Kinh tế xanh- hướng phát triển bền vững đảo Bạch Long Vĩ
(HPĐT)- Huyện Bạch Long Vĩ là một trong những đảo tiền tiêu trên vịnh Bắc bộ. Vùng biển nơi đây có mức độ đa dạng sinh học cao, hệ sinh thái rạn san hô phong phú và nhiều loài động thực vật quý hiếm. Đến nay thống kê được 94 loài san hô, 65 loài rong và 1 loài cỏ biển; động vật đáy 125 loài. Trong số này nhiều loài có giá trị kinh tế quan trọng như bào ngư, thực vật phù du với 227 loài; động vật phù du 110 loài; cá biển 451 loài, trong đó có 58 loài cá san hô.
Đảo Bạch Long Vĩ tuy nhỏ (diện tích khoảng 1,78 km2), nhưng lại có nhiều tiềm năng lớn về chế biến, dịch vụ hậu cần nghề cá, bảo tồn biển và phát triển nuôi trồng hải sản, du lịch, hàng hải, cứu hộ, cứu nạn... Việc phát triển kinh tế biển góp phần nâng cao thu nhập cho ngư dân. Tuy nhiên, hoạt động kinh tế tại Bạch Long Vĩ chủ yếu còn mang tính tự phát, chưa có tính liên kết bền vững, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái và suy giảm nhiều loài sinh cảnh biển, gây tác động đến nguồn sinh kế của cộng đồng ngư dân và môi trường biển. Trung bình mỗi năm có hàng nghìn tàu, thuyền vào neo đậu trong âu cảng và khu vực ven bờ. Hiện hầu hết tàu, thuyền thường xả rác và nước thải trực tiếp xuống lòng âu và ven bờ đảo, gây ô nhiễm môi trường. Hoạt động khai thác tài nguyên hiệu quả chưa cao, huyện chưa có đội tàu khai thác hải sản chuyên dụng; tiềm năng mặt nước để phục vụ phát triển nuôi trồng thủy sản chưa được phát huy.
Căn cứ vào định hướng phát triển của thành phố và tính ưu việt của mô hình kinh tế xanh được áp dụng cho các xã đảo thành công trong nước và trên thế giới, Viện Tài nguyên Môi trường biển (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) triển khai đề tài nghiên cứu xây dựng mô hình kinh tế xanh trên huyện đảo Bạch Long Vĩ. Đề tài tập trung giải quyết một số vấn đề chính là: Xác định hiện trạng các hoạt động dịch vụ kinh tế; đưa ra định hướng các hoạt động dịch vụ và xây dựng mô hình du lịch cụ thể theo định hướng kinh tế xanh có thể áp dụng từ nay đến năm 2030; đánh giá được sức tải du lịch để đưa ra quy mô theo từng giai đoạn 2025 - 2030. Nhóm nghiên cứu đánh giá điều kiện tự nhiên, nguồn nhân lực, vật lực để định hướng xây dựng huyện đảo trở thành trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá, trung tâm nuôi trồng thủy sản công nghệ cao. Mong rằng, từ kết quả nghiên cứu này, cơ quan quản lý có được cơ sở khoa học để lựa chọn được mô hình kinh tế áp dụng phù hợp với huyện đảo, góp phần xây dựng đảo Bạch Long Vĩ trở thành địa điểm du lịch, dịch vụ xanh, vừa vững về quốc phòng, vừa mạnh về kinh tế.