Xuân đến nơi phên dậu Tổ quốc (Kỳ cuối)

10:32 SA 25/01/2025

Kỳ cuối: Tự hào về những người con đất Cảng

Trong hành trình mang hương xuân, không khí Tết của đất liền đến với quân và dân các đảo tiền tiêu trên vùng biển Tây Nam, tôi có dịp được gặp gỡ và trò chuyện với nhiều cán bộ, chiến sĩ là những người con của thành phố Cảng đang công tác, làm việc trên các đảo. Nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, họ đang từng ngày, từng giờ cống hiến sức trẻ, đóng góp công sức giữ từng “tấc đảo, sải biển” quê hương.

 

Vợ chồng trung tá Bùi Anh Dũng gắn bó với đảo hơn 30 năm.
 

“Thuận vợ, thuận chồng”, đảo thành quê hương

Đến thăm mỗi đảo, ngoài tham gia hoạt động chung của đoàn công tác, cánh nhà báo thường đi tìm đồng hương để hỏi thăm, động viên cũng như “săn” chất liệu đặc trưng cho những bài viết của mình.

Tại đảo Nam Du, tôi gặp thiếu tá Nguyễn Văn Hoài, Trạm ra-đa 600 (Trung đoàn 511, Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân), đồng hương ở thành phố Thủy Nguyên. Trong số anh em đang đóng quân ở trạm, anh Hoài được coi là “anh cả” về cả tuổi đời và thâm niên “cắm chốt” trên đảo. Anh có dáng người cao cao, làn da nhuộm màu sương gió, thế nhưng khí chất “ăn sóng nói gió” của người đất Cảng thì không lẫn vào đâu được. Anh Hoài tâm sự: "Tôi ra đảo công tác năm 1995, đến nay đã tròn 30 năm gắn bó với đảo và Trạm ra-đa 600. Sở dĩ tôi có thể gắn bó với đảo lâu như vậy có 3 lý do, trước hết là nhiệm vụ thiêng liêng của người lính, sau đó là tình yêu biển, đảo và gia đình thân yêu ở trên đảo. Tôi nên duyên với cô giáo xã đảo Hoàng Thị Huyền (quê huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An) sau 4 năm ra đảo. Sự thấu hiểu, cảm thông, chia sẻ chính là sợi dây vô hình gắn kết vợ chồng tôi. Sau 30 năm sinh sống, làm việc, lập nghiệp trên đảo, chúng tôi coi đây là quê hương thứ 2 của mình và sẽ tiếp tục gắn bó lâu dài tại đây".

Chia sẻ thêm về nhiệm vụ của mình, anh Hoài cho biết: Với cương vị A trưởng Ra-đa, anh luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực cao để hoàn thành nhiệm vụ. Vốn có thâm niên trong lĩnh vực mình phụ trách, anh thường tranh thủ truyền đạt cho các đồng chí mới về đơn vị kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm quan sát, nhận dạng mục tiêu, nhất là cách phân tích sóng vọng, phân biệt ánh đèn các loại tàu, thuyền hoạt động trong điều kiện thời tiết phức tạp, không để bị động, bất ngờ, sót, lọt mục tiêu".

Cũng như anh Hoài, 33 năm trước, trung tá Bùi Anh Dũng (ở xã Tiền Phong, huyện Vĩnh Bảo) theo tàu ra đảo Thổ Chu nhận nhiệm vụ tại Trạm rđa 610 (Trung đoàn 551, Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân). Năm đó, anh Dũng tròn 20 tuổi- tuổi của sức trẻ, niềm khát khao cống hiến và mong muốn được khẳng định mình. “Lúc đầu ra, đảo vắng lắm, chưa có dân mà chủ yếu là bộ đội, nhiều lúc nhớ nhà, nhớ vợ con ở quê mà trào nước mắt”, anh bộc bạch. Xác định công việc, nhiệm vụ người lính rất quan trọng, nhưng cùng với đó là tổ ấm gia đình cũng quan trọng không kém, anh Dũng quyết định đưa vợ con ra đảo sinh sống. Sau chuyến cắt phép về Hải Phòng năm 1995, cả gia đình anh Dũng ra đảo. Lúc ấy, chị Hà Thị Oanh- vợ anh- rất băn khoăn, lo lắng không biết “trụ” lại đảo được bao lâu. Thế rồi, sau khi bén duyên với nghề nuôi dạy trẻ, chị Oanh quyết tâm đi học sư phạm, hiện công tác tại Trường Tiểu học - THCS Thổ Châu. Có những lần anh Dũng phải đi tăng cường tại các đơn vị trên đảo khác, chị Oanh ở nhà gánh vác lo toan để chồng yên tâm công tác. Chị Oanh tâm sự: “Làm vợ bộ đội mặc dù chịu nhiều thiệt thòi, vất vả, nhưng điều đó chưa là gì so với nhưng gian truân, hy sinh mà các cán bộ, chiến sĩ trải qua. Vì thế, tôi luôn động viên, chia sẻ để anh nỗ lực nhận, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.

