Đền thờ Tiến sĩ Lê Đức Liêu (quận An Dương): Nơi tôn vinh truyền thống hiếu học

09:04 SA 29/03/2025

(HPĐT)- Đền thờ Tiến sĩ Lê Đức Liêu nằm trong khuôn viên Khu di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia đình, chùa Quỳnh Hoàng, thuộc phường Nam Sơn (quận An Dương). Đây là nơi diễn ra Lễ hội khai bút đầu xuân hằng năm của địa phương, nhằm tri ân, noi gương danh nhân Lê Đức Liêuvị khoa bảng triều Lê, người có công lớn trong việc giáo dục và tôn vinh truyền thống hiếu học của người dân địa phương.

 

Nhà thư pháp Lê Thiên Lý tặng chữ tại Lễ hội khai bút đầu Xuân Ất Tỵ 2025 ở đền thờ tiến sĩ Lê Đức Liêu.

 

Theo các tư liệu lịch sử do tiến sĩ Nguyễn Đức Nhuệ (Viện Sử học thuộc Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam) cung cấp và được công khai tại đền thờ, tiến sĩ Lê Đức Liêu (chưa rõ năm sinh, năm mất) quê ở làng Quỳnh Hoàng, huyện Giáp Sơn nay là tổ dân phố Quỳnh Hoàng, phường Nam Sơn (quận An Dương). Ông mồ côi cả cha lẫn mẹ, khi còn nhỏ tuổi, được một gia đình trong dòng họ nhận làm con nuôi. Ông chuyên tâm dùi mài kinh sử, nỗ lực học tập để thành tài, làm rạng danh quê hương, dòng tộc. Năm Giáp Thìn (1484) niên hiệu Hồng Đức triều vua Lê Thánh Tông, ông đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân; được cử giữ chức quan Hiến sát sứ, trật hàm chánh Lục phẩm, chuyên việc xét hỏi, khám đoán, hội đồng kiểm soát, tố cáo sự gian tà của quan, xét rõ sự u uẩn của dân... Đây là chức trưởng cơ quan thứ hai trong ba cơ quan lớn nhất (Thừa ty, Hiến sát ty, Đô ty) của Thừa tuyên (tương đương cấp tỉnh ngày nay).

Thế nhưng vị Hiến sát sứ có cuộc đời chìm nổi, xuất thân nghèo khó này khi đỗ tiến sĩ về quê lại không được dân làng đón rước như tập tục truyền thống lâu nay. Người xưa kể lại rằng: Mùa xuân Giáp Thìn 1484, triều đình ban chiếu về làng Quỳnh Hoàng yêu cầu dân chúng đến bến sông rước tân quan Lê Đức Liêu về vinh quy bái tổ, nhưng dân làng không đến vì chẳng ai nghĩ cậu bé Liêu mồ côi cha mẹ, nghèo khó lam lũ lại có thể đỗ ông Nghè. Không thấy dân làng ra đón, ông trở lại kinh đô làm việc. Sau này, có người ở kinh thành về nói chuyện ông Liêu đỗ tiến sĩ, mọi người trong làng mới biết và vô cùng hối hận.

Năm 1484 cũng là thời điểm vua Lê Thánh Tông cho tu bổ, tôn tạo và khắc bia đá lưu danh các vị đại khoa đỗ tiến sĩ tại Văn Miếu Quốc Tử Giám. Tuy nhiên, rất đáng tiếc, trong 82 tấm bia Tiến sĩ tại Văn Miếu Quốc Tử Giám không có bia khắc ghi các vị đại khoa đỗ vào năm Giáp Thìn (1484), trong đó có tiến sĩ Lê Đức Liêu. Mặc dù sinh ra và thành danh trong thời thịnh trị của chế độ phong kiến, nhưng sự nghiệp quan lộ của tiến sĩ Lê Đức Liêu không đề cập nhiều trong sử sách. Tuy nhiên, với học vị tiến sĩ cùng chức quan Hiến sát sứ, ông đã có những đóng góp nhất định cho sự phát triển thịnh đạt của đất nước trong giai đoạn lịch sử này.

Đối với quê hương Quỳnh Hoàng, ông là vị tiến sĩ khai khoa, là người khởi nguồn cho truyền thống hiếu học của địa phương. Truyền thống đó được các thế hệ con cháu phát huy một cách hiệu quả trong suốt tiến trình dựng xây và phát triển quê hương đất nước. Để tri ân bậc tiên hiền có công tạo lập nền móng thuần phong mỹ tục, vào năm 2010, nhân dân làng Quỳnh Hoàng xây dựng đền thờ ngài trong Khu di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia đình, chùa Quỳnh Hoàng; nhằm tưởng nhớ và vinh danh tấm gương sáng về cần lao khổ luyện thành tài cho các thế hệ hôm nay và mai sau học tập.

Đền thờ tiến sĩ Lê Đức Liêu còn thờ thầy giáo Chu Văn An- Tư nghiệp Quốc Tử Giám, Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Quốc Tử Giám và Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm- danh nhân văn hóa lỗi lạc, nhà thơ lớn, bậc hiền triết, nhà tiên tri đại tài, nhà giáo vĩ đại được người đời tôn vinh, ngưỡng mộ. Nơi đây trở thành điểm đến tâm linh của học sinh, sinh viên, thầy, cô giáo và những người yêu con chữ, mong muốn một năm học hành tấn tới, công thành danh toại.

Lễ hội khai bút đầu xuân được tổ chức tại Đền thờ tiến sĩ Lê Đức Liêu lần đầu vào năm 2016, dần trở thành nét đẹp văn hóa của địa phương và được duy trì thường niên vào tháng Giêng âm lịch hằng năm. Tại lễ hội, sau lễ rước Bút thư từ đình Quỳnh Hoàng sang đền thờ tiến sĩ Lê Đức Liêu, khai trống, khai chiêng là đến lễ dâng hương, khai bút, tặng chữ, khai bút của nhà thư pháp và lễ dâng bút nghiên an vị. Trong phần hội diễn ra các hoạt động: vinh danh trao thưởng học sinh giỏi, hội thi rung chuông vàng tìm hiểu lịch sử văn hóa truyền thống địa phương và hoạt động viết chữ thư pháp của các em học sinh trường THCS trên địa bàn phường Nam Sơn… Chuỗi hoạt động này góp phần bảo tồn, lưu giữ những giá trị lịch sử văn hóa, truyền thống tốt đẹp của người dân Nam Sơn, tôn vinh truyền thống hiếu học và thu hút đông đảo người dân, du khách.

BÌNH LUẬN (0)
Bạn cần đăng nhập để gửi bình luận Đăng nhập