Xã Liên Khê (huyện Thủy Nguyên): Nông thôn mới mạnh về kinh tế, đẹp về văn hóa

10:47 SA 26/01/2021

 

Đường giao thông nông thôn trên địa bàn xã Liên Khê (huyện Thủy Nguyên) được xây dựng khang trang phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.

 

 

(HPĐT)- Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, Đảng bộ, nhân dân xã Liên Khê đang chung sức xây dựng quê hương ngày càng mạnh về kinh tế, đẹp về văn hóa. Liên Khê giờ đây khoác lên mình diện mạo mới: Những con đường rộng mở; những cánh đồng trồng cây ăn quả năng suất cao; các thiết chế văn hóa được củng cố, nhất là các di tích lịch sử được tôn tạo, phát huy, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của người dân.  

 

 

 

Với người dân Liên Khê, 5 năm trở lại đây, địa phương đổi mới từng ngày. Theo ông Nguyễn Đắc Trại, đảng viên cao tuổi của chi bộ 4, nếu như trước đây, người dân địa phương tự hào về truyền thống cách mạng của quê hương khi góp công, góp sức cùng dân tộc chiến thắng giặc ngoại xâm và các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, thì ngày nay, người dân luôn tự hào khi truyền thống đó được phát huy trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

 

 

Là một trong 7 xã miền núi của huyện Thủy Nguyên, Liên Khê gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội vì xa trung tâm, giao thông khó khăn, đất canh tác chủ yếu là đồi núi…Thời gian trước, người dân gắn bó với nghề trồng trọt nhưng hiệu quả kinh tế không cao, đời sống người dân bấp bênh. Thế nhưng, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân xã đoàn kết, đồng lòng xây dựng địa phương thoát khỏi “xã nghèo” của huyện.

 

 

Theo đồng chí Trần Thị Vân, Phó bí thư Thường trực Đảng ủy xã Liên Khê, Liên Khê “mạnh dạn” cùng 5 địa phương khác đăng ký về đích NTM trong năm 2017. Để thực hiện nhiệm vụ này, Đảng ủy, HĐND, UBND xã xác định rõ phương châm, tiến hành xây dựng NTM “lấy dân làm gốc”. Xác định xây dựng NTM trước hết là nâng cao thu nhập cho người dân, nên từ điều kiện đặc thù canh tác là vùng đồi núi, phù hợp với phát triển trồng các loại cây ăn quả, địa phương chú trọng thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên vùng trồng lúa kém hiệu quả theo hướng hàng hóa. Cùng với đó, tranh thủ sự hỗ trợ của thành phố, huyện, địa phương kiên cố hóa các tuyến đường thôn xóm, nội đồng, xây dựng vùng sản xuất tập trung…hỗ trợ người dân phát triển sản xuất. Nhờ cách làm này, Liên Khê thành công trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trở thành một trong các vùng sản xuất nông sản chuyên canh hiệu quả kinh tế cao của huyện. Trong đó, 12,5 ha trồng rau màu các loại, bình quân thu nhập 70 triệu đồng /ha;  334 ha trồng cây ăn quả các loại (na, chuối, đu đủ, nhãn…) với giá trị bình quân đạt 200 - 270 triệu đồng; vùng nuôi trồng thủy sản 35,8 ha, sản lượng 13,1 tấn/ha/năm… Kinh tế phát triển, người dân có điều kiện góp công, góp của để xây dựng các công trình NTM. Với cách làm này, địa phương về đích NTM đúng hẹn, sớm hơn 2 năm so với chỉ tiêu của huyện. Về Liên Khê hôm nay, 100% tuyến đường thôn, xóm, trường học, trạm y tế được xây dựng kiên cố, khang trang.  Thu  nhập bình quân năm 2020 đạt 55,4 triệu đồng/người, tăng 12% so với năm 2019.

 

 

Không chỉ “giỏi” phát triển kinh tế, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân xã Liên Khê đồng lòng xây dựng đời sống văn hóa văn minh, hiện đại gắn với bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử ở địa phương. Các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao ở các khu dân cư “nở rộ”,  gắn với hoạt động làng văn hóa, đồng hành với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Qua đó, toàn xã có 5/5 làng đạt làng văn hóa cấp huyện, 92% số hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa mới; 464/917 gia đình thể thao... Bên cạnh đó, Đảng bộ, nhân dân Liên Khê thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa gắn liền với các di tích lịch sử trên địa bàn.

 

Đặc biệt, từ cuối năm 2019, khi bãi cọc Cao Quỳ  phát lộ, nhân dân  xã đồng thuận cao bàn giao mặt bằng để thi công dự án tuyến đường vào và khu bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ. Đến nay, khi công trình tuyến đường vào và khu bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ được hoàn thành và đưa vào sử dụng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân toàn xã tiếp tục chung sức để phát huy giá trị  bãi cọc cũng như các di tích lịch sử gắn liền với chiến thắng Bạch Đằng hiện có trên địa bàn. Cùng với khu di tích bãi cọc Cao Quỳ, năm 2019, xã có khu di tích lịch sử kháng chiến Hang Bờ Hồ cũng được xếp hạng di tích cấp thành phố...

 

 

Phó bí thư Thường trực Đảng ủy xã Liên Khê Trần Thị Vân cho biết, trên cơ sở kết quả đạt được, địa phương phấn đấu hoàn thành tiêu chí xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu về đích trước năm 2023. Đồng thời, phát huy bản sắc truyền thống tốt đẹp văn hóa Việt Nam và phong tục tập quán tiến bộ của làng xã để xây dựng gia đình văn hóa, thôn văn hóa, làng văn hóa; thu hút đầu tư, huy động các nguồn lực xây dựng, trùng tu, tôn tạo các khu di tích lịch sử đã được xếp hạng; kết nối với khu bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ thành khu du lịch tâm linh và vùng du lịch sinh thái./.