Tác giả “Trường thơ Hải Phòng” qua đời ở tuổi 76

05:02 CH 14/03/2025
Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha (1949-2025). Ảnh: vanvn.vn
 
Nhà thơ, nhạc sĩ, nhà báo, nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Thụy Kha qua đời sáng 13-3 tại Bệnh viện 108 (Hà Nội). Trước đó, ông mắc căn bệnh hiểm nghèo hơn nửa năm nay và thời gian gần đây sức khỏe yếu dần và ông rời xa cõi tạm.

Nhạc sĩ Duy Thái, Chủ tịch Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tại Hải Phòng, Chủ tịch Hội Âm nhạc Hải Phòng hồi tưởng kỷ niệm với người bạn lâu năm: “Nhà anh Thụy Kha trước ở phố Dư Hàng (quận Lê Chân). Mỗi dịp giáp Tết, anh Thụy Kha về nhà, anh em văn nghệ sĩ Hải Phòng chúng tôi, như các bác Đào Trọng Khánh, Bùi Trọng Tấn và một số người nữa thường đến tề tựu, hàn huyên. Sau đó, cụ ông, cụ bà mất, anh em Thụy Kha cũng về Hà Nội, nhà bán đi nên anh cũng ít về. Rồi cơn bạo bệnh đưa anh về cõi vĩnh hằng…”.

Hay tin nhà thơ Nguyễn Thụy Kha rời cõi tạm, nhà biên kịch Tô Hoàng Vũ, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật (VHNT) Hải Phòng bày tỏ lòng tiếc thương một tài năng có nhiều gắn bó với Hải Phòng: "Là một người đa tài, nhà thơ, nhạc sĩ Thụy Kha có nhiều đóng góp đối với nền văn học, nghệ thuật Việt Nam. Với thành phố Hải Phòng - nơi ông sinh ra, nhà thơ có nhiều tác phẩm thơ, nhạc, lý luận phê bình… ghi dấu ấn với thời gian. Ông cũng là cộng tác viên đặc biệt của Tạp chí Cửa biển trong nhiều năm".

Nhà báo Lê Trọng Nghĩa, nguyên Tổng biên tập Báo Hải Phòng thể hiện niềm tiếc thương sâu sắc đối với một văn nghệ sĩ đa tài của thành phố Cảng, có nhiều gắn bó với tờ báo của Đảng bộ thành phố: Trong suốt sự nghiệp văn học, nghệ thuật của mình, nhất là trong thời gian từ cuối những năm 2000 đến gần đây, nhà thơ, nhạc sĩ, nhà báo Thụy Kha thường xuyên có tác phẩm gửi đăng các ấn phẩm của Báo Hải Phòng. Ông thường viết các thể loại bình luận, phê bình, chân dung văn nghệ sĩ... Đáng chú ý, ông có những loạt bài nhiều kỳ đăng trên Báo Hải Phòng, như loạt giới thiệu tuyển chọn "Trăm năm tình khúc Việt Nam" đăng hàng chục kỳ báo trên Hải Phòng cuối tuần. Ngoài ra, ông còn tham gia biên tập những bản nhạc đăng trên Báo Hải Phòng... "Tôi nhớ có lần về thăm cơ quan Báo Hải Phòng, anh Thụy Kha sang con ngõ nhỏ cạnh cổng Báo ăn bát bánh đa cua. Anh bảo là để nguôi nỗi nhớ thành phố quê hương...", nhà báo Lê Trọng Nghĩa xúc động hồi tưởng lại.

 

Nhà thơ TNguyễn Thụy Kha tại cuộc giới thiệu sách "Biến tấu của ký ức" tại Bảo tàng Đông Dương cuối năm 2023. Ảnh: Lưu Quang Phổ
 

Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha sinh năm 1949, quê quán tại thôn Ngãi Am, xã Hòa Bình, huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng), sống ở Hà Nội. Ông tốt nghiệp Đại học Thông tin và Trường viết văn Nguyễn Du. Ông từng phục vụ trong quân đội từ năm 1972 đến 1990 với vai trò kỹ sư thông tin. Từ năm 1990, ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và là một trong những tên tuổi lớn trong giới văn học và âm nhạc Việt Nam. Một số tác phẩm của ông là “Hương nắng tiếng chim” (thơ, in chung, 1982), “Mắt thời gian” (thơ, năm 1988), “Lúc ấy - biển” (thơ, năm 1989), “Văn Cao - Người đi dọc biển” (tập truyện, năm 1992), “Hàn Mặc Tử - Thi sĩ đồng trinh” (tập truyện, năm 1993), “Một lần thơ trẻ” (truyện ngắn, năm 1994). Năm 2022, ông viết cuốn “Hương” về tình yêu, tình người ở chiến trường Quảng Trị năm xưa. Đáng chú ý, ở tuổi 70, nhà thơ Nguyễn Thụy Kha cùng họa sĩ Lê Thiết Cương xuất bản cuốn “Trường thơ Hải Phòng”, như một “hành trình thơ” xuyên suốt từ ngày Hải Phòng kháng chiến năm 1946 đến nay, với các tên tuổi thơ từ thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước như: Lan Sơn, Nguyên Hồng, Văn Cao, Nguyễn Đình Thi, Lê Đại Thanh; sau đó là Hoàng Hưng, Thanh Tùng, Đào Cảng; rồi đến các tác giả Thi Hoàng, Đào Trọng Khánh, Nguyễn Thụy Kha sau này… Ở “Trường thơ Hải Phòng”, 23 tác giả - 23 “riêng” đã làm nên một “chung” - một giọng điệu mặn mòi, mạnh mẽ và phóng khoáng - rất Hải Phòng.

Ngoài ra, Nguyễn Thụy Kha còn là tác giả một số tập nhạc, kịch bản phim chân dung, lời bình của hàng chục bộ phim. Là một người con đất Vĩnh Bảo, ông dành nhiều tâm huyết nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, làm bộ phim tài liệu “Nguyễn Bỉnh Khiêm - Cây đại thụ rợp bóng 500 năm”, phát hành năm 1991. Bộ phim sau đó nhận được giải thưởng của Hội hữu nghị Việt Nhật năm 1992.

Với những cống hiến của mình, ông được trao Giải thưởng thơ báo Văn Nghệ năm 1981-1982; Giải thưởng Lê Quý Đôn 1986; Giải thưởng Nguyễn Bỉnh Khiêm năm 1982; Giải thưởng Hội Nhạc sĩ Việt Nam liên tục từ năm 1996 - 2005; Giải thưởng của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam năm 2004; Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật năm 2023…

BÌNH LUẬN (0)
Bạn cần đăng nhập để gửi bình luận Đăng nhập