Các bộ, ngành Trung ương trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri Hải Phòng
Bộ Nông nghiệp và PTNT nhận được kiến nghị của cử tri Hải Phòng, nội dung kiến nghị như sau: Hiện nay do quy hoạch cây, con, ngành nghề của địa phương chưa rõ, còn manh mún nên việc đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao còn chậm. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan phối hợp với các địa phương quy hoạch khu, vùng nông nghiệp công nghệ cao; quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm; quy hoạch việc phát triển cây trồng vật nuôi từng khu vực và địa phương cụ thể để tập trung các chính sách hỗ trợ của nhà nước theo nhóm đối tượng, từng vùng cho phù hợp và hiệu quả.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xin trả lời như sau:
Thực hiện Nghị quyết số 26/NQ-TW ngày 5-8-2008 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; để định hướng lâu dài cho phát triển nông nghiệp, làm cơ sở bố trí sản xuất phù hợp điều kiện khí hậu, đất đai của mỗi vùng, miền, địa phương và đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển sản xuất ngành nông nghiệp đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 (Quyết định số 124/QĐ-TTg ngày 2-2-2012), Quy hoạch tổng thể khu và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020 và định hướng đến 2030 (Quyết định số 575/QĐ-TTg ngày 4-5-2015); tiến hành lập và phê duyệt quy hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn 7 vùng kinh tế- sinh thái và các vùng kinh tế trọng điểm, quy hoạch các lĩnh vực (thủy lợi, thủy sản, lâm nghiệp…) và các ngành hàng chủ yếu (lúa gạo, cao su, cà phê, hồ tiêu, điều, mía đường, rau quả, cá tra, tôm…). Các quy hoạch trên được xây dựng trên cơ sở phát huy lợi thế và khả năng cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa tại các vùng, miền, gắn với thị trường tiêu thụ; trong đó xác định rõ mục tiêu phát triển, đưa ra các phương án bố trí phát triển sản xuất, xác định các nhiệm vụ ưu tiên, đồng thời có giải pháp phù hợp để phát triển sản xuất, ứng phó với biến đổi khí hậu và tình trạng biến động thị trường nông lâm thủy sản trong nước và trên thế giới trong dài hạn. Căn cứ vào các quy hoạch ngành đã được phê duyệt, Bộ chỉ đạo các địa phương rà soát, điều chỉnh, bổ sung và xây dựng các quy hoạch chi tiết để phát huy các thế mạnh, sản xuất ra các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương.
Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tích cực phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành và tổ chức thực hiện nhiều giải pháp về chính sách để thúc đẩy tập trung, tích tụ ruộng đất, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhằm nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng của nông sản hàng hóa, như : Nghị quyết số 28/2016/QH14 của Ủy ban thường vụ Quốc hội và Nghị định số 21/2017/NĐ-CP ngày 24-2-2017 của Chính phủ đã bãi bỏ thuế sử dụng đất cho người sử dụng đất đối với diện tích vượt hạn mức giao đất nông nghiệp; Nghị định 35/2015/NĐ-CP ngày 13-4-2015 và Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 6-1-2017 của Chính phủ cho phép chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa, chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng cây hàng năm, trồng lúa kết hợp với nuôi trồng thủy sản và trồng cây lâu năm;…
Như vậy, có thể nói những vấn đề mà cử tri quan tâm đều được Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai thực hiện. Để tiếp tục phát triển sản xuất nông nghiệp, nâng cao chất lượng, giá trị và năng lực cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp, tạo điều kiện cải thiện đời sống người nông dân một cách bền vững, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy mạnh thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Theo đó, thời gian tới đây Bộ sẽ tiếp tục rà soát, kiến nghị điều chỉnh bổ sung các quy hoạch, phát triển các khu vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và ban hành những chính sách mới nhằm hỗ trợ sản xuất phát triển, đạt hiệu quả kinh tế-xã hội cao hơn.
Để vận dụng vào thực tiễn quy hoạch ở các địa phương nói chung và Hải Phòng nói riêng, trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển sản xuất ngành nông nghiệp, quy hoạch khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và cơ chế, chính sách hiện hành, UBND các tỉnh, thành phố cần rà soát, điều chỉnh, bổ sung và xây dựng các quy hoạch chi tiết để xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm, các khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phù hợp và ban hành các chính sách cụ thể để tổ chức thực hiện.
Bộ Công Thương nhận được kiến nghị của cử tri thành phố Hải Phòng, nội dung kiến nghị như sau: Đề nghị Bộ Công Thương kiểm tra, chỉ đạo Công ty Xi măng Phúc Sơn nhanh chóng triển khai xây dựng các khu tái định cư, bố trí nguồn kinh phí 180 tỷ chi trả bồi thường hỗ trợ cho 200 hộ dân trong khu vực bị ảnh hưởng do hoạt động nổ mìn khai thác đá vôi (tại xã An Sơn, huyện Thủy Nguyên) theo đúng thỏa thuận hết thời hạn năm 2017; đồng thời đánh giá lại tác động và xác định các khu vực bị ô nhiễm khói bụi trong phạm vi bán kính 500-800 m quang khu vực khai thác khoáng sản để xác định đối tượng và chi phí bồi thường phù hợp.
Bộ Công Thương xin trả lời như sau:
Công ty Xi măng Phúc Sơn khai thác đá vôi phục vụ sản xuất xi măng tại khu vực mỏ đá vôi xã An Sơn và xã Lại Xuân, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng theo Giấy phép khai thác khoáng sản số 1180QĐ/QLTN ngày 6-5-1996 do Bộ Công nghiệp cấp và số 2123/GP-BTNMT ngày 15-9-2016 do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp.
Việc sử dụng vật liệu nổ công nghiệp (VLNCN) của Công ty thực hiện theo Giấy phép sử dụng VLNCN số 27/GP-ATMT ngày 14-6-2012 do Bộ Công Thương cấp, hạn sử dụng đến ngày 6-5-2015 tại khu A núi Trại Sơn thuộc địa phận xã An Sơn. Tuy nhiên, khi xảy ra khiếu kiện từ tháng 6-2014 đến nay, Công ty Xi măng Phúc Sơn ngừng nổ mìn khai thác đá vôi tại khu vực trên. Bộ Công Thương cũng không cấp lại giấy phép sử dụng VLNCN cho Công ty Xi măng Phúc Sơn để khai thác đá vôi tại xã An Sơn.
Việc bố trí khu tái định cư, chi trả bồi thường hỗ trợ thuộc thẩm quyền của UBND huyện Thủy Nguyên theo quy định tại Khoản 2 Điều 66 và Điều 69 Luật đất đai số 45/2013/QH13. Do vậy, việc chỉ đạo Công ty Xi măng Phúc Sơn triển khai xây dựng các khu tái định cư, bố trí nguồn kinh phí chi trả bồi thường hỗ trợ cho các hộ dân xã An Sơn thuộc trách nhiệm của UBND huyện Thủy Nguyên và thành phố Hải Phòng.