Tạo dựng môi trường học đường an toàn, thân thiện

03:58 CH 28/03/2025

(HPĐT)- Trong tháng 3-2025, nhiều trường học trên địa bàn tổ chức các chuyên đề hoặc tích hợp hoạt động truyền thông trong các chương trình sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt tập thể về sức khỏe tâm thần (SKTT) cho học sinh. Qua đó, thể hiện sự chăm lo của các cơ sở giáo dục về sức khỏe tinh thần, bên cạnh việc truyền thụ kiến thức văn hóa và chăm sóc sức khỏe thể chất...

 

Học sinh Trường THCS Đà Nẵng (quận Ngô Quyền) được tư vấn về chăm sóc sức khỏe tâm thần.

 

Đối diện nhiều nguy cơ Là học sinh cuối cấp, với N.V.P, lớp 9A, Trường THCS Đà Nẵng (quận Ngô Quyền), nỗi lo lớn nhất hiện nay là không đỗ vào lớp 10 trường THPT công lập. Phương cho biết, chính từ sự quan tâm, nhắc nhở hằng ngày của bố mẹ, thầy cô và mục tiêu chính bản thân đặt ra đối với chuyện học hành. Kết quả kỳ thi khảo sát đạt điểm cao thì nỗi lo vơi bớt, nhưng nếu không duy trì được thành tích thì nỗi lo thường trực, thậm chí, khi nằm ngủ cũng mơ đang làm bài thi. “Em chỉ mong sớm qua thời gian này để đỡ phải thấp thỏm, được nghỉ xả hơi” – P. bày tỏ. 

Với C. K, học sinh lớp 10 Trường THPT Lê Hồng Phong, căng thẳng đến từ sự bất đồng giữa em với mẹ chung quanh việc học IELTS. Khánh cho biết, bản thân không có năng khiếu và không thích học tiếng Anh nhưng mẹ em yêu cầu học để sau này còn lấy chứng chỉ xét tuyển đại học. Quan điểm của hai mẹ con không thống nhất nên không khí gia đình nặng nề. Mẹ em luôn càu nhàu là lười học, không biết lập kế hoạch cho tương lai. Không khí ngột ngạt khiến nhiều khi em không muốn về nhà và càng tránh gặp mẹ càng tốt... Còn với L.H.L, học sinh một trường THPT trên địa bàn quận Hải An, ước mơ học nấu ăn lại trở thành câu chuyện mẹ đem ra bêu riếu mỗi khi bực bội. Từ nhỏ, tính L khá nhút nhát nên thường bị bạn bè trêu gọi là “chị L”. Vì vậy, mẹ đang hướng em học Đại học Bách khoa để được hòa trong môi trường nhiều nam giới, cải thiện tính cách trong khi L tự thấy không hợp với định hướng này. Nỗi niềm không thể chia sẻ khiến em càng thêm khép kín và buồn bã. Là chuyên gia tâm lý, khi đề cập đến vấn đề này, bà Nguyễn Thị Quỳnh Phương, Trưởng Khoa tâm lý giáo dục (Trường đại học Hải Phòng) cảnh báo, không được xem thường những căng thẳng về tâm lý của các em học sinh, nhất là giai đoạn cuối của kỳ thi vì những bất ổn về tâm lý có thể khiến các em cáu gắt, nổi loạn, khép kín, không muốn chia sẻ, thậm chí có em còn có hành vi tiêu cực, tự huỷ hoại bản thân, để lại tổn thương về tinh thần và thể chất không thể cứu vãn.

Đồng hành cùng học sinh 

Theo cô Nguyễn Thị Phương Thu, giáo viên Trường THCS Đà Nẵng (quận Ngô Quyền), với mỗi cấp bậc học, các em lại có những lo lắng, áp lực khác nhau. Nhất là với học sinh cuối cấp thì những căng thẳng về tâm lý lại càng lớn bởi áp lực kỳ thi. Nếu không được phát hiện sớm có thể để lại những hậu quả tai hại. Do vậy, theo cô Thu, quan trọng nhất vẫn là sự quan tâm, gần gũi của thầy cô để sớm nhận biết các biểu hiện tiêu cực, tâm tư của học sinh. Từ đó, tăng cường phối hợp với cha mẹ học sinh, kịp thời giải toả và hỗ trợ các em vượt qua căng thẳng đó. Đồng quan điểm, cô Bùi Thị Dung, giáo viên Trường THPT Kiến Thụy cho rằng, gia đình cùng giáo viên tạo dựng được niềm tin để các em có thể chia sẻ. Trút được tâm sự cũng là cách giúp các em giải tỏa stress, giáo viên cũng kịp thời nắm tình hình để có thể phối hợp cùng nhà trường, gia đình hỗ trợ kịp thời. 

Có nhiều năm kinh nghiệm về chăm sóc SKTT, theo Tiến sĩ Đàm Đức Thắng, Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần Hải Phòng, học sinh hiện phải đối mặt với nhiều tác nhân gây căng thẳng khác nhau liên quan đến học tập (áp lực thi cử, học nhiều, phải đỗ đại học); mối quan hệ với các thành viên trong gia đình, bạn bè; những thay đổi về tâm sinh lý... Bác sĩ Thắng dẫn chứng, tại Việt Nam, tỷ lệ stress ở học sinh là 33,8%. Một nghiên cứu tại Bệnh viện Nhi Trung ương đối với lứa tuổi 10-19: 55,6% số trẻ có sang chấn tâm lý (áp lực học tập, áp lực gia đình, quan hệ bạn bè trong trường)... Bác sĩ Thắng cho biết, tại Hải Phòng, số học sinh tìm đến cơ sở y tế có chiều hướng tăng. Điều đáng ngại là nhiều trường hợp khi tìm đến bệnh viện thì đã có biểu hiện nặng phải chữa trị bằng thuốc. Do vậy, phát hiện sớm, dũng cảm đối mặt để được các chuyên gia y khoa, tâm lý tư vấn hỗ trợ, chữa trị là cách tốt nhất giúp các em có được sức khỏe tinh thần ổn định. 

Xác định được tầm quan trọng của công tác chăm sóc SKTT cho học sinh, Phó giám đốc Sở GDĐT Phạm Quốc Hiệu cho biết: Sở chỉ đạo các nhà trường tuyên truyền, nâng cao nhận thức, năng lực cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên y tế trường học, giáo viên phụ trách công tác xã hội, tư vấn tâm lý về giáo dục SKTT và công tác chăm sóc, giáo dục đối với học sinh rối loạn SKTT; tích hợp nội dung này trong các môn học và các hoạt động ngoại khóa. Sở cũng yêu cầu các trường nâng cao hiệu quả hoạt động các phòng tư vấn tâm lý học đường; tích cực phối hợp gia đình trong chăm sóc SKTT học sinh. Ngoài ra, các nhà trường tăng cường phối hợp các tổ chức, cơ quan liên quan đánh giá sức khỏe định kỳ, sàng lọc để phát hiện sớm các vấn đề SKTT và dự phòng các yếu tố nguy cơ của rối loạn SKTT học sinh kịp thời. 
 

BÌNH LUẬN (0)
Bạn cần đăng nhập để gửi bình luận Đăng nhập