, ngành, địa phương tập trung triển khai 5 nhiệm vụ chủ yếu:

Thứ nhất, các đơn vị quán triệt, tuyên truyền, phổ biến Luật Trẻ em, Nghị định 56 và các văn bản hướng dẫn liên quan với nội dung và các hình thức phù hợp với từng trường hợp cụ thể, góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết của nhân dân đặc biệt là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức trực tiếp làm công tác trẻ em. Trong đó, tập trung các vấn đề chính như tuyên truyền sự cần thiết phải sửa đổi, ban hành Luật trẻ em 2016; mục tiêu quan điểm chỉ đạo xây dựng Luật; những nội dung cơ bản và những điểm mới của Luật trẻ em 2016.... Đồng thời tổ chức hội nghị, hội thảo, hội thi, diễn đàn, biên soạn các tài liệu và tổ chức các hình thức tuyên truyền khác nhằm phổ biến sâu rộng; biên soạn và cấp phát tài liệu, tổ chức hình thức tuyên truyền khác nhằm phục vụ công tác triển khai, tuyên truyền, phổ biến những nội dung cơ bản của Luật trẻ em và Nghị định 56.

Thứ hai, Rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành của thành phố liên quan đến công tác trẻ em; tham mưu đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới bảo đảm phù hợp.

Thứ ba, các cơ quan liên quan rà soát, đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em cho đội ngũ công chức, viên chức, cộng tác viên làm công tác trẻ em các cấp, đáp ứng tiêu chuẩn bảo đảm thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao trong Luật trẻ em.

Thứ tư, Các sở, ngành, địa phương tổ chức kiểm tra thực hiện pháp luật về trẻ em theo thẩm quyền do pháp luật quy định.

Thứ năm, thống kê, báo cáo kết quả thực hiện theo từng giai đoạn.

Để thực hiện nhiệm vụ trên, UBND thành phố giao Sở Lao động- Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp các ngành chức năng tổ chức tập huấn quán triệt phổ biến luật, xây dựng nội dung tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; theo dõi, tổng hợp đề xuất việc lồng ghép các mục tiêu, chỉ tiêu về trẻ em khi xây dựng, quy hoạch phát triển kinh tế xã hội thành phố... Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp cơ quan liên quan bảo đảm việc bảo vệ trẻ em trong quá trình xử lý vi phạm hành chính; chủ trì, hướng dẫn đăng ký khai sinh, giải quyết vấn đề quốc tịch, xác định cha, mẹ cho trẻ em.... Sở Y tế bảo đảm trẻ em được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe có chất lượng, công bằng tại các cơ sở khám, chữa bệnh theo quy định của pháp luật.... UBND các quận, huyện tổ chức thực hiện chính sách pháp luật, chương trình mục tiêu về trẻ em phù hợp điều kiện từng địa phương. Đồng thời, kiện toàn ban chỉ đạo thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em cấp huyện, xã; xây dựng đội ngũ cộng tác viên bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở các thôn, tổ dân phố...

Có thể nhận thấy sự ra đời của Kế hoạch số 176/KH-UBND về việc triển khai thi hành Luật trẻ em năm 2016, Nghị định 56/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật trẻ em tạo ra cơ sở quan trọng đưa Luật trẻ em vào cuộc sống, huy động sự vào cuộc của các cấp, các ngành thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, thúc đẩy việc thực hiện ngày càng tốt hơn những quyền cơ bản của trẻ em mà Việt Nam là một trong các quốc gia phê chuẩn Công ước về Quyền trẻ em của Liên hợp quốc.

Mai Dung (Tổng hợp)