Thực hiện Nghị quyết 02 của Bộ chính trị: Công đoàn chăm lo người lao động tốt hơn
(HPĐT)- Nghị quyết 02 của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới” (Nghị quyết 02) ban hành tháng 6-2021. Sau 3 năm, các chỉ tiêu xác định trong nghị quyết được các cấp Công đoàn thành phố triển khai thực hiện đạt và vượt so với tiến độ đề ra. Hệ thống Công đoàn thành phố được tăng cường từ số lượng đoàn viên công đoàn và các công đoàn cơ sở mới thành lập. Công tác chăm lo đoàn viên, người lao động cũng ngày một tốt hơn.

Vượt nhiều chỉ tiêu
Tại Nghị quyết 02, mỗi giai đoạn có 2 mục tiêu phấn đấu cụ thể là phát triển đoàn viên công đoàn và ký kết thỏa ước lao động tập thể. Triển khai nghị quyết, LĐLĐ thành phố xây dựng kế hoạch thực hiện, ngoài 2 chỉ tiêu chung Nghị quyết 02 đặt ra, LĐLĐ thành phố đưa thêm 3 chỉ tiêu thực hiện trong các giai đoạn đến năm 2025; 2030 và 2045. Đó là: Phấn đấu Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đề nghị thành lập tổ chức cơ sở Đảng ở 70% doanh nghiệp ngoài nhà nước (nơi đã có tổ chức Công đoàn) đủ điều kiện về số lượng đảng viên trong doanh nghiệp; phấn đấu có ít nhất 70% số vụ việc của đoàn viên, người lao động có nhu cầu tư vấn, tranh tụng về lao động và công đoàn có đại diện Công đoàn tham gia hỗ trợ và ít nhất 80% cán bộ Công đoàn các cấp được đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về pháp luật lao động và nghiệp vụ công đoàn. Theo Trưởng Ban Tổ chứcKiểm tra LĐLĐ thành phố Đặng Đức Hiển, việc xác định thêm 3 chỉ tiêu thực hiện Nghị quyết 02, LĐLĐ thành phố mong muốn xây dựng giai cấp công nhân, hệ thống công đoàn vững mạnh, thực hiện chức năng, nhiệm vụ công tác công đoàn tốt hơn, toàn diện hơn.
Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 02, có 5 chỉ tiêu LĐLĐ xác định đều thực hiện đạt và vượt tiến độ đề ra. Trong đó, có những chỉ tiêu khó như: ký kết thỏa ước lao động tập thể. LĐLĐ thành phố xác định đến năm 2025 đạt 80% các đơn vị đủ điều kiện ký kết thỏa ước lao động tập thể thì đến hết năm 2024, chỉ tiêu này đạt 85%, cao hơn kế hoạch đề ra 5%. Chỉ tiêu số cán bộ công đoàn chuyên trách được đào tạo bồi dưỡng về nghiệp vụ đạt 100%, vượt 20%... Riêng chỉ tiêu phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS là chỉ tiêu khó nhất, đang thực hiện bảo đảm tiến độ đề ra. Trong đó năm 2024, chỉ tiêu này được các cấp công đoàn thực hiện “thành công rực rỡ” khi hệ thống công đoàn thành phố thành lập mới 179/100 CĐCS, đạt 179% kế hoạch năm; phát triển mới 47.992 đoàn viên công đoàn, trong đó đoàn viên thực tăng là 31.239/30.000, đạt 104% kế hoạch năm và đạt 113% kế hoạch Tổng LĐLĐ giao. LĐLĐ thành phố Hải Phòng là đơn vị duy nhất của cả nước năm 2024 được Tổng LĐLĐ Việt Nam tặng cờ thi đua xuất sắc trong công tác phát triển đoàn viên. Đồng chí Nguyễn Anh Tuân, Chủ tịch LĐLĐ thành phố phấn khởi khẳng định, đây là kết quả của sự nỗ lực, cố gắng, quyết tâm rất cao của toàn hệ thống công đoàn trong bối cảnh phát triển kinh tế còn nhiều khó khăn. Đến nay, hệ thống Công đoàn thành phố đã có 347.998 đoàn viên công đoàn, hết năm 2025 theo chỉ tiêu phấn đấu LĐLĐ thành phố sẽ có 400.000 đoàn viên.
