Tạo “nền nếp” chấp hành quy định giao thông

12:38 CH 18/01/2025

(HPĐT)- Những ngày đầu năm 2025, đề tài được dư luận quan tâm, bình luận, đưa ra nhiều ý kiến khác nhau chính là việc ban hành, triển khai thực hiện Nghị định 168 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Theo quy định mới, nhiều hành vi vi phạm có mức xử phạt tăng cao so với trước, có những lỗi tăng lên tới 50 lần.

 

Như hành vi mở cửa xe ô tô gây tai nạn giao thông sẽ bị phạt đến 22 triệu đồng, tăng từ 36-50 lần so với hiện nay. Đi ngược chiều, đi lùi quay đầu xe trên cao tốc bị xử phạt từ 30 đến 40 triệu đồng, tăng hơn gấp đôi so với mức cũ. Đặc biệt, với hành vi vượt đèn đỏ, người điều khiển xe máy có thể bị phạt từ 4-6 triệu đồng, người lái xe ô-tô có thể bị phạt mức cao nhất lên đến 20 triệu đồng; hay với hành vi điều khiển xe mô-tô, xe gắn máy đi trên vỉa hè cũng có mức phạt từ 4-6 triệu đồng… Dễ thấy, việc phạm những lỗi này trước hết do ý thức giao thông kém.

Theo thống kê của Bộ Công an, năm 2024, cả nước xảy ra hơn 21.500 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết gần 10.000 người, hơn 16.000 người bị thương. Tại Hải Phòng, xảy ra 516 vụ tai nạn giao thông, khiến 229 người tử vong và 380 người bị thương. Tuy có giảm phần nào, song những thiệt hại kinh tế, hệ lụy xã hội do tai nạn giao thông gây ra vẫn rất lớn. Trong số nguyên nhân, có tình trạng vi phạm an toàn giao thông, lỗi do ý thức chủ quan của người điều khiển phương tiện, người tham gia giao thông còn diễn ra phổ biến.

Vì vậy, việc ban hành Nghị định 168 nhằm mục tiêu lớn nhất là nâng cao ý thức tự giác chấp hành quy định của người tham gia giao thông, hạn chế vi phạm, từ đó giảm thiểu tai nạn. Song, việc tăng cao mức xử phạt đối với một số hành vi vi phạm cũng khiến nhiều người dân ngỡ ngàng, lo ngại trước thực tế hạ tầng giao thông còn nhiều hạn chế, bất cập, trong đó có hệ thống đèn tín hiệu giao thông. Nhưng dù còn những ý kiến trái chiều, rõ ràng khi mức xử phạt vi phạm tăng nặng hơn đã tạo chuyển biến mạnh mẽ trong ý thức người tham gia giao thông.

Trước ý kiến của người dân, đại diện Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) nêu rõ, lực lượng chức năng khi xem xét các yếu tố để xử lý vi phạm đều có sự xác minh cẩn trọng, nhiều chiều để bảo đảm thỏa đáng, minh bạch. Bên cạnh đó, thời gian tới, sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong tuần tra, kiểm soát, bảo đảm xử lý đúng người, đúng lỗi vi phạm, đồng thời ngăn chặn hành vi tiêu cực có thể phát sinh trong quá trình xử lý vi phạm. Người dân có quyền giải trình với cơ quan chức năng, nếu không thỏa mãn với quyết định xử phạt có thể khiếu nại, khởi kiện.

Việc ban hành Nghị định 168 không phải với mục đích xử phạt được nhiều hơn, mà nhằm hạn chế vi phạm giao thông, nhất là những lỗi từ ý thức chủ quan, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn, để mọi người đều “đi đến nơi, về đến chốn” an toàn. Về lâu dài, sẽ tạo “nền nếp” chấp hành các quy định về trật tự an toàn giao thông trong cộng đồng.

Cũng cần thẳng thắn nhìn nhận, hệ thống hạ tầng giao thông còn nhiều hạn chế, bất cập, làm tăng nguy cơ ùn tắc, gây khó khăn với người tham gia giao thông, nhất là vào giờ cao điểm tại những đô thị lớn. Bên cạnh người dân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật giao thông, việc đầu tư cải thiện hạ tầng, phân luồng hợp lý, rà soát, bổ sung hệ thống đèn tín hiệu, biển báo... rất quan trọng, cấp thiết, giúp người tham gia giao thông thuận lợi, bảo đảm an toàn.

BÌNH LUẬN (0)
Bạn cần đăng nhập để gửi bình luận Đăng nhập