Cuộc đua tài sản kỹ thuật số toàn cầu
(HPĐT)- Chính quyền Mỹ mới công bố việc triển khai kế hoạch dự trữ chiến lược tiền điện tử. Đây là động thái sẽ kích hoạt cuộc chạy đua về tiền điện tử, khiến trật tự kinh tế toàn cầu có thể bị định hình lại.
Sự thay đổi của nền kinh tế số 1 thế giới
Mới đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố kế hoạch đưa 5 loại tiền điện tử gồm Bitcoin (BTC), Ethereum (ETH), Ripple (XRP), Solana (SOL) và Cardano (ADA) vào Quỹ dự trữ chiến lược mới của Chính phủ Mỹ. Đồng thời, Tổng thống Donald Trump xác nhận rằng sắc lệnh hành pháp về tài sản kỹ thuật số ban hành vào tháng 1 sẽ tạo cơ sở pháp lý cho việc thành lập kho dự trữ này.
Theo tỷ phú David Sacks, người được gọi là "ông hoàng tiền điện tử" của Nhà Trắng, quỹ dự trữ mới được thành lập sẽ được cấp vốn bằng số Bitcoin thuộc sở hữu của chính phủ liên bang, vốn bị tịch thu trong các vụ án hình sự hoặc dân sự. Ông David Sacks ước tính Chính phủ Mỹ hiện đang sở hữu khoảng 200.000 Bitcoin.
Trong cuộc phỏng vấn ngay sau công bố của Tổng thống Trump, ông Erwin Voloder, Trưởng phòng Chính sách của Hiệp hội Blockchain Châu Âu cho biết, nếu Mỹ mua thêm tiền điện tử ngoài các tài sản bị tịch thu từ cơ quan thực thi pháp luật, họ sẽ phải vượt qua nhiều rào cản của Quốc hội và sự giám sát của công chúng. Bên cạnh đó là không ít lo ngại, trước hết là những thách thức trong bảo đảm an ninh mạng, bởi bảo vệ tiền điện tử sẽ không giống với vàng hay tiền mặt. Tăng cường dự trữ khuyến khích khai thác tiền điện tử, dẫn tới thách thức về năng lượng.
Tuy còn những lo ngại, nhưng kế hoạch này làm nổi bật sự thay đổi cơ bản hơn, mang tính định hình kỷ nguyên. Điều này có nguyên nhân từ ba xu hướng đe dọa đánh bật sự thống trị của đồng USD trong 2 thập kỷ qua. Thứ nhất, sự trỗi dậy của các nền kinh tế mới nổi như Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi và các nước khác (BRICS+) đang tạo ra hệ thống toàn cầu đa cực hơn. Điều này đang thách thức vị thế siêu cường của Mỹ và định hình lại bối cảnh địa chính trị. Thứ hai, sự phi tập trung của hệ thống tài chính và sự gia tăng của tiền điện tử. Bên cạnh đó là việc các chính phủ trao cho các tác nhân tư nhân như các nhà cung cấp tiền điện tử và sàn giao dịch quyền kiểm soát đáng kể nhằm đạt được các mục tiêu chính sách công thông qua sử dụng các công cụ và dịch vụ tài chính do các tác nhân này cung cấp. Đây là thay đổi lớn so với trật tự cũ, nơi chính phủ có thẩm quyền trực tiếp hơn.
Cuộc đua được kích hoạt
Có thể nói, kế hoạch của Tổng thống Trump được xem là bước tiến quan trọng của Mỹ trong việc công nhận và thúc đẩy sự phát triển của tài sản kỹ thuật số. Các chuyên gia tài chính nhận định, kế hoạch này được thực hiện sẽ không chỉ tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển các loại tiền điện tử mà còn mở rộng sự chấp nhận tài sản kỹ thuật số trong hệ thống tài chính truyền thống. Điều này giúp Mỹ tiếp tục duy trì vị thế dẫn đầu trong cuộc đua công nghệ blockchain và tài sản kỹ thuật số toàn cầu.
Đã có các quốc gia gồm: Nhật Bản, Nga, Trung Quốc, Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), El Salvador… đang tích lũy Bitcoin trước khi Mỹ công bố kế hoạch trên. Ngày càng nhiều nước có quan điểm cởi mở hơn với tiền kỹ thuật số. Cập nhật mới nhất cho thấy Bitget, một trong những sàn giao dịch tiền mã hóa hàng đầu thế giới, đã được nhận giấy phép Nhà cung cấp Dịch vụ Tài sản Ảo (VASP) tại Bulgaria. Trước đó, có Ba Lan, Italy, Lithuania, Anh đã cấp phép hoạt động cho Bitget. Tại Đông Nam Á, theo CEO của Bitget Gracy Chen, Singapore là một trong những nước đi đầu về quản lý tiền kỹ thuật số. Cơ quan tiền tệ Singapore (MAS) đã ban hành các quy định rõ ràng về việc cấp phép và quản lý các sàn giao dịch tiền kỹ thuật số.
Nếu Mỹ, một cường quốc kinh tế hàng đầu khác (như Trung Quốc, Nhật Bản, Nga), hay một loạt các nền kinh tế mới nổi trở thành người nắm giữ khối Bitcoin hoặc các loại tiền điện tử lớn khác, điều này có thể gây ra sự xuất hiện của một "cuộc chạy đua vũ trang" tiền điện tử trên quy mô toàn cầu. Cộng đồng quốc tế sẽ chứng kiến hết quốc gia này đến quốc gia khác vội vã tăng cường dự trữ tiền điện tử.
Theo các nhà quan sát và chuyên gia kinh tế, việc thành lập các kho dự trữ và triển khai loạt chính sách thân thiện với tiền điện tử cho thấy chính quyền Mỹ muốn thể hiện sự chủ động trong việc dẫn dắt xu hướng công nghệ tài chính cũng như định hình tương lai của tiền điện tử trên toàn cầu. Động thái này là hợp lý trong bối cảnh ngày càng có nhiều quốc gia thử nghiệm tiền kỹ thuật số và những loại tiền điện tử hiện hành có thể sẽ đóng vai trò quan trọng trong hệ thống tài chính quốc tế.