Tuyên truyền tận nơi, xử phạt thích đáng

10:11 CH 03/08/2017

Từ đầu năm đến nay, qua kiểm tra, lực lượng thanh tra chuyên ngành Chi cục Thủy sản Hải Phòng phát hiện và xử phạt gần 10 lượt chủ tàu vi phạm trên các vùng khai thác Cát Bà, Long Châu và các tuyến sông trên địa bàn thành phố. Số vụ vi phạm giảm, nhưng tính chất tinh vi hơn đòi hỏi lực lượng chức năng thường xuyên tuyên truyền, kiểm tra định kỳ và đột xuất việc chấp hành pháp luật trong hoạt động khai thác thủy sản.

Lực lượng thanh tra chuyên ngành thuộc Chi cục Thủy sản Hải Phòng kiểm tra, tuyên truyền về chấp hành quy định pháp luật trong khai thác thủy sản.

Vi phạm giảm nhưng tinh vi hơn


Trưởng Phòng Thanh tra chuyên ngành, Chi cục Thủy sản Hải Phòng Nguyễn Quang Tạo cho biết, thực hiện Chỉ thị số 01/1998 của Thủ tướng Chính phủ về cấm sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc hại trong khai thác thủy sản, từ đầu năm đến nay, lực lượng thanh tra phát hiện, xử phạt 9 trường hợp tàng trữ, vận chuyển công cụ kích điện trên tàu. Trong đó, có 3 trường hợp tàng trữ khi đang khai thác thủy sản trên các sông; 6 trường hợp tàng trữ khi đang khai thác ngoài biển Long Châu, Cát Bà. Một trong số đó là chủ tàu QN-1054-TS Nguyễn Văn Hùng, quê ở xã Nam Hòa, Quảng Yên, (Quảng Ninh), bị lực lượng chức năng thu giữ kích điện tàng trữ trên tàu cá khi khai thác ở vùng biển Long Châu hồi tháng 6 vừa qua. Ông Hùng thừa nhận, việc sử dụng kích điện khai thác được nhiều tôm, cá hơn.


Theo ông Nguyễn Quang Tạo, từ đầu năm đến nay, mức độ sử dụng kích điện đánh bắt thủy sản giảm gần 50%) về số vụ so với cùng kỳ năm ngoái, không phức tạp, nghiêm trọng, nhưng tinh vi hơn. Khi bị phát hiện, chủ tàu cắt dây, ném kích điện xuống biển để phi tang khiến lực lượng kiểm tra rất khó bắt quả tang. Mức xử phạt khi phát hiện đang sử dụng kích điện có thể lên tới 40 - 50 triệu đồng. Do vậy, thay vì cất giấu dụng cụ vi phạm, các chủ tàu sẵn sàng cắt dây để phi tang kích điện xuống biển. Việc kiểm tra các tàu khai thác thủy sản trên biển có nhiều lực lượng tham gia như: thanh tra chuyên ngành Chi cục Thủy sản Hải Phòng, Biên phòng, Cảnh sát biển, chính quyền địa phương…. Tuy nhiên, nếu tiến hành kiểm tra theo chuyên ngành, đi theo đợt, thì rất khó phát hiện vi phạm. Muốn phát hiện và bắt giữ các vụ vi phạm, lực lượng kiểm tra phải tiến hành ban đêm, bất ngờ tiếp cận tàu khai thác.


Đến tận tàu, gặp từng ngư dân


Tàu VN 91909KN của lực lượng thanh tra chuyên ngành Chi cục Thủy sản Hải Phòng xuất bến ra khơi theo kế hoạch. Tàu có nhiệm vụ tuyên truyền ở vùng biển Cát Bà để ngư dân nắm được kinh vĩ độ phân định vùng biển; tờ rơi tuyên truyền về đường dây nóng giữa Việt Nam và các nước có chung biên giới biển; về quy định mức xử phạt đối với các tàu cá vi phạm trong sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản. “Với những trường hợp cố tình vi phạm chúng tôi triển khai kiểm tra đột xuất, bất ngờ. Nhưng với số đông tàu, chúng tôi phải đến từng tàu, gặp từng ngư dân để tuyên truyền, nhắc nhở”- Trưởng Phòng Thanh tra Chi cục Thủy sản Nguyễn Quang Tạo chia sẻ. Mỗi chuyến tàu của lực lượng thanh tra chuyên ngành ra khơi một tuần đến 10 ngày, có kế hoạch chi tiết, ở từng khu vực ngư trường, bảo đảm hiệu quả tuyên truyền.


Ông Đinh Văn Vẻ, chủ tàu HP 90317 TS (xã Lập Lễ, huyện Thủy Nguyên) công suất 160 CV khai thác vùng đánh cá vịnh Bắc bộ và vùng biển Bạch Long Vỹ, thừa nhận, trước đây tàu ông có đánh cá bằng kích điện, nhưng bỏ hơn một năm nay. Ông cũng ý thức được việc vi phạm không chỉ hủy diệt nguồn lợi thủy sản, ảnh hưởng trực tiếp đến công việc đánh bắt. Mức xử phạt cũng nặng hơn trước rất nhiều, có thể bị xử phạt đến 50 triệu đồng nếu sử dụng kích điện khi đang khai thác, nên không dám vi phạm. Với các tàu khai thác ở vùng phân định vịnh Bắc bộ như tàu chụp mực HP 90788 TS của ông Đồng Đức Hanh ở thị trấn Cát Bà, huyện Cát Hải so với việc đầu tư 19 tỷ đồng để đóng tàu, khai thác xa bờ, nếu vi phạm bị xử lý hoặc bắt giữ tàu thì rất khó để hoàn vốn, thậm chí thiệt hại nặng.


Việc tuyên truyền, tăng mức xử phạt vi phạm tạo chuyển biến trong chấp hành quy định pháp luật khi khai thác thủy sản. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm vẫn diễn ra, như 9 trường hợp nêu trên. Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hải Phòng Nguyễn Thanh Xuân cho biết, yêu cầu phải đến từng tàu, gặp từng ngư dân, nhưng lực lượng thanh tra chuyên ngành mỏng, chỉ có 2 tàu, với hơn 10 người nên không kiểm tra thường xuyên. Trong khi vì lợi ích kinh tế nên một số ngư dân bất chấp quy định pháp luật, vi phạm trong quá trình khai thác thủy sản. Do vậy, ngoài tăng cường công tác tuyên truyền; tuần tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý vi phạm, cần có sự phối hợp liên ngành, cùng các đơn vị chức năng trong quản lý, kiểm tra, kiểm soát hoạt động khai thác thủy sản. Đồng thời, thành phố quan tâm đầu tư thêm đội tàu, lực lượng nâng cao “sức mạnh” của lực lượng thanh tra chuyên ngành, đáp ứng yêu cầu hoạt động hiện nay.


Bài và ảnh: Phạm Lượng