Xử lý vi phạm hành chính về đất đai: Chú trọng vận động, đối thoại
(HPĐT)- Từ đầu năm 2024 đến nay, huyện Thủy Nguyên quyết liệt xử lý các trường hợp vi phạm hành chính về đất đai kéo dài, phức tạp từ nhiều năm trước để lại. Đáng mừng, huyện không phải cưỡng chế trường hợp nào. Đây là hiệu quả từ chủ trương của huyện về tăng cường đối thoại, vận động để các trường hợp vi phạm tự nguyện chấp hành.

Tổ chức, cá nhân tự nguyện tháo dỡ công trình vi phạm
Ngày 21-10, Công ty TNHH My Sơn (ở xã Tam Hưng) tự nguyện tháo dỡ các công trình vi phạm, với tổng giá trị hàng chục tỷ đồng gồm: dây chuyền trộn bê tông, xưởng sản xuất hệ thống si lô ngoài trời, nhà bảo vệ, nhà ở công nhân, kho chứa đồ, nhà điều hành, nhà để xe và trả lại nguyên trạng ban đầu. Đây là những công trình do công ty tự ý xây dựng trên hơn 7.775 m2 đất phi nông nghiệp từ năm 2002. Ngày 30-8-2024, UBND thành phố ban hành quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với doanh nghiệp này và ủy quyền Chủ tịch UBND huyện Thủy Nguyên tổ chức cưỡng chế. Vụ việc khá phức tạp, khi doanh nghiệp gửi đơn khiếu nại quyết định của Chủ tịch UBND thành phố, nhưng không có cơ sở. Kiên quyết xử lý theo quy định, bên cạnh xây dựng kế hoạch cưỡng chế, UBND huyện kiên trì đối thoại. Kết quả, doanh nghiệp tự nguyện tháo dỡ công trình vi phạm.
Trước đó, ngày 8-10, ông Hồ Hữu Khải (ở xã Hoàng Động) và ông Nguyễn Văn Nghĩa (ở phường Quán Toan, quận Hồng Bàng) tự nguyện tháo dỡ công trình, bàn giao mặt bằng đã lấn chiếm tại khu vực bãi bồi ven sông Cấm, thuộc địa bàn xã Hoàng Động để huyện làm cảng thủy nội địa. Theo UBND huyện Thủy Nguyên, từ năm 2022, ông Khải chiếm 9.862 m2 đất nông nghiệp và ông Nghĩa chiếm 4.444,7 m2 đất nông nghiệp do tự ý nhận chuyển nhượng của 1 hộ ở xã Hoàng Động. Ngoài ra, tại xã Ngũ Lão, trong tháng 8- 2024, hộ ông Đoàn Văn Hòa, tự nguyện tháo dỡ công trình nhà cấp 4 xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp từ tháng 4-2021, diện tích 122,17 m2 và các công trình phụ trợ phục vụ ăn ở, sinh hoạt. Diện tích đất nằm trong quy hoạch cây xanh thuộc quy hoạch chung đô thị Thủy Nguyên. Tiếp đến, cuối tháng 9-2024, anh Đỗ Văn Thành, ở thôn 7, xã Ngũ Lão tự nguyện tháo dỡ nhà xưởng quy mô gần 1.000 m2 do xây dựng trái phép trên đất trồng cây hằng năm từ năm 2021 tại xứ đồng Cầu Đống Đỏ. Đồng thời, anh Thành nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính với gần 17 triệu đồng.
Có thể thấy, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trên vi phạm hành chính về lĩnh vực đất đai kể trên kéo dài nhiều năm, phức tạp, khó xử lý. Nguyên nhân do nhận thức của một số tổ chức, cá nhân chưa đầy đủ, thậm chí cố tình vi phạm pháp luật về đất đai. Ngoài ra, công tác quản lý, sử dụng đất đai còn chưa chặt chẽ... Xác định công tác tuyên truyền, vận động có ý nghĩa quan trọng, huyện tập trung phát huy hiệu quả công tác tuyên truyền trong xử lý đất đai trên địa bàn huyện. Đây là kết quả của sự quyết liệt chỉ đạo giải quyết, xử lý theo đúng tinh thần của một trong 3 nội dung chủ đề trọng tâm năm 2024 của huyện là “siết chặt kỷ cương quản lý đất đai”, góp phần lập lại trật tự quản lý về đất đai.
Bảo đảm kỷ cương quản lý đất đai
Từ đầu nhiệm kỳ 2020- 2025 đến nay, huyện yêu cầu các phòng, ban chuyên môn và UBND các xã tăng cường tuyên truyền Luật Đất đai, vận động các trường hợp vi phạm tự khắc phục, tháo dỡ công trình vi phạm, khôi phục tình trạng ban đầu của đất, với phương châm kiên trì, bền bỉ, bám sát địa bàn nhằm hạn chế thấp nhất cưỡng chế giải tỏa vi phạm, tránh lãng phí công sức, tiền của của Nhà nước và của người vi phạm.
Minh chứng, từ năm 2023, huyện tổ chức cưỡng chế các vụ vi phạm hành chính về đất đai quy mô lớn tại xã Hòa Bình, Quảng Thanh đã và đang đạt hiệu quả cao. Huyện chú trọng đối thoại, hoặc trực tiếp lãnh đạo địa phương gặp, vận động, giải thích để các tổ chức, cá nhân nhận ra hành vi vi phạm, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng. Khi các tổ chức, cá nhân chấp hành khắc phục hậu quả vi phạm, UBND huyện tạo mọi điều kiện hỗ trợ về phương tiện, nhân lực để giúp tháo dỡ công trình vi phạm. Như trường hợp ông Hòa ở xã Ngũ Lão, huyện hỗ trợ các phương tiện san ủi mặt bằng. Hay đối với Công ty TNHH My Sơn, huyện hỗ trợ chi phí tổ chức tháo dỡ các công trình vi phạm lên đến gần 1 tỷ đồng. Đây là cách làm nhân văn để giảm thiệt hại thấp nhất đối với các trường hợp vi phạm hành chính về lĩnh vực đất đai.
Chủ tịch UBND huyện Thủy Nguyên Nguyễn Huy Hoàng cho biết, thời gian tới, huyện tiếp tục kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm hành chính về đất đai cũ tại xã Hợp Thành, thị trấn Minh Đức... Huyện đang khẩn trương công tác chuẩn bị chuyển đổi lên thành phố, do đó, công tác quản lý đất đai càng đòi hỏi siết chặt hơn. Với kinh nghiệm đúc rút trong công tác xử lý các trường hợp vi phạm vừa qua, huyện tăng cường đối thoại, vận động để các trường hợp vi phạm tự nguyện chấp hành khắc phục hậu quả, qua đó xử lý dần các vi phạm cũ, không phát sinh vi phạm mới, bảo đảm kỷ cương công tác quản lý đất đai trên địa bàn huyện.