Đổi mới tổ chức, hoạt động, công tác chăm lo
Để đạt và vượt các chỉ tiêu xác định trong thực hiện Nghị quyết 02, hệ thống công đoàn quyết liệt vào cuộc, biến áp lực thành động lực để phấn đấu, mỗi cán bộ công đoàn có tinh thần trách nhiệm cao nhất. Trong thời gian thực hiện Nghị quyết 02, LĐLĐ thành phố đồng thời thực hiện Quy định số 212 ngày 30-9-2019 của Ban Bí thư trung ương Đảng về công tác sắp xếp, hoàn thiện mô hình, tổ chức, bộ máy, chức năng, nhiệm vụ công đoàn các cấp theo hướng tinh giảm đầu mối. Theo đó, LĐLĐ thành phố sắp xếp đầu mối từ 7 Ban còn 5 Ban, đi trước nhiều LĐLĐ các tỉnh, thành phố khác. Đồng thời sắp xếp, giải thể và củng cố nâng cao chất lượng hoạt động của các đơn vị kinh tế sự nghiệp công đoàn. Từ việc sắp xếp lại, ổn định các Ban, đơn vị, hiệu quả hoạt động công đoàn tốt hơn, trong đó, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của công đoàn đáp ứng yêu cầu tình hình mới, nhất là hướng các hoạt động về cơ sở, thể hiện vai trò, trách nhiệm của tổ chức công đoàn. Đơn cử như, ngay sau khi bão số 3 (Yagi), LĐLĐ thành phố thành lập các đoàn do các đồng chí thường trực dẫn đầu cùng các công đoàn cấp trên cơ sở đi kiểm tra và hỗ trợ, động viên khắc phục hậu quả bão tại gần 100 doanh nghiệp. Các đoàn cũng khảo sát các trường hợp nhà của công nhân, viên chức, lao động bị ảnh hưởng, những người bị tai nạn, bị thương trong bão để kịp thời động viên về tinh thần, hỗ trợ về vật chất xây, sửa lại nhà.
Hay như hoạt động chăm lo người lao động vào dịp Tết Nguyên đán hằng năm, ngân sách thành phố và LĐLĐ thành phố trợ cấp, tặng quà, tặng vé xe về quê, tặng phiếu mua hàng miễn phí… cho khoảng 10% người lao động với tổng trị giá hàng chục tỷ đồng. Các cấp công đoàn bảo đảm không để người lao động khó khăn nào không có Tết. Việc đổi mới hoạt động công đoàn, hướng về người lao động còn là các chương trình riêng có của Công đoàn Hải Phòng như tổ chức “Chợ Tết Công đoàn”, xây dựng các “Khu nhà ở công nhân văn minh, an toàn”, tổ chức cuộc thi nấu ăn “Cơm dẻo canh ngọt”, xây dựng các sản phẩm truyền thông đa dạng, tổ chức các phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”… đạt hiệu quả cao.
Đánh giá kết quả sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 02, đồng chí Nguyễn Anh Tuân, Chủ tịch LĐLĐ thành phố cho rằng, các cấp công đoàn thành phố linh hoạt, chủ động thích ứng với tình hình mới khi triển khai nghị quyết trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 phức tạp. Hoạt động công đoàn ngày càng tập trung, hướng về cơ sở, đạt hiệu quả rõ nét. Kết quả thực hiện nghị quyết 02 thêm khẳng định tinh thần vượt khó, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của đội ngũ cán bộ, đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động thành phố, góp phần quan trọng vào kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển của thành phố.