Không "độ" xe để bảo đảm an toàn giao thông
(HPĐT)- Để thỏa mãn nhu cầu cá nhân, không ít người, nhất là thanh niên can thiệp vào cấu trúc xe mô-tô, với kỳ vọng tăng hiệu năng. Những hành vi thay đổi ngoại hình, màu sắc, thậm chí can thiệp cả vào thiết kế động cơ, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông...
Lách luật để "độ" xe
Những chiếc xe mô-tô được “độ” xuất hiện ngày càng nhiều trên đường, nhưng không chỉ dán tem mác phụ điểm xuyết trên thân vỏ, mà nhiều xe còn “biến dạng” sau khi được chủ phương tiện can thiệp. Anh Trần Thanh Nam, chủ xưởng sửa chữa mô-tô Nam Phong (quận Hải An) cho biết: "Độ" mô-tô phổ biến nhất là thay đổi ngoại hình thông qua dán lại đề-can tem mác, sơn lại các họa tiết trên vỏ xe. Nhiều mô-tô dù chỉ là xe dân dụng thông thường nhưng sau khi độ vỏ, gia cố thêm các phần nhựa để dựng khung dáng, lắp thêm cánh gió, đèn led và dán tem mác đã "lột xác" thành những mẫu xe đua phân khối lớn của các hãng Honda CBR, R15. Tuy nhiên, việc tự thay đổi tem mác, màu xe này dẫn tới nguy cơ khó xác minh nguồn gốc phương tiện trong trường hợp có vi phạm giao thông. Bởi vậy, theo quy định, khi thay đổi màu xe, chủ phương tiện bắt buộc phải đăng ký và được cơ quan chức năng chấp thuận trước khi đưa phương tiện vào lưu thông trở lại.
Một loại hình "độ" xe khác đắt và ít phổ biến hơn đó là tinh chỉnh hệ thống điều khiển, trong đó, chủ yếu là điều chỉnh hệ thống phanh và giảm xóc. Thay các loại phanh cối, phuộc giảm sóc thông thường của nhà sản xuất bằng nhà sản xuất bên thứ ba với mong muốn di chuyển ở tốc độ cao. Ngoài ra, nhiều người còn nâng cấp hệ thống tay ga điện tử để phản hồi nhanh hơn, mong mang lại cảm giác lái chính xác hơn. Không dừng lại ở việc "độ" ngoại hình, một số người còn yêu cầu thợ sửa chữa thay đổi lọc gió, tinh chỉnh ECU nhằm tăng công suất động cơ. Một số người thậm chí còn "doa nòng", thay piston để nâng cấp dung tích xy-lanh, biến những chiếc xe dung tích xi lanh dưới 49 cm3 thành xe dung tích xi lanh trên 70 cm3, nhưng vẫn đeo biển số xe dưới 50 cm3 (không cần giấy phép lái xe). Đây là hành vi nguy hiểm, bị pháp luật nghiêm cấm.
Ngoại trừ cấm nâng cấp xi lanh, cấm thay đổi màu sơn, hiện chưa có những quy định pháp luật cụ thể về kiểm định chất lượng xe mô- tô sau đăng ký. Vì sơ hở này, nhiều chủ xe lách luật, cố tình thay đổi, ảnh hưởng đến thông số ban đầu của xe. Tuy nhiên, để xác định sự thay đổi liên quan đến thay đổi tổng thành của xe cũng rất khó khăn vì thiếu cơ sở và thiết bị xác định, chỉ quan sát bằng mắt thường.
Xử lý nghiêm từ gốc
Có thể thấy, việc "độ" xe kéo theo nhiều hệ luỵ ảnh hưởng tới tình hình trật tự an toàn giao thông. Phổ biến nhất chính là tình trạng các thanh thiếu niên sử dụng những chiếc xe chế, độ làm phương tiện lạng lách, đánh võng trên đường, làm mất an toàn giao thông, gây nguy hiểm cho những người cùng tham gia giao thông. Từ đầu năm đến nay, các tổ công tác của lực lượng Cảnh sát giao thông, Cảnh sát cơ động (Công an thành phố) xử lý hơn 100 thanh, thiếu niên vi phạm trật tự an toàn giao thông vào ban đêm, tập trung chủ yếu vào các địa bàn có những tuyến đường vắng như Bùi Viện (quận Hải An), Phạm Văn Đồng (quận Dương Kinh), Đỗ Mười (thành phố Thủy Nguyên)... Trong đó nhiều người điều khiển các loại mô-tô đã được độ, chế, không bảo đảm an toàn.
Trung tá Hoàng Tuấn Anh, Phó đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 4, Phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố) cho biết: bên cạnh tuần tra xử lý vi phạm, lực lượng Cảnh sát giao thông phối hợp công an các phường, xã đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền các chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ sửa chữa xe trên địa bàn cam kết không "độ" xe, chế xe. Theo đó, các tổ công tác sẽ trực tiếp đến từng hộ kinh doanh dịch vụ sửa chữa xe để tuyên truyền vận động chủ cơ sở, thợ kỹ thuật cam kết không cải tạo, thay đổi kích thước thành, thùng xe; không thay đổi khung, máy, hình dáng, kích thước, đặc tính của phương tiện; không thay đổi màu sơn, nhãn hiệu của phương tiện không đúng với Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện; không sản xuất, lắp ráp trái phép phương tiện. Đây được coi là biện pháp giúp ngăn chặn từ gốc đối với hoạt động đua xe, lạng lách đánh võng bằng mô-tô, xe gắn máy.