Củng cố sức mạnh hệ thống y tế toàn cầu

09:15 SA 29/03/2025

(HPĐT)- Tháng 3 này đánh dấu tròn 5 năm Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chính thức công bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu. 5 năm trôi qua, những vết thương do COVID-19 gây nên dần hồi phục, song áp lực đè nặng lên hệ thống y tế toàn cầu còn đó khi thế giới đang đương đầu với nhiều nguy cơ bùng phát dịch bệnh.

 

Lô vắc-xin phòng bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên đến sân bay quốc tế N'Djili ở Kinshasa, Congo, ngày 5-9-2024. Ảnh: Reuters

 

Còn những nỗi lo

Cách đây 5 năm, cuộc sống của hầu hết người dân trên thế giới bị đảo lộn khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Không chỉ cướp đi sinh mạng của hàng triệu người, COVID-19 còn tàn phá nghiêm trọng nền kinh tế, làm chao đảo đời sống xã hội toàn cầu. Là thách thức nghiêm trọng, song đại dịch cũng mở ra cơ hội để hệ thống y tế thế giới kịp thời phát hiện những "lỗ hổng" cần được khắc phục kịp thời.

Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn là nỗi lo thường trực trên toàn cầu. Thời gian qua, thế giới luôn ở trong tình trạng dịch này chưa qua, dịch khác đã tới. Chỉ trong năm 2024, hơn 200 đợt bùng phát dịch bệnh được ghi nhận tại châu Phi. Kể từ cuối năm 2024 đến nay, dịch cúm mùa diễn biến phức tạp tại nhiều nước từ châu Á đến châu Âu, châu Mỹ, với số ca nhiễm và tử vong gia tăng nhanh chóng. Trong khi đó, WHO vẫn duy trì tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu đối với bệnh đậu mùa khỉ, khi số ca mắc tiếp tục tăng và không ngừng lan rộng.

Giới chuyên gia nhận định, sau COVID-19, không loại trừ khả năng thế giới sẽ phải đối mặt với những đại dịch khác, nhất là khi điều kiện bùng phát như ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, thiên tai, xung đột xuất hiện ngày càng nhiều.

 

Sớm thu hẹp khoảng cách

Có thể khẳng định, những bài học từ cuộc chiến chống COVID-19 trở thành động lực giúp các quốc gia và tổ chức quốc tế kiến tạo nên thành quả đáng ghi nhận trong công tác phòng, chống dịch bệnh thời gian qua. Đó là những thành quả về sản xuất và chia sẻ vắc-xin. Tuy nhiên, COVID-19 cũng phơi bày rõ nét tình trạng bất bình đẳng nghiêm trọng giữa các quốc gia trong tiếp cận thuốc men và dịch vụ y tế. Theo đó, tại nhiều nước giàu, nơi đặt trụ sở của hầu hết công ty dược phẩm lớn, xảy ra tình trạng dư thừa vắc-xin, trong khi các nước nghèo chỉ có thể tiếp cận nhỏ giọt.

Để thu hẹp khoảng cách này, Liên minh toàn cầu về vắc-xin và tiêm chủng (GAVI) đã công bố Chương trình tăng tốc sản xuất vắc-xin châu Phi trị giá 1,2 tỷ USD. Chương trình nhằm hỗ trợ chuyển giao công nghệ, giảm bớt rào cản pháp lý, qua đó đẩy nhanh sản xuất vắcxin ở châu Phi, góp phần thực hiện mục tiêu do Liên minh châu Phi (AU) đề ra là vào năm 2040 tự sản xuất ít nhất 60% lượng vắc-xin mà châu lục này cần.

Bên cạnh đó, các nước và tổ chức quốc tế cũng không ngừng nỗ lực củng cố hệ thống y tế, nghiên cứu phát triển vắc-xin thế hệ mới và xây dựng kế hoạch ứng phó các cú sốc về y tế. Bên cạnh những thành quả đạt được, nhiều mục tiêu còn dang dở, trong đó phải kể đến tiến trình đàm phán hiệp ước toàn cầu về đại dịch. Được khởi động đàm phán từ tháng 12-2021, hiệp ước được kỳ vọng sẽ lấp các lỗ hổng trong hệ thống y tế thế giới, ngăn chặn tái diễn tình trạng bất bình đẳng trong tiếp cận vắc-xin và phương pháp điều trị, đồng thời giúp các nước sẵn sàng phòng ngừa, ứng phó các đại dịch trong tương lai.

Tuy nhiên, do những bất đồng liên quan việc chia sẻ vắc-xin, phương pháp xét nghiệm và điều trị, nỗ lực đưa hiệp ước sớm cán đích liên tục bị cản trở. Tuy nhiên, khó khăn lại càng chồng chất với hiệp ước toàn cầu về đại dịch bởi sự chia rẽ giữa các quốc gia. Chỉ vài giờ sau lễ nhậm chức ngày 20-1, Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh rút nước này khỏi WHO. Không chỉ Mỹ, ngày 5-2, người phát ngôn Phủ Tổng thống Argentina Manuel Adorni tuyên bố nước này sẽ rút khỏi WHO. Theo ông Lawrence Gostin, Giáo sư về y tế toàn cầu của Đại học Georgetown, kế hoạch kể trên của Mỹ và một số quốc gia sẽ là "thảm họa" đối với ngành y tế toàn cầu. Vì kế hoạch này, WHO sẽ trải qua nhiều năm khó khăn trong ứng phó với tình trạng khẩn cấp về y tế và sẽ phải giảm đáng kể số nhân viên nghiên cứu khoa học.

Nhiều nhà quan sát nhận định, giai đoạn khủng hoảng nhất của COVID-19 đã trôi qua, để lại nhiều đau thương, mất mát, song cũng mang đến những bài học quý giá. Bài học về đoàn kết cùng nhau vượt qua thách thức, củng cố hệ thống y tế toàn cầu, luôn sẵn sàng ứng phó những trường hợp y tế khẩn cấp… chính là hành trang để thế giới trở nên ngày càng mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, để củng cố được sức mạnh của hệ thống y tế toàn cầu, khoảng cách giữa các quốc gia cần sớm được thu hẹp nhằm mục tiêu hoàn thành tiến trình đàm phán hiệp ước toàn cầu về đại dịch sớm nhất có thể.

BÌNH LUẬN (0)
Bạn cần đăng nhập để gửi bình luận Đăng nhập