Chấm dứt cảnh “coi đường là của nhà mình”

05:13 CH 10/04/2025

(HPĐT)- Đi trên một số tuyến phố tại Hải Phòng, nhất là các tuyến thuộc dải trung tâm thành phố, hiện không khó bắt gặp cảnh tượng người dân tự ý đặt ghế, khối bê tông hoặc cọc tiêu xuống lòng đường để ngăn không cho ô tô đỗ vào khu vực đó, cho dù không có biển cấm đỗ xe. Thậm chí có người còn tự ý kẻ vạch đoạn đường cho phép đỗ xe. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị mà còn gây bức xúc với nhiều lái xe ô tô. Không ít cuộc cãi vã, thậm chí còn “động tay chân” xảy ra cũng từ lý do này.

 

Trên nhiều trang mạng xã hội tại Hải Phòng hiện đang có 2 luồng ý kiến đối nghịch. Một phía, các chủ cửa hàng bức xúc về việc giá thuê nhà để kinh doanh đã cao, có chỗ đỗ xe để phục vụ khách hàng, nhưng lại bị các lái xe khác “chiếm chỗ”, khiến khách hàng bỏ đi vì không còn chỗ đỗ xe, dẫn đến buôn bán ế ẩm. Phía khác thì cho rằng vỉa hè, lòng đường là tài sản công cộng, không phải của riêng ai, không cấm thì đỗ. Một bên bị thiệt hại về kinh tế, một bên thực hiện đúng luật, nên tranh cãi vẫn không có hồi kết. Chính vì thế đã xảy ra những rắc rối liên quan đến việc đỗ xe. Có trường hợp chủ xe đỗ chặn cửa nhà người khác trên đường Lương Khánh Thiện bị chủ nhà gạch vẽ đầy thân xe, có trường hợp xe bị đâm xịt lốp, có cả những trường hợp bị đổ… nước mắm vào xe. Khi những vụ việc phá hoại xe bị cơ quan chức năng xử lý, một số người có “sáng kiến” đặt vật cản dưới lòng đường. Mạng xã hội ở Hải Phòng từng châm biếm về chuyện mang ghế ra đặt ở lòng đường để không cho người khác đỗ xe là “gia đình thương người đi bộ mệt mỏi, mang ghế để ở lòng đường giúp họ nghỉ chân”…

Trước tình trạng đặt vật cản lấn chiếm lòng đường để không cho ô tô đỗ, UBND thành phố có văn bản chỉ đạo chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan thu giữ vật cản, vận động tuyên truyền người dân chấp hành các quy định về bảo đảm hạ tầng giao thông và an toàn giao thông, nhưng chỉ sau thời gian tổ chức ra quân, đâu lại vào đó. Vật cản vẫn xuất hiện ở mặt đường, ảnh hưởng đến người tham gia giao thông. Tuy nhiên, khi các cơ quan chức năng xử lý thì không ai nhận là đã để vật cản xuống lòng đường, vì chế tài xử lý lỗi này rất nặng. Theo quy định pháp luật, nếu gây cản trở giao thông sẽ bị xử lý nghiêm theo Nghị định 168/2024/NĐ-CP; nếu đặt vật cản gây tai nạn giao thông, ngoài việc bị phạt tiền lên đến hàng trăm triệu đồng còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Lòng đường, vỉa hè không phải của cá nhân nào, nên không ai được coi như tài sản riêng và sử dụng trái phép, tự ý đặt vật cản, gây mất an toàn giao thông, gây bức xúc trong xã hội. Hải Phòng hiện có khoảng hơn 250.000 xe ô tô, nên nhu cầu về đỗ xe rất lớn. Bên cạnh các giải pháp khác, chính quyền các địa phương cần kiên quyết hơn, để vừa bảo đảm đường thông, hè thoáng, vừa bảo đảm an toàn giao thông. Điều cần thiết hiện nay là phải tăng cường công tác tuyên truyền để các hộ dân sống ở mặt đường thấy hết được trách nhiệm và tuân thủ các quy định của pháp luật. Mặt khác, lực lượng chức năng và chính quyền địa phương cần tổ chức điều tra, theo dõi, xử lý nghiêm tình trạng tự ý đặt vật cản xuống lòng đường để ngăn chặn. Trên thực tế, việc này hiện không quá khó. Dù các chủ điểm kinh doanh có thể bị ảnh hưởng, nhưng thực hiện đúng pháp luật là nghĩa vụ và trách nhiệm của mọi người dân.

BÌNH LUẬN (0)
Bạn cần đăng nhập để gửi bình luận Đăng nhập