70 năm “viết sử bằng hình”
(HPĐT)- Theo dòng chảy của lịch sử, Hải Phòng luôn là đề tài và là nguồn cảm hứng vô tận đối với những người sáng tác văn học nghệ thuật, trong đó có đội ngũ những người làm điện ảnh, truyền hình…
.jpg)
Nhà biên kịch Tô Hoàng Vũ, Chủ tịch Hội Điện ảnh truyền hình Hải Phòng chia sẻ, nhiều người còn nhớ đến “Khói trắng”, bộ phim truyện đầu tiên về đề tài công nghiệp của điện ảnh Việt Nam (sản xuất năm 1963), tác giả kịch bản là ông Nguyễn Hoàng, cán bộ Công đoàn Nhà máy Xi măng Hải Phòng. Cùng thời điểm ra đời phim “Khói trắng”, công chúng yêu điện ảnh vẫn nhớ tới phim “Biển lửa” (kịch bản của Phù Thăng), lấy cảm hứng từ Hải Phòng, cụ thể là trận đánh sân bay Cát Bi chia lửa với chiến trường Điện Biên Phủ. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước diễn ra hết sức ác liệt, Hải Phòng thành lập đội quay phim mang tên Điện ảnh Hải Phòng. Hàng chục bộ phim tài liệu ra đời những năm thập niên 70-80 của thế kỷ trước tạo ấn tượng tốt với người xem, được nhận Bằng khen của các Liên hoan Điện ảnh toàn quốc như phim: “Hải Phòng - mảnh đất Việt Nam”, “Những người mẹ thành phố Cảng”, “16-4, Hải Phòng rực lửa căm hờn”.
Khi Truyền hình Hải Phòng được thành lập năm 1984, nhất là khi ra đời Trung tâm nghe nhìn (Xưởng phim Truyền hình sau này), Hải Phòng có bước phát triển mới trong làm phim. Nhiều phim tài liệu và phim truyện của Hải Phòng đoạt giải cao tại các Liên hoan truyền hình toàn quốc, tiêu biểu như phim tài liệu: “Trạng Trình - nhà tiên tri họ Nguyễn”, “Dương Kinh một thuở” được nhận huy chương vàng; các phim truyện: “Con Vá”, “Chim bìm bịp” được nhận huy chương bạc. Riêng Xưởng phim đã thử sức và bước đầu thành công với các phim: “Nước mắt của biển”, “Chuyện tình đảo Cát” (12 tập). Trước đó, các phim tài liệu nhựa: “9 lần Bác Hồ về thăm Hải Phòng”, phim truyện video 2 tập: “Bên bờ vực thẳm” đề cập vấn đề người vượt biên trái phép do Công ty Điện ảnh băng hình (nay là Trung tâm Phát hình phim và chiếu bóng) sản xuất và các phim truyện: “Song nữ”, “Cái chết của Hồ Xuân Hương”... của Trung tâm Văn hoá nghệ thuật thành phố sản xuất cũng gây được sự chú ý với dư luận.
Tác phẩm để lại ấn tượng và giàu chất sử thi về miền cửa biển anh hùng là 20 tập phim truyện “Con mắt bão”, khởi quay năm 2012…”. Chuyện phim trải dài theo lịch sử Hải Phòng từ thời kỳ chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ năm 1972 cho đến sau ngày thống nhất. Những thước phim tái hiện sinh động hình ảnh thành phố Cảng trong những ngày bị đế quốc Mỹ thả thủy lôi, bom B52, bom từ trường phong tỏa đường biển, đường sông. Nhiều chiến sĩ hy sinh trong cuộc chiến chống phong tỏa này. Nhưng vượt lên mọi mất mát chính là lòng quả cảm và sự hy sinh vì Tổ quốc của những người con thành phố Cảng…
Năm 2013, “Con mắt bão” được trao Cánh Diều Bạc của Hội Điện ảnh Việt Nam. “Cuộc sống và tính cách quả cảm, khí chất vừa hào hiệp mà cần lao của quân, dân Hải Phòng luôn là nguồn cảm xúc sáng tạo của chúng tôi...”, NSƯT Văn Lượng, Tổng đạo diễn bộ phim bày tỏ. Cùng với các bộ phim truyền hình, Xưởng phim Truyền hình Hải Phòng sản xuất hàng trăm chương trình “Hải Phòng thành phố tôi yêu” phát sóng ở các kênh truyền hình Hải Phòng, chương trình “Ơi Hải Phòng” phát sóng trên kênh VTV4 của Đài Truyền hình Việt Nam ra nước ngoài…
Đội ngũ biên kịch và đạo diễn điện ảnh thành phố Cảng với những tên tuổi như: nữ biên kịch - đạo diễn Đoàn Lê, nhà biên kịch Nguyễn Long Khánh, nhà văn Đình Kính, nhà văn Phạm Xuân Trường... có nhiều tác phẩm chất lượng, được các hãng phim Trung ương và xưởng phim địa phương đầu tư sản xuất. Sôi động hơn vẫn là mảng phim tài liệu với nhiều nhà biên kịch và đạo diễn, như: Bùi Viên, Khắc Hiển, Văn Lượng, Hoàng Vũ, Trần Hằng, Đặng Kim...; các nhà quay phim: Nguyễn Năng, Đào Vinh, Hoài Nam, Nguyễn Khánh, Mạnh Tuấn, Minh Nhật, Hùng Thắng quay nhiều phim tài liệu và phim truyền hình được giải thưởng. Đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên Hải Phòng có nhiều kinh nghiệm diễn xuất như các anh chị: NSƯT Ngọc Hiền, Trần Tường, các nghệ sĩ Hoài Thu, Văn Báu, Viết Liên, Viết Vinh, Xuân Thảo, Lệ Thu, Quang Long, Minh Nguyệt, Quốc Tuấn… “Họ chính là những “người viết sử bằng hình”, tái hiện chân thực và sinh động quá trình phát triển của thành phố Cảng anh hùng trong suốt 70 năm qua…”, nhà biên kịch Tô Hoàng Vũ khẳng định.