Hiệu quả từ “rạp” chiếu phim lưu động
(HPĐT)- Từ đầu năm 2025 đến nay, hoạt động chiếu phim lưu động trên địa bàn thành phố phát huy hiệu quả tích cực. Không chỉ góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, mà với nhiều người dân ở ngoại thành, hải đảo xa xôi, mỗi rạp chiếu bóng “cây nhà lá vườn” mang đến trải nghiệm thú vị, bổ ích...
Phim ra đảo xa, về vùng quê
Tối 23-3, sân khấu ngoài trời của Trung tâm Văn hóa huyện Bạch Long Vĩ chật kín người dân, cán bộ, chiến sĩ các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn đến thưởng thức bộ phim “Đào, phở, piano” do Trung tâm Văn hóa, điện ảnh và triển lãm thành phố (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) thực hiện. Phim xoay quanh câu chuyện của những người Hà Nội cuối cùng ở lại Thủ đô chiến đấu trong cuộc chiến 63 ngày đêm hồi cuối năm 1946, đầu năm 1947, với tinh thần chiến đấu bất khuất và sự lãng mạn của người Hà Nội. Thiếu tá Nguyễn Văn Công, Chính trị viên Đại đội Bộ binh, Tiểu đoàn Phòng thủ đảo Bạch Long Vĩ (Ban Chỉ huy Quân sự huyện Bạch Long Vĩ) cho biết: "Được xem những bộ phim điện ảnh về cách mạng Việt Nam, chúng tôi cảm nhận rõ nét hơn không khí sôi động của cả nước và thành phố trong những ngày kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và 70 năm giải phóng Hải Phòng, qua đó quyết tâm sức thi đua, đóng góp sức mình xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh…”.
Trước đó, tối 18-3, tại Nhà văn hóa thôn An Thạch, xã Kiến Thiết (huyện Tiên Lãng), Trung tâm Văn hóa, điện ảnh và triển lãm thành phố tổ chức chiếu phim lưu động phục vụ các cháu thiếu nhi tại địa phương. Đưa cháu đến thưởng thức phim, ông Đoàn Tá Lanh, người dân xã Kiến Thiết bộc bạch, bản thân ông lâu lắm rồi không đi xem phim chiếu rạp. Khi được thông báo về lịch chiếu phim, cả gia đình bố trí công việc, ăn cơm tối thật sớm, rồi cùng nhau tới nhà văn hóa xem phim. Nhiều người dân trong thôn cũng tập trung từ sớm, trò chuyện, bàn tán rôm rả, tiếng nói, cười vang cả một góc sân khiến ông Lanh nhớ lại ký ức những ngày háo hức đi xem chiếu bóng khi còn nhỏ. Ông ấn tượng với bộ phim “Những người viết huyền thoại”, xoay quanh câu chuyện lắp đặt đường ống dẫn dầu dài 5 nghìn km xuyên Trường Sơn trong những năm tháng khốc liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ (1968-1969). Còn cháu ông và các bạn phấn khích và vui vẻ khi được xem phim hoạt hình “Chú mèo đi hia”.
Hoạt động thiết thực, ý nghĩa
Những năm qua, hoạt động chiếu phim lưu động của Trung tâm Văn hóa, điện ảnh và triển lãm thành phố (trước đây là Trung tâm Thông tin, Triển lãm và Điện ảnh) góp phần thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến nhân dân, nhất là người dân tại các vùng ngoại thành, hải đảo trên địa bàn thành phố. Bên cạnh đó, các chương trình chiếu phim lưu động trở thành một nét sinh hoạt văn hóa ở khu vực nông thôn, ngoại thành.
Anh Lê Văn Nam, cán bộ Phòng nghiệp vụ Điện ảnh (Trung tâm Văn hóa, điện ảnh và triển lãm thành phố) thông tin, mặc dù đời sống vật chất ở làng quê ngày nay phát triển hơn, nhưng ở nhiều miền quê xa như xã đảo Việt Hải (huyện Cát Hải), các xã ven biển của các huyện Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, người dân, cán bộ, chiến sĩ, nhất là trẻ em còn ít có điều kiện được xem các chương trình biểu diễn trực tiếp, phim chiếu rạp. Các đội chiếu phim lưu động không quản ngại khó khăn, đưa phim về vùng khó bảo đảm chất lượng. “Trước đây, phim chủ yếu là phim nhựa 35 ly nên các thiết bị sử dụng phục vụ chiếu phim lưu động rất cồng kềnh. Một đội chiếu phim cần ít nhất 6 đến 7 người. Đến nay, việc chiếu phim sử dụng máy tính kết hợp máy chiếu công nghệ cao, thiết bị giản tiện, gọn nhẹ rất nhiều, nên mỗi đội chiếu phim chỉ cần 3 đến 4 người. Việc lắp đặt các trang thiết bị cũng nhẹ nhàng, đơn giản, đỡ vất vả hơn. Mỗi lần đưa phim về cơ sở, nhìn những người dân chăm chú xem, những tràng cười thoải mái của thiếu nhi thưởng thức phim hoạt hình… chúng tôi cũng vơi bớt nhiều mỏi mệt”, anh Lê Văn Nam bày tỏ.
Theo Phó giám đốc Trung tâm Văn hóa, điện ảnh và triển lãm thành phố Lê Văn Lương, ngoài thực hiện các đợt chiếu phim vào các ngày lễ, kỷ niệm sự kiện lịch sử lớn của thành phố, đất nước, chú trọng đưa các sản phẩm điện ảnh tới người xem ở các địa phương ngoại thành, vùng sâu, vùng xa, hải đảo. Năm 2025, Trung tâm dự kiến thực hiện phục vụ người dân ở các huyện với đề tài đa dạng, phong phú như: đề tài về chiến tranh, cách mạng; chủ đề học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; những gương điển hình về người tốt, việc tốt, làm kinh tế giỏi; phim tuyên truyền về phòng, chống các loại dịch bệnh, xây dựng nông thôn mới… Những đề tài này mang tính tuyên truyền, giáo dục cao, được lồng ghép trong chương trình chiếu các bộ phim mang tính nghệ thuật, có giá trị nhân văn sâu sắc, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của nhân dân trên địa bàn thành phố.