“Em Liên” thanh xuân mãi mãi
Cơ duyên hiếm có trong đời đã đưa cô gái 17 tuổi gặp được nghệ sĩ tài danh và một tác phẩm xuất sắc ra đời. Để rồi hơn nửa thế kỷ qua, “Em Liên” của Huỳnh Văn Gấm vẫn luôn nằm trong số những bức chân dung thiếu nữ nổi tiếng mà hội họa Việt Nam có được.
Ở tuổi 80, họa sĩ Nguyễn Phương Liên vẫn nhớ như in về ngày hè năm 1962, cô gái 17 tuổi vừa tốt nghiệp phổ thông trung học thơ thẩn đến cơ quan mẹ chơi. Trong bối cảnh thư thái đó, “em Liên” vô tình chạm mắt họa sĩ Huỳnh Văn Gấm, lúc đấy đang phụ trách phần mỹ thuật - hình ảnh của Nhà xuất bản (NXB) Văn hóa. Trò chuyện, làm quen, ngỏ lời vẽ, rồi sau hai ngày ngồi mẫu, bức chân dung “em Liên” ra đời. “Em Liên” vốn dĩ ban đầu được thể hiện bằng chất liệu sơn dầu, sau họa sĩ mới tự làm tiếp phiên bản sơn mài và đây chính là tác phẩm được lưu giữ, trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam… Em Liên trong tranh là hiện thân của tuổi trẻ, của những e ấp chộn rộn lẩn quất trong dáng vẻ “thanh xuân rực rỡ” của một cô gái đang bước vào đời…
Họa sĩ Huỳnh Văn Gấm sinh năm 1922 tại Tân An (Long An), từng theo học Trường Mỹ thuật Đông Dương nhưng ông bỏ dở để tham gia hoạt động Cách mạng. Ông cũng chính là một trong những đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên - năm 1946 - của nước Việt Nam độc lập. Trong những năm chống thực dân Pháp, ông hoạt động ở Nam bộ như một nghệ sĩ - chiến sĩ, dùng chính tài năng hội họa của mình để tham gia vào cuộc trường kỳ kháng chiến thần thánh của dân tộc. Sau năm 1954, Huỳnh Văn Gấm tập kết ra Hà Nội và vẫn tiếp tục phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân bằng lý tưởng trước sau như nhất: “Nghệ thuật phục vụ đại chúng, phục vụ cách mạng”.
Dù là để “tuyên truyền” nhưng hội họa của Huỳnh Văn Gấm vẫn là thành quả của một tài năng vừa được trời phú vừa tự rèn giũa học tập nghiêm cẩn. Số lượng tác phẩm để lại không nhiều, nhưng hầu hết đều mẫu mực. Ông làm chủ bố cục. Trong cả những tác phẩm xuất hiện nhiều người thì các nhân vật đều được chăm chút như nhau, tạo điểm nhấn thu hút thị giác. Ở miền Bắc, ông cũng chịu khó đi thực tế, thẩm thấu cuộc sống lao động sản xuất của quân dân miền Bắc đúng với quan điểm của ông: Nghệ thuật không thể đứng trên cuộc sống. Những đóng góp của họa sĩ Huỳnh Văn Gấm cho nghệ thuật và đất nước đã được ghi nhận xứng đáng, trong đó có Giải thưởng Hồ Chí Minh danh giá…
Sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975, họa sĩ Huỳnh Văn Gấm lại quay về phương Nam, sống và làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh cho tới khi qua đời (năm 1987) với nhiều hoài bão và đam mê sáng tác vẫn âm ỉ trong lòng.