Khánh thành công trình tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử quốc gia Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng

05:59 CH 09/08/2024

(HPĐT)- Sáng 9-8, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp tỉnh Thái Nguyên tổ chức chương trình khánh thành, bàn giao công trình tu bổ, tôn tạo di tích quốc gia địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng tại xã Tân Thái, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên.

 

Các đại biểu cắt băng khánh thành Di tích Quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng.

 

Dự chương trình về phía trung ương có các đồng chí Uỷ viên Trung ương Đảng: Nguyễn Thị Thanh, Phó chủ tịch Quốc hội; Lê Quốc Minh, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng biên tập báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam. Các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các ban, bộ, ngành cơ quan Trung ương. Cùng dự còn đại diện lãnh đạo các cơ quan báo chí trung ương và các địa phương.

Về phía tỉnh Thái Nguyên có đồng chí Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; đại diện các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương...

 

Các đại biểu dự chương trình

Phát biểu tại lễ khánh thành, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đánh giá cao Hội Nhà báo Việt Nam và tỉnh Thái Nguyên đã phối hợp tu bổ, tôn tạo Di tích. Đồng thời đề nghị các cơ quan sau khi nhận bàn giao Di tích sẽ phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với Hội Nhà báo Việt Nam triển khai những hoạt động hữu ích, khai thác, sử dụng hiệu quả để tiếp tục gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị bền vững của di tích quan trọng; là nơi kết nối lịch sử, hiện tại và tương lai của báo chí cách mạng Việt Nam; đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, tìm hiểu, du lịch về nguồn của nhân dân...

 

Các đại biểu tham quan bên trong khu di tích.

Đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, cảm ơn sự quan tâm, hiện diện của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các ban, bộ ngành Trung ương và tỉnh Thái Nguyên; cảm ơn nhà tài trợ xây dựng là Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam và các đơn vị tư vấn quản lý, thiết kế, giám sát, nhà thầu thi công... đã chung sức, đồng lòng tu bổ, tôn tạo để công trình đảm bảo tiến độ, đạt yêu cầu về chất lượng.
 

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại khu di tích

 

Di tích sau khi tu bổ, tôn tạo dự kiến sẽ được khai thác, tổ chức đón tiếp các đoàn khách tham quan, các nhà báo về nguồn, các sinh viên và học sinh học tập và trải nghiệm về lịch sử báo chí; đồng thời là nơi tổ chức các hội nghị, hội thảo về báo chí, tổ chức các chương trình đào tạo ngắn hạn, nơi phát thẻ hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, lễ trao các giải báo chí khu vực và địa phương…. Đặc biệt, Hội Nhà báo Việt Nam mong muốn khi đi vào hoạt động, tại đây không chỉ góp phần lưu giữ và giới thiệu những tư liệu, hiện vật báo chí giá trị giai đoạn 1946-1954 mà còn khẳng định được những thành quả to lớn của Báo chí Cách mạng Việt Nam trong các cuộc đấu tranh vệ quốc và trong hành trình kiến thiết đất nước.

 

Các đồng chí lãnh đạo Hội Nhà báo thành phố Hải Phòng trao kỷ vật tặng BQL khu di tích

 

Nhân dịp này, Hội Nhà báo thành phố Hải Phòng trao tặng BQL khu di tích kỷ vật là chiếc máy ảnh lâu năm, đã cùng phóng viên Báo Hải Phòng đi tác nghiệp tại mọi miền của Tổ quốc. 

Cách đây 75 năm (ngày 4-4-1949), tại thôn Bờ Rạ, xã Tân Thái, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng ra đời. Đây là cơ sở đào tạo báo chí đầu tiên của Báo chí cách mạng Việt Nam, cũng là cơ sở đào tạo duy nhất trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Ngày 28-3-2019, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định số 1182/QĐ-BVHTTDL xếp hạng Di tích Quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. Ngày 4-4-2019, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Thái Nguyên tổ chức Lễ khánh thành Bia Di tích.

Ngày 18-1-2024, thiết thực chào mừng 75 năm Ngày thành lập Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Thái Nguyên và các cơ quan liên quan khởi công Công trình tu bổ, tôn tạo Di tích Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng.

Sau khi tôn tạo, di tích Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng tái hiện lịch sử gồm: Nhà trưng bày - Bảo tàng thu nhỏ về Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, dưới hình thức căn nhà cấp 4 rộng 80m2 xây trên đồi cao, phỏng dựng theo tài liệu ghi chép và một số hình ảnh tư liệu để lại, xưa là nhà tre nứa, nay là nhà khung gỗ, mái lá nhân tạo chống cháy. Nhà sàn - Bảo tàng thu nhỏ trưng bày về Báo chí Chiến khu Việt Bắc 1946-1954, rộng 80m2, phỏng dựng từ ngôi nhà sàn của Tổng bộ Việt Minh, nơi chỉ đạo trực tiếp các hoạt động báo chí kháng chiến và cũng là nơi thành lập Hội Nhà báo Việt Nam năm 1950. Tại đây còn có phù điêu với 48 chân dung các thành viên Ban Giám hiệu, giảng viên và học viên của Trường. Hội trường trong lòng đồi phục vụ hội nghị, hội thảo và các hoạt động khác, có sức chứa trên 150 người; quảng trường phục vụ tổ chức sự kiện, rộng 200m2. ..

 

Với nỗ lực không chỉ tái hiện lịch sử mà còn đảm bảo tính mỹ thuật cao cũng như bổ sung các công năng cần thiết, ngoài Bia Di tích đã được dựng từ 2019, quá trình tu bổ, tôn tạo hiện có các cấu phần như :

* Nhà trưng bày - Bảo tàng thu nhỏ về Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, dưới hình thức căn nhà cấp 4 rộng 80m2 xây trên đồi cao, phỏng dựng theo tài liệu ghi chép và một số hình ảnh tư liệu để lại, xưa là nhà tre nứa, nay là nhà khung gỗ, mái lá nhân tạo chống cháy;

* Nhà sàn - Bảo tàng thu nhỏ trưng bày về Báo chí Chiến khu Việt Bắc 1946-1954, rộng 80m2, phỏng dựng từ ngôi nhà sàn của Tổng bộ Việt Minh, nơi chỉ đạo trực tiếp các hoạt động báo chí kháng chiến và cũng là nơi thành lập Hội Nhà báo Việt Nam năm 1950;

* Phù điêu với 48 chân dung các thành viên Ban Giám hiệu, giảng viên và học viên của Trường;

* Hội trường trong lòng đồi phục vụ hội nghị, hội thảo và các hoạt động khác, có sức chứa trên 150 người;

* Quảng trường mini phục vụ tổ chức sự kiện, rộng 200m2. ..

 

 

BÌNH LUẬN (0)
Bạn cần đăng nhập để gửi bình luận Đăng nhập