Bảo đảm nguồn nước cho hoạt động sản xuất nông nghiệp tại thôn 7, xã Giang Biên
Ông Ngô Văn Yêu phản ánh ruộng bị hoang hóa do không có nguồn nước tưới tiêu.
(HPĐT)- Báo Hải Phòng nhận được đơn của ông Ngô Văn Yêu và một số hộ dân ở thôn 7, xã Giang Biên (huyện Vĩnh Bảo) khiếu nại về việc một số hộ sử dụng đất nông nghiệp 5% cùng trên địa bàn thôn tự ý đắp bờ, ngăn dòng chảy kênh tưới tiêu cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp cho ruộng của người dân trong xã.
Theo đơn ông Ngô Văn Yêu trình bày: Ruộng trồng lúa của các hộ dân ở thôn 7 được giao quản lý sử dụng từ năm 1995 đều là ruộng có nước chảy, sát ngòi cấp nước từ sông Luộc. Tuy nhiên, sau khi được thuê đất nông nghiệp 5% của UBND xã tại khu vực ngòi ấu Đa Quán, trên địa bàn thôn 7, năm 2018, hộ các ông Phạm Văn Quảng và Vũ Văn Trọng, ở cùng thôn tự ý be bờ, chặn nước dẫn từ kênh vào ruộng của một số hộ trong thôn. Việc này khiến ngưng trệ sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng tới đời sống của người dân trong khu vực.
Theo quan sát thực tế của phóng viên tại khu vực các hộ dân đang khiếu nại vào sáng 24-5 cho thấy, diện tích đất nông nghiệp của các ông Phạm Văn Quảng và Vũ Văn Trọng có một lạch nước dẫn ra kênh chính nối với sông Luộc. Ruộng rươi của các hộ này được be bờ cao khoảng 40 cm. Trong khi đó, phần đất nông nghiệp của ông Yêu và một số hộ dân phía trong hiện không có lối dẫn nước vào. Diện tích đất này bỏ hoang, cỏ dại mọc um tùm. Ông Ngô Văn Đề, Trưởng thôn 7, xã Giang Biên cho biết: Khu vực này trước năm 2018 có nhiều ngòi, lạch nước nhỏ nối vào kênh chính dẫn ra sông Luộc, nên thửa ruộng nào cũng có các lạch nước tiếp giáp. Tuy nhiên, sau khi người dân chuyển đổi từ trồng củ ấu sang nuôi rươi, nhu cầu sử dụng nước để sản xuất tăng so với trước, nên các hộ đều tự đào sâu thêm các con lạch cũ, đắp be bờ cao để có nước sản xuất; việc này dẫn tới một số lạch, ngòi không còn nữa.
Trao đổi với phóng viên vào sáng 24-5, bà Lương Thị Ké (vợ ông Phạm Văn Quảng) cho biết: Diện tích đất gia đình nhận thầu khoán trước đây là một đoạn mương cụt. Mặc dù tiếp giáp ruộng hộ ông Yêu, nhưng đoạn mương này hầu như không có nước ra/vào. Sau khi chuyển sang nuôi rươi, gia đình đầu tư nhiều công sức, tiền bạc để đào sâu, tạo lối dẫn nước từ kênh chính của sông Luộc đến ruộng rươi, tổng chi phí hơn 1 tỷ đồng, trong đó có khoảng 200 triệu đồng để mua lại một số thửa ruộng liền kề của các hộ dân khác không sử dụng để làm lối dẫn nước. Gia đình vẫn sẵn sàng để ông Yêu và các hộ dân khác dẫn nước qua ruộng rươi của gia đình, phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, do quá trình tôn tạo khu vực ruộng rươi trước đó tốn nhiều chi phí nên gia đình đề xuất ông Yêu hỗ trợ một phần chi phí tôn tạo lối dẫn nước.
Sáng cùng ngày, đồng chí Hoàng Văn Thắng, Phó chủ tịch UBND xã Giang Biên thông tin: Về khiếu nại đối với một số hộ dân nhận thầu khoán diện tích đất nông nghiệp 5% do xã quản lý tự ý be bờ kênh, ngăn nước vào ruộng của các hộ dân khác, chính quyền địa phương xác định có 11 hộ dân có đất nông nghiệp nuôi rươi ở thôn 7 bị ảnh hưởng. Thực tế, diện tích cho thuê khoán này chủ yếu là đất nông nghiệp và một vài mương cụt, lạch với lượng nước không nhiều; cả diện tích cho thuê khoán và ruộng của người dân chủ yếu để trồng thả củ ấu. Các hộ nhận thầu khoán từ nhiều năm trước. Tuy nhiên UBND xã có ký hợp đồng thầu khoán đất nông nghiệp với hộ ông Phạm Văn Quảng, Vũ Văn Trọng vào năm 2018, thời hạn là 13 năm, còn hiệu lực tới năm 2031. Để bảo đảm nước phục vụ sản xuất nông nghiệp của các hộ dân, UBND xã yêu cầu các hộ nhận thầu khoán bố trí lối dẫn nước để phục vụ sản xuất nông nghiệp của các hộ khác. Đến nay, cả hai hộ đều đồng ý để các hộ dân khác dẫn nước qua ruộng rươi của gia đình. Trong đó, hộ ông Trọng đồng ý để dẫn nước miễn phí, còn hộ ông Quảng đề xuất các hộ dân có ruộng ở phía trong hỗ trợ một phần kinh phí tôn tạo lạch nước.
Diện tích đất nông nghiệp ở khu vực thôn 7, xã Giang Biên hiện nay chủ yếu được người dân sử dụng để nuôi rươi. Để có đủ nguồn nước phục vụ hoạt động nuôi rươi, bắt buộc phải be bờ, nạo kênh để dẫn nước vào. Tuy nhiên, để tránh ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất nông nghiệp chung trên địa bàn xã, những hộ nhận thầu khoán đất nông nghiệp tiếp giáp với ngòi, lạch nước cần tạo điều kiện để các hộ dân phía trong có thể dẫn nước vào ruộng. UBND xã xem xét, đánh giá lại quá trình cải tạo của các hộ thuê khoán đất nông nghiệp, nếu hoạt động cải tạo đất nông nghiệp để nuôi rươi không làm ảnh hưởng đến dòng chảy nguồn nước trước đây, cần đề nghị các hộ dân có ruộng liền kề hỗ trợ kinh phí lối dẫn nước. UBND xã cũng cần rút kinh nghiệm trong việc tổ chức cho thuê khoán đất nông nghiệp, nhất là khi có việc chuyển đổi mô hình sản xuất, tránh để nảy sinh mâu thuẫn trong người dân./.