Bơi, lặn Hải Phòng: Sớm lấy lại vị thế

11:25 SA 29/12/2022

 

 

Vận động viên thi đấu bơi bướm.

 

 

(HPĐT)- Tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ 9 vừa qua, các vận động viên (VĐV) môn bơi và lặn Hải Phòng không có tên trong bảng thành tích huy chương. Đây là thất bại lớn của bơi, lặn đòi hỏi ngành Văn hóa - Thể thao và bộ môn cần sớm thực hiện "cuộc cách mạng" tìm hướng đi đúng thời gian tới.

 

Phong độ giảm sút

Từng là môn thể thao thế mạnh của Hải Phòng, giành nhiều HCV ở các giải đấu lớn, nhưng từ 2010 đến nay, môn lặn xuống phong độ, để rồi nhận kết quả thảm bại ở kỳ Đại hội này.

 

Hơn 10 năm trước, môn lặn Hải Phòng khá mạnh, với cách làm khá bất ngờ khi đưa các VĐV bơi đã qua thời kỳ đỉnh cao, chuyển sang tập luyện và thi đấu môn lặn. Tập làm quen với vòi hơi chân vịt, khí tài…, các VĐV Hải Phòng thể hiện sự vượt trội ở sân chơi quốc nội. Không dừng lại ở đó, ngành Thể thao thành phố còn mời chuyên gia Trung Quốc huấn luyện dài hạn. Những tên tuổi lớn như Phạm Thị Dịu không có đối thủ trên đường đua khu vực, còn ở giải quốc nội, những VĐV: Nguyễn Thị Thương, Nguyễn Thị Thùy… hễ xuống nước là có HCV. Tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ 5 năm 2006, Thùy và Thương giúp môn lặn Hải Phòng giành 6 HCV.

 

Nhưng khi các VĐV này giã từ "đường đua xanh", chuyển sang nghiệp HLV nhảy cầu và bơi, môn lặn Hải Phòng không có người nối bước, chìm dần và… thất bại ở Đại hội Thể thao toàn quốc năm nay. Môn lặn có 30 bộ huy chương nhưng ở cuộc đua, các VĐV Hải Phòng không giành được huy chương. Những thông số kỹ thuật của VĐV lặn Hải Phòng khiến giới chuyên môn lo lắng ở cả hiện tại lẫn tương lai. Ở nội dung 100 m chân vịt đôi, Lê Trung Hiếu (đoàn Hải Phòng) về đích với 48 giây 15, xếp hạng 12, trong khi đó người đoạt HCV là Vũ Văn Bắc (đoàn Phú Thọ) đạt thành tích 46 giây 02. Ở cự ly 200 m, VĐV Hải Phòng về thứ 7, với 1 phút 48 giây 53, kém xa người đoạt HCV là Nhật Nam (đoàn Đồng Nai) với 144”03.

 

Ở các nội dung khác, Vũ Hải Nam (đoàn Hải Phòng) thi 400 m có khí tài đứng thứ 4, với 413”48 trong khi HCV về tay Danh Thành Tôn (đoàn Quảng Ninh) với 252”35. Nội dung thi 800 m khí tài nam, có 6 VĐV, Nam xếp thứ 5 với 843”97. HCV là Lê Quý Đôn (Quân đội) 607”39. Ba vị trí đầu đều ở mức 6 phút, trong khi người thứ 4 cũng hơn Nam, với thành tích 703”91… Các thông số kỹ thuật của các VĐV lặn Hải Phòng tại giải quá thấp. Thời gian để giảm thông số không dễ, 4 năm chưa đủ. Vì vậy, Sở Văn hóa và Thể thao cần đánh giá, tìm hiểu nguyên nhân các VĐV môn lặn xuống phong độ, nên tiếp tục hay chuyển hướng đầu tư môn khác. Nếu tiếp tục đầu tư, ngành cần có chiến lược dài hơi, kế hoạch cụ thể, bài bản, có chuyên gia mới đủ sức hy vọng đoạt huy chương ở 4 năm tới.

 

Môn bơi theo gót

Môn bơi có hơn 150 VĐV đến từ 17 đoàn trên cả nước tham dự, đua tranh 41 bộ huy chương. Lẽ ra bơi tổ chức tại Quảng Ninh, nhưng do địa phương này không có những trang thiết bị phù hợp nên được đưa về tổ chức tại Cung Thể thao dưới nước quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội). Kinh phí tổ chức 3 giải đấu ở Mỹ Đình gồm điền kinh, lặn và bơi có 1,7 tỷ đồng nên môn bơi không thể thuê thêm bể 25 m nước nóng giúp VĐV khởi động, thả lỏng. Kinh phí chỉ đủ để thuê bể 50 m tổ chức và các đơn vị tham dự đều chấp nhận.

 

Tuy nhiên, khi vào cuộc, các VĐV vẫn làm “dậy sóng” đường đua, phá nhiều kỷ lục đại hội, thiết lập kỷ lục quốc gia mới. Trên đường đua, đoàn Quân đội quá mạnh, giành 15 HCV để dẫn đầu. Đoàn thành phố Hồ Chí Minh cũng phá lệ, mở cửa đón VĐV bơi Việt kiều Lương Jeremie góp phần nâng số HCV lên 8 chiếc. Đoàn Đà Nẵng vẫn bảo toàn thứ ba với 4 HCV… Trong cuộc đua này, đội tuyển bơi phía Bắc chỉ có duy nhất Thanh Hóa giành 1 HCV, còn lại bơi Hà Nội đoạt 2 HCB và Quảng Ninh 1 HCĐ còn các VĐV bơi Hải Phòng không giành huy chương. 4 năm trước, dàn VĐV trẻ của Hải Phòng đoạt HCB ở 100 m ếch nữ, 100 m bướm nam cùng những tấm HCĐ. Năm nay, các VĐV trẻ Đỗ Thị Tuyết Mai, Yến Nhi… chỉ vào thi chung kết.

 

Bơi Hải Phòng chìm là điều nhìn thấy khá rõ, nhưng việc không đoạt huy chương nằm ngoài dự tính. Môn bơi còn HLV yêu nghề, dù không thể đoạt HCV nhưng vẫn đều đặn giành huy chương. Năm nay, HLV chưa thể trở lại huấn luyện, bơi Hải Phòng chìm hẳn. Thể thao luôn cần những HLV giỏi và điều này hiện hữu ở bơi Hải Phòng. Hơn lúc nào hết, bơi Hải Phòng cần nghiêm túc kiểm điểm để tìm nguyên nhân, đề ra các giải pháp khắc phục phù hợp. Sở Văn hóa và Thể thao sớm chuẩn bị lực lượng mạnh bước vào sân chơi toàn quốc, lấy lại vị thế đã mất./.