Chủ động xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn
(HPĐT)- Theo dự báo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, thời gian tới, sẽ có tổ chức đại diện người lao động ngoài tổ chức công đoàn được thành lập tại các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp tại các khu công nghiệp, doanh nghiệp có đông lao động, do đó, cần tăng cường hơn nữa vai trò của các cấp công đoàn trong bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần đoàn viên, người lao động. Để làm được điều đó, bên cạnh khắc phục tình trạng thiếu cán bộ công đoàn chuyên trách, các cấp công đoàn cần chủ động xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn bản lĩnh, trí tuệ, trách nhiệm cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Đoàn viên tăng, cán bộ công đoàn chuyên trách giảm
Theo chỉ tiêu được Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam giao hằng năm và thực tế phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở (CĐCS), trung bình 5 năm gần đây, mỗi năm, hệ thống công đoàn thành phố phát triển khoảng 35 nghìn đoàn viên trở lên, thành lập khoảng 130 CĐCS. Số đoàn viên, CĐCS tăng theo mỗi năm nhưng số cán bộ công đoàn chuyên trách lại giảm. Nếu năm 2012, hệ thống công đoàn thành phố có khoảng 150 nghìn đoàn viên với 123 cán bộ công đoàn chuyên trách và 50 cán bộ hợp đồng, thì năm 2024, số lượng đoàn viên là hơn 340 nghìn người, tăng hơn 190 nghìn đoàn viên nhưng biên chế cán bộ công đoàn chuyên trách chỉ còn 104 cán bộ và 16 lao động hợp đồng, giảm 19 cán bộ công đoàn chuyên trách và 34 cán bộ hợp đồng. Số cán bộ công đoàn chuyên trách được bố trí chủ yếu ở cấp thành phố, LĐLĐ các quận, huyện, công đoàn ngành. Hiện, toàn thành phố có 31 cán bộ công đoàn chuyên trách ở CĐCS.
Theo đánh giá của Trưởng Ban Tổ chức- Kiểm tra LĐLĐ thành phố Đặng Đức Hiển, việc giảm biên chế cán bộ công đoàn chuyên trách trong khi khối lượng công việc, các chương trình do công đoàn thực hiện ngày càng nhiều, nhiệm vụ của công đoàn ngày càng phức tạp, điều này làm gia tăng áp lực cho đội ngũ cán bộ công đoàn, nhất là công đoàn cấp cơ sở. Hiện, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở có từ 3-6 cán bộ, gồm cả cán bộ chuyên trách và lao động hợp đồng. Nhiều nhất là cán bộ thuộc Công đoàn Khu kinh tế (khoảng 7 người) nhưng quản lý số đoàn viên và CĐCS nhiều nhất thành phố (347 CĐCS và gần 170 nghìn đoàn viên), trung bình mỗi cán bộ quản lý khoảng 50 CĐCS và 25 nghìn đoàn viên. Con số này sẽ tiếp tục tăng lên trong những năm tiếp theo. Cũng do thiếu cán bộ công đoàn, nhất là những công đoàn ngành chỉ có 3 cán bộ, công việc phải kiêm nhiệm nhiều, 1 người làm nhiều việc: kế toán, thủ quỹ, công tác kiểm tra, nữ công… nên thêm khó khăn khi triển khai các chương trình lớn, công tác chăm lo đoàn viên, nhất là vào các tháng cao điểm của hoạt động công đoàn.
Chuẩn hóa về kiến thức, trình độ chuyên môn
Không riêng Hải Phòng, phần lớn LĐLĐ các tỉnh, thành phố trên cả nước đang gặp khó khăn do đoàn viên, CĐCS tăng mà cán bộ công đoàn chuyên trách giảm. Ngoài nguyên nhân do chính sách tinh giản biên chế còn có sự bất cập về số lượng biên chế, cán bộ công đoàn so với các tổ chức chính trị- xã hội khác và việc quản lý biên chế cán bộ công đoàn hiện nay. Tại phiên thảo luận về dự án Luật Công đoàn sửa đổi tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 15 đang diễn ra, nhiều đại biểu có ý kiến, biên chế cán bộ công đoàn hiện nay chỉ bằng 1/3 so với các tổ chức chính trị- xã hội khác. Đơn cử, theo tính toán của Tổng LĐLĐ Việt Nam, tính đến tháng 3-2024, tổng biên chế của Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên, MTTQ khoảng 62 nghìn người, trong khi tổng biên chế cán bộ công đoàn các địa phương khoảng 5.120 người, trong khi số lượng đoàn viên và CĐCS luôn gia tăng hằng năm. Việc quản lý biên chế cán bộ công đoàn hiện nay cũng còn bất cập khi công đoàn trả lương cho cán bộ chuyên trách trong toàn hệ thống nhưng biên chế cán bộ công đoàn lại do cấp ủy địa phương quản lý, dẫn đến sự không đồng đều trong phân bổ cán bộ nơi nhiều, nơi ít. Phó chủ tịch Công đoàn Khu kinh tế Nguyễn Hồng Quang cho biết, khi cán bộ công đoàn không chuyên trách nhất là ở doanh nghiệp là tiếng nói của cán bộ công đoàn, việc bảo vệ quyền lợi, chăm lo đoàn viên, người lao động còn hạn chế khi chính cán bộ công đoàn cũng là người lao động, được chủ doanh nghiệp trả lương, có thể bị gây khó khăn trong công việc, vị trí công tác, quyền lợi được hưởng… khi đấu tranh bảo vệ người lao động mà không được doanh nghiệp ủng hộ.
Việc giải quyết bài toán biên chế cán bộ công đoàn chuyên trách và quản lý cán bộ công đoàn cần cơ chế chính sách cụ thể, trong đó, Tổng LĐLĐ Việt Nam cần nghiên cứu, đề xuất, báo cáo cơ quan có thẩm quyền xây dựng chính sách, cơ chế giao biên chế cán bộ công đoàn hợp lý, bảo đảm yêu cầu, nhiệm vụ và tình hình thực tế, nhất là trong bối cảnh xuất hiện cạnh tranh trong hoạt động công đoàn khi có tổ chức khác đại diện người lao động ngoài công đoàn thành lập. Theo đồng chí Nguyễn Anh Tuân, Chủ tịch LĐLĐ thành phố, trong khi chờ các cơ chế, chính sách mới, hệ thống công đoàn chủ động trong công tác cán bộ nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Cụ thể là ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác quản lý đoàn viên, tổ chức tuyên truyền, thực hiện các hoạt động chăm lo người lao động. Quan trọng hơn là nâng cao chất lượng cán bộ các cấp công đoàn thông qua chuẩn hóa về kiến thức, trình độ chuyên môn, trình độ lý luận chính trị. Trang bị, bổ sung các kỹ năng hoạt động công đoàn thông qua tập huấn thường xuyên, liên tục trên tất cả các lĩnh vực, tạo động lực và niềm tin đối với đội ngũ cán bộ công đoàn các cấp để hoàn thành nhiệm vụ trong giai đoạn mới.