Gia tăng trường hợp người bệnh bị đột quỵ do thời tiết lạnh sâu

02:40 CH 05/02/2025

(HPĐT)- Theo ghi nhận của một số bệnh viện trên địa bàn thành phố, dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, nhiều trường hợp nhập viện do bị đột quỵ. Thời tiết lạnh sâu và thói quen ăn uống, sinh hoạt không lành mạnh là nguyên nhân chính dẫn tới gia tăng ca bệnh. Để phòng ngừa đột quỵ, người dân cần thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh; khi có biểu hiện đột quỵ cần đưa đến các cơ sở y tế chuyên khoa để khám và điều trị kịp thời.

 

Bác sĩ Khoa Đột quỵ (Bệnh viện hữu nghị Việt Tiệp) thăm khám cho người bệnh sau can thiệp mạch máu não.

 

Xuyên đêm cấp cứu người bệnh 

1 giờ sáng ngày 3-2, nữ người bệnh 51 tuổi, ở phường Ngọc Xuyên (quận Đồ Sơn) được tuyến dưới chuyển đến Bệnh viện hữu nghị Việt Tiệp trong tình trạng méo miệng, liệt nửa cơ thể. Người bệnh nhanh chóng được chụp cộng hưởng từ, làm các xét nghiệm cơ bản và chuyển lên Khoa Đột quỵ. Người bệnh được bác sĩ xác định đột quỵ não giờ thứ 2 do tắc huyết khối, chuyển can thiệp mạch bắc cầu, sau đó hút huyết khối, mạch tái thông tốt. Ngay sau ca cấp cứu người bệnh kể trên, kíp bác sĩ của Khoa Đột quỵ chạy đua với thời gian để cứu sống nam người bệnh 39 tuổi, tiền sử khỏe mạnh. Trước đó, chiều 2-2, người bệnh uống rượu, đến nửa đêm, gia đình phát hiện người bệnh ý thức chậm, liệt nửa người bên phải. Khi đưa tới bệnh viện, qua chụp chiếu cho thấy người bệnh suy gan, suy thận, nhịp chậm 45 lần/phút, bán tắc mạch máu não, được bác sĩ can thiệp lấy huyết khối, mạch tái thông tốt. 

Theo thông tin của các chuyên khoa điều trị đột quỵ của Bệnh viện hữu nghị Việt Tiệp, Bệnh viện đa khoa quốc tế Hải Phòng, Viện Y học biển, từ giữa tháng 1-2025 đến nay, số người mắc bệnh đột quỵ tăng khoảng 10% so với ngày thường. Có những ngày, mỗi đơn vị tiếp nhận, cấp cứu, can thiệp hoặc điều trị 15 trường hợp. Phần lớn là người cao tuổi, nhưng cũng không ít trường hợp từ 30-40 tuổi, thậm chí có thiếu niên 16, 17 tuổi. TS.BS Phùng Đức Lâm, Trưởng Khoa Đột quỵ (Bệnh viện hữu nghị Việt Tiệp) cho biết, thời tiết rét đậm, rét hại, sự chênh lệch nhiệt độ lớn giữa ngày và đêm có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ não, nhất là ở những người lớn tuổi hoặc có bệnh lý nền, như: cao huyết áp, tiểu đường, rối loạn mỡ máu hoặc bệnh tim mạch... Cụ thể, thời tiết lạnh khiến mạch máu của con người co lại để giữ ấm cơ thể, dẫn đến tăng huyết áp và giảm lưu lượng máu tới não, tăng nguy cơ đột quỵ, nhất là đột quỵ do thiếu máu não. Thời tiết lạnh cũng làm tăng độ nhớt của máu, dẫn đến hình thành cục máu đông, gây tắc nghẽn mạch máu não. Bên cạnh đó, thói quen di chuyển từ môi trường ấm sang môi trường lạnh hoặc ngược lại có thể khiến huyết áp dao động, gây nguy hiểm cho người có mạch máu yếu. Trời lạnh cũng buộc tim làm việc nhiều hơn để bơm máu giữ ấm, làm tăng áp lực lên hệ thống tim mạch.

Nhận biết và can thiệp kịp thời 

Thực tế những ngày qua, tại các bệnh viện ghi nhận nhiều trường hợp đột quỵ được gia đình đưa đến sớm hoặc cơ sở y tế tuyến dưới chuyển lên kịp thời (từ 3 đến 6 giờ kể từ khi khởi phát bệnh) được sử dụng thuốc tiêu sợi huyết, can thiệp mạch lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học hoặc điều trị bằng oxy cao áp. Tuy nhiên cũng không ít trường hợp người dân chưa hiểu biết nên đưa tới viện muộn, các biện pháp can thiệp ít phát huy tác dụng, người dân phải chịu các di chứng nặng nề, thậm chí tử vong. 

Để giảm số ca mắc bệnh đột quỵ, PGS.TS.BS Trần Thị Quỳnh Chi, Viện trưởng Viện Y học biển và TS.BS Phùng Đức Lâm, Khoa Đột quỵ (Bệnh viện hữu nghị Việt Tiệp) nhấn mạnh vai trò của việc đẩy mạnh truyền thông để người dân ngày càng có kiến thức về căn bệnh, nhất là các dấu hiệu đột quỵ thường xảy ra đột ngột và cần được nhận biết sớm để can thiệp kịp thời. “Chúng ta có thể sử dụng quy tắc FAST để nhận biết các dấu hiệu khởi phát của bệnh. Trong đó, F (Face - Mặt), chúng ta quan sát thấy một bên mặt người bệnh bị xệ xuống, người bệnh không thể cười đều hoặc miệng bị méo; A (Arms - Tay), một bên tay hoặc chân yếu hoặc không thể nâng lên, có cảm giác tê bì ở một bên cơ thể; S (Speech - Lời nói), người bệnh nói không rõ, nói lắp hoặc không thể nói được, khó hiểu lời nói của người khác; cuối cùng là T (Time - Thời gian), nếu người bệnh xuất hiện các dấu hiệu trên, người thân hoặc những người chung quanh cần gọi cấp cứu ngay lập tức, đưa người bệnh tới cơ sở y tế có chuyên khoa nhanh nhất bởi thời gian là yếu tố quyết định. Việc điều trị sớm trong vòng vài giờ đầu tiên có thể giảm thiểu tổn thương não và nguy cơ tử vong”, bác sĩ Lâm cho biết. Cũng theo bác sĩ Lâm, ngoài quy tắc FAST, các triệu chứng khác có thể bao gồm: đau đầu dữ dội không rõ nguyên nhân; chóng mặt, mất thăng bằng hoặc khó đi lại; mờ hoặc mất thị lực ở một hoặc cả hai mắt. 

Về phòng ngừa bệnh đột quỵ, các bác sĩ khuyến cáo người dân giữ ấm cơ thể khi trời rét bằng cách mặc đủ ấm, nhất là giữ ấm vùng đầu, cổ, chân, tay; theo dõi huyết áp thường xuyên, nhất là những người có tiền sử cao huyết áp hoặc bệnh tim mạch. Cùng với đó, duy trì chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh, tránh uống rượu bia, hút thuốc và các thực phẩm gây tăng mỡ máu; không nên tập thể dục ngoài trời quá lạnh và hạn chế ra ngoài khi thời tiết quá khắc nghiệt. Nếu có dấu hiệu đột quỵ như méo miệng, yếu chân tay, nói khó cần gọi cấp cứu ngay để được xử lý kịp thời. 

BÌNH LUẬN (0)
Bạn cần đăng nhập để gửi bình luận Đăng nhập