Bảo đảm quyền lợi của người lao động
(HPĐT)- Theo thống kê, toàn thành phố có khoảng hơn 380 trường mầm non ngoài công lập và cơ sở nhóm lớp độc lập tư thục. Qua rà soát của cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH), nhiều cơ sở mầm non ngoài công lập, các nhóm trẻ có sử dụng và giao kết hợp đồng lao động với người lao động nhưng chưa tham gia đóng BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Theo quy định của Luật BHXH 2014, người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 1 tháng trở lên thuộc đối tượng tham gia hợp đồng lao động bắt buộc và được người sử dụng lao động đóng BHXH bắt buộc. Song, do nhiều nguyên nhân, quyền lợi của nhiều giáo viên, bảo mẫu, người trông trẻ… đang bị “bỏ ngỏ”, ảnh hưởng đến việc thụ hưởng các chế độ của người lao động, nhất là ốm đau, thai sản…
Qua tìm hiểu, một số cơ sở nhóm trẻ đang thuê mặt bằng hoạt động, không có điều kiện tham gia BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động. Mặt khác, đội ngũ giáo viên, bảo mẫu, người trông trẻ thường xuyên biến động, thay đổi nên việc tham gia bảo hiểm chưa được đầy đủ và nghiêm túc. Để bảo đảm quyền lợi của người lao động, cơ quan BHXH tổ chức các cuộc làm việc với chủ nhóm trẻ, cơ sở mầm non ngoài công lập nhằm thông tin về chính sách BHXH, BHYT; quyền lợi, trách nhiệm của người sử dụng lao động và người lao động; đồng thời đề nghị các đơn vị cam kết, lập hồ sơ tham gia đóng BHXH, BHYT cho người lao động theo quy định.
Bên cạnh đó, với vai trò là cơ quan thường trực thực hiện Đề án “Hỗ trợ phát triển các nhóm trẻ độc lập tư thục tại khu vực khu công nghiệp, khu chế xuất”, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố tham mưu, đề xuất thành phố xây dựng chính sách hỗ trợ BHXH đối với lao động tại cơ sở mầm non độc lập tư thục trên địa bàn thành phố.