Trên các điểm đảo khác, tôi cũng gặp nhiều người con thành phố Hoa phượng đỏ đang từng ngày, từng giờ canh giữ biển đảo Tổ quốc, như đại úy Lê Trọng Đạt, nhân viên Trạm ra-đa 615 trên đảo Hòn Chuối (ở xã An Thọ, huyện An Lão); thượng úy Lê Hoàng Long, nhân viên công tác thông tin Trạm ra-đa 600 trên đảo Nam Du (ở phường Cầu Tre, quận Ngô Quyền)… Qua những câu chuyện chia sẻ, tâm sự của mỗi người, tôi cảm nhận được trong ánh mắt của những người lính luôn ánh lên sự lạc quan, quyết tâm. Với họ, khi đã gắn bó với đảo, với biển đều coi đảo là nhà, biển cả là quê hương. Đại tá Lục Đức Tiên, Phó Tư lệnh Vùng 5 Hải quân cho biết: Rất nhiều cán bộ, chiến sĩ quê ở ngoài Bắc, đã gắn bó với trạm, với đảo hàng chục năm, có anh em vì nhiệm vụ cả năm không về phép, nhưng trong bất kỳ hoàn cảnh, điều kiện nào họ cũng luôn nỗ lực hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, góp phần vào truyền thống anh hùng của Vùng 5 Hải quân.

      Tiếng Tổ quốc vọng về từ biển cả

Điều thiêng liêng nhất khi đến với với biển, đảo Tây Nam không chỉ là cảm nhận được tình yêu biển, đảo, khâm phục bản lĩnh, ý chí của người lính biển mà còn là những dấu ấn, dấu mốc lịch sử không thể nào quên.

 

Thiếu tá Nguyễn Văn Hoài (người ngồi) trong giờ làm nhiệm vụ.
 

Đặt chân lên đảo Thổ Chu, mặc dù lịch trình dày đặc và thời gian trên đảo ngắn ngủi, nhưng đoàn công tác vẫn dành thời gian đến dâng hương tại đền Thổ Châu – ngôi đền gắn liền với lịch sử bi tráng của địa phương. Theo đó, ngày 30-4-1975, cả nước đang hân hoan ngày toàn thắng, non sông thống nhất, đất nước hòa bình thì ở một hòn đảo xa xôi phía Tây Nam Tổ quốc lại chưa thể trọn vẹn niềm vui đó. Đến đầu tháng 5-1975, khi Việt Nam vừa bước vào những ngày hòa bình thống nhất đầu tiên, những chiếc tàu chở quân Khmer Đỏ đã ập tới đảo, chiếm đóng Thổ Chu. Quân uỷ Trung ương, Bộ Quốc phòng chỉ thị Quân chủng Hải quân và Quân khu 9 huy động lực lượng giải phóng quần đảo Thổ Chu. 27 ngày sau, đảo Thổ Chu thuộc thành phố Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) mới chính thức được giải phóng. Thổ Chu được xem là nơi được giải phóng muộn nhất trong cả nước. Để ghi nhớ công ơn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tưởng nhớ các chiến sĩ đã hy sinh và hơn 500 người dân vô tội bị quân Khmer Đỏ giết hại, năm 2011, đền Thổ Châu được xây dựng trên đảo Thổ Chu. Ngôi đền trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, yêu quê hương cho thế hệ trẻ.

Đến đảo Nam Du, đoàn công tác đến dâng hương tại Bia tưởng niệm, nơi thờ cúng nạn nhân bão số 5 ngày 2 và 3-11-1997. Vào 2 ngày này, cơn bão khiến 460 người tử vong, 335 người bị thương, hơn 2.180 tàu bị chìm và hơn 20.500 ngôi nhà bị tốc mái, thiệt hại hơn 1.515 tỷ đồng. Nỗi đau dần nguôi ngoai theo thời gian. Một Nam Du hoang tàn nay đã hồi sinh mạnh mẽ, trù phú hơn, phát triển hơn, nhưng tấm bia vẫn nhắc nhở về bài học cảnh giác trước thiên tai, sức mạnh tàn phá của thiên nhiên.

Quá khứ đau thương đã qua đi, nhưng nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ trong thời bình vẫn nhiều khó khăn, phức tạp. Trước tình hình trên biển ngày càng diễn biến phức khó lường, Chuẩn đô đốc Nguyễn Hữu Thoan, Chính ủy Vùng 5 Hải quân nhấn mạnh: Đơn vị tiếp tục nâng cao năng lực, chất lượng nắm, nghiên cứu, dự báo, đánh giá tình hình; chủ động tham mưu, đề xuất với Quân chủng, Bộ Quốc phòng và phối hợp chặt chẽ các lực lượng trên địa bàn xử trí chính xác, kịp thời, hiệu quả, đúng đối sách các tình huống, nhất là trên hướng biển, không để bị động, bất ngờ, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo được phân công.

 Hành trình 5 ngày đến với 5 đảo tiền tiêu cực Tây Nam của Tổ quốc: Hòn Đốc, Nam Du, Hòn Chuối, Hòn Khoai và Thổ Chu, tuy ngắn ngủi nhưng cho chúng tôi hiểu thêm về cuộc sống, sự hy sinh thầm lặng của những người lính trong thời bình. Nhiều điểm đảo trên khắp mọi miền Tổ quốc đã được kiên cố hóa bởi những căn nhà mái bằng khang trang, còn nơi đây vẫn có những nhà cấp bốn ngạo nghễ thi gan với nắng gió, mây trời khắc nghiệt, cuộc sống vẫn nhiều khó khăn, thiếu thốn... Nhưng trên gương mặt mỗi cán bộ, chiến sĩ, người dân luôn toát lên tự tin, phấn khởi, yêu đời. Một mùa xuân mới đã về với đất trời và lòng người, họ vẫn đang ngày đêm “giữ biển, canh trời” để đất liền đón Tết bình an, hạnh phúc./.

BÌNH LUẬN (0)
Bạn cần đăng nhập để gửi bình luận Đăng nhập