Trọn đời học tập, làm theo Bác Hồ
(HPĐT)- Ở tuổi “xưa nay hiếm”, kỷ niệm về 7 lần vinh dự được gặp Bác Hồ vẫn vẹn nguyên, sâu đậm trong tâm trí cụ Trương Thị Len, nguyên công nhân Nhà máy Xi măng Hải Phòng. Những lời dạy của Người được cụ làm theo suốt cuộc đời, luôn giữ “chất công nhân”, là người đảng viên gương mẫu, tích cực góp sức xây dựng thành phố, đất nước ngày càng giàu đẹp.

Niềm tự hào của “chim đầu đàn” Tổ đá nhỏ ca
A Tết này, cụ Len bước sang tuổi 87. Trong căn nhà nhỏ, ấm cúng ở phố Nguyễn Tường Loan (quận Lê Chân), mặc dù sức khỏe yếu đi nhiều nhưng đôi mắt cụ vẫn ánh lên tinh tường, kể rành rọt chi tiết về kỷ niệm lần đầu được gặp Bác Hồ vào ngày 30-5-1957 khi Người thăm cán bộ, công nhân Nhà máy Xi măng Hải Phòng cách đây 68 năm.
Sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng, ngay sau ngày giải phóng thành phố, tháng 11-1955, cô gái Trương Thị Len vào làm công nhân Phân xưởng máy đá (Nhà máy Xi măng Hải Phòng) khi vừa tròn 17 tuổi. Tại đây, lần đầu cụ được gặp Bác và đến giờ vẫn nhớ như in lời Người: “Nhà máy Xi măng Hải Phòng trước đây là của thực dân, bây giờ là của các cô, các chú. Người công nhân trước đây là người làm thuê cho tư bản, bây giờ là người làm chủ đất nước, phải xứng đáng với vai trò của mình… Muốn khắc phục những khó khăn sau khi tiếp quản nhà máy, chúng ta phải chịu khó, chịu khổ, ra sức lao động sản xuất để làm ra thật nhiều xi măng cho Tổ quốc, để hàn gắn vết thương chiến tranh, cải thiện đời sống”.
Khắc ghi trong tâm khảm những lời căn dặn của Bác, Tổ đá nhỏ ca A do cụ Trương Thị Len làm tổ trưởng tích cực thi đua “ca nọ vượt ca kia”. Không khí lao động miệt mài, hăng say. Dù trang thiết bị sản xuất còn thô sơ, nhưng những cô gái khi ấy mới đôi mươi “căng mình đẩy những xe đá nặng cả tấn, đôi bàn tay búp măng thoăn thoắt khuân những tảng đá lớn lên xe goòng…”. Từ vài chục xe, tổ tăng lên hàng trăm xe đá mỗi ca, năng suất vượt 200%. Với phong trào thi đua cải tiến kỹ thuật, Tổ đá nhỏ ca A được tuyên dương là “Tổ lao động xã hội chủ nghĩa” đầu tiên tại miền Bắc; cụ Len được gọi bằng cái tên trìu mến: “Con chim đầu đàn của Tổ đá nhỏ ca A”.
Sáng kiến tiếp nối sáng kiến, những đóng góp của họ giúp Nhà máy Xi măng Hải Phòng trở thành điểm sáng trong phong trào thi đua lao động sản xuất. Bản thân cụ vinh dự được nhận nhiều danh hiệu cao quý; được kết nạp Đảng năm 21 tuổi và là tấm gương tiêu biểu trong công nhân cả nước.
Mãi mãi giữ “chất công nhân”
Sau đó, cụ Len còn có thêm 6 lần được gặp Bác, được Người quan tâm căn dặn nhiều điều. Trong đó, cụ nhớ nhất lời Bác dặn: “Bác mừng cho cháu tiến bộ. Làm cán bộ, nhưng đừng bao giờ để mất chất công nhân, cán bộ phải gương mẫu, đảng viên phải gương mẫu; chí công, vô tư” khi được gặp Người sau lễ mít tinh kỷ niệm Quốc khánh 2-9-1964. Lời dạy nhiều ý nghĩa đó trở thành kim chỉ nam đối với cụ trong suốt quá trình công tác sau này. Chưa bao giờ, cụ thôi tự soi, tự sửa, nỗ lực giữ vững “chất công nhân” và “người công nhân là người làm chủ đất nước” như lời Bác dạy.
Với tình yêu Hải Phòng tha thiết, với “bản chất công nhân” ngấm vào máu thịt, sau khi học xong lớp cán bộ tại Trường Công đoàn Trung ương, cụ Len từ chối nhiều vị trí công tác ở Tổng Công đoàn Việt Nam và thành phố Hải Phòng, trở về gắn bó với Nhà máy Xi măng Hải Phòng. Dù ở cương vị công tác nào, cụ cũng luôn hết lòng vì công việc; yêu thương, đoàn kết, chia sẻ với khó khăn của người công nhân. Càng gần gũi, sâu sát công nhân, cụ càng hiểu rõ trách nhiệm của cán bộ, đảng viên để quản lý hiệu quả và bảo đảm đời sống của người lao động, xứng đáng vai trò “người làm chủ đất nước”. Gần 20 năm làm Quản đốc phân xưởng Bao giấy, cụ Len cùng tập thể đoàn kết vượt qua nhiều khó khăn, phát triển sản xuất. 17 năm liền cụ là chiến sĩ thi đua, cán bộ quản lý giỏi, được nhận 4 Bằng Lao động sáng tạo và nhiều bằng khen của các bộ, ngành.
Về nghỉ hưu tại địa phương, “chất công nhân” và vai trò “người làm chủ đất nước” vẫn thôi thúc cụ Len tích cực tham gia các hoạt động của địa phương, cộng đồng. Mới đây, cụ tham gia và đoạt giải C Cuộc thi chính luận về Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần thứ 4 năm 2024 với tác phẩm “Bảy lần gặp Bác Hồ và trọn đời khắc ghi lời dạy: “Người công nhân làm chủ đất nước”, đồng thời được vinh danh và trao giải tác giả cao tuổi tiêu biểu của cuộc thi.
Gần 90 năm tuổi đời, 66 năm tuổi Đảng, điều cụ Trương Thị Len tự hào nhất là làm theo được lời dạy của Bác, giữ vững “chất công nhân”, luôn là người cán bộ, đảng viên gương mẫu, chí công vô tư trong công tác và trong cuộc sống; nuôi dạy con cháu tiếp nối truyền thống của gia đình, học và làm theo những phẩm chất tốt đẹp nhất từ Người - vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc.