Cắm mốc chỉ giới bảo vệ công trình thủy lợi: Đẩy nhanh tiến độ để ngăn chặn vi phạm
Công trình xây dựng nhà xưởng lấn chiếm lòng kênh tiêu thoát nước Hoàng Lâu ở xã Bắc Sơn (huyện An Dương).
(HPĐT)- Theo thông kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thời gian qua, trên địa bàn thành phố xảy ra nhiều vụ vi phạm công trình thủy lợi khá nghiêm trọng. Cùng nguyên nhân chính quyền địa phương và các cơ quan quản lý nhà nước buông lỏng quản lý, còn có nguyên nhân hầu hết các khu vực vi phạm công trình thủy lợi chưa được cắm mốc chỉ giới bảo vệ.
Nhiều công trình vi phạm
Công trình nhà xưởng rộng hơn 500 m2 ở thôn 2, xã Bắc Sơn (An Dương) vi phạm xây lấn chiếm lòng kênh Hoàng Lâu 2-3 m xảy ra hồi cuối tháng 4-2021. Nguyên nhân là do chính quyền địa phương buông lỏng công tác quản lý. Ngoài ra, do tuyến kênh Hoàng Lâu chưa được cắm mốc chỉ giới bảo vệ công trình thủy lợi theo quy định. Trước đó, tại huyện An Dương cũng có nhiều công trình vi phạm xảy ra trên tuyến kênh Hoàng Lâu, xã Hồng Phong, xã An Hòa và một số công trình thủy lợi ở xã Hồng Thái, An Hồng, Nam Sơn, Đặng Cương, Lê Lợi…vì chưa có mốc giới công trình thủy lợi được cắm, nhất là tình trạng vi phạm xây dựng công trình nhà ở, trang trại chăn nuôi trên các tuyến kênh, trạm bơm điện diễn ra khá phổ biến ở các địa phương trong huyện.
Trước đó, tại khu vực chung quanh hành lang bảo vệ cống Cổ Tiểu, xã Đoàn Xá, huyện Kiến Thụy do Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đa Độ quản lý cũng xảy ra tình trạng vi phạm nghiêm trọng đối với công trình đê điều, thủy lợi. Ngoài sự buông lỏng quản lý của các cơ quan chức năng, nguyên nhân dẫn tới vi phạm là do tại khu vực này chưa cắm mốc giới bảo vệ công trình thủy lợi. Cùng với đó, tại kênh Đọ Vọ, phường Phù Liễn, quận Kiến An cũng xảy ra vi phạm xây dựng cầu qua kênh do chưa cắm mốc giới công trình thủy lợi. Tại tuyến kênh Bắc Phong, xã Kiến Thiết, huyện Tiên Lãng có tới hơn 20 trường hợp xây cầu trên kênh, sử dụng để bán hàng. Cùng với đó, tại nhiều công trình trạm bơm điện, do chưa được cắm mốc chỉ giới hành lang bảo vệ nên tồn tại việc người dân vi phạm xây dựng công trình.
Theo thống kê của Chi cục Thủy lợi và phòng, chống thiên tai thành phố, từ năm 2020 đến nay, toàn thành phố xảy ra gần 20 vụ vi phạm công trình thủy lợi, trong đó phần lớn các công trình vi phạm tại những khu vực chưa được cắm mốc chỉ giới bảo vệ công trình thủy lợi. Hiện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với chính quyền các địa phương tập trung xử lý, giải tỏa.
Các trường hợp phải cắm mốc chỉ giới gồm: Đập của hồ chứa nước có dung tích từ 500.000 m3 trở lên hoặc đập có chiều cao từ 10 m trở lên; lòng hồ chứa nước có dung tích từ 500.000 m3 trở lên; kênh có lưu lượng từ 5 m3/s trở lên hoặc chiều rộng đáy kênh từ 5 m trở lên, trừ kênh chìm; cống có tổng chiều dài thoát nước từ 10 m trở lên đối với vùng đồng bằng sông Cửu Long; từ 5 m trở lên đối với các vùng còn lại.
Tập trung đẩy nhanh tiến độ cắm mốc chỉ giới
Ông Đoàn Văn Ban, Chi cục phó Chi cục Thủy lợi và phòng, chống thiên tai (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng, để việc cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ các công trình thủy lợi sớm được triển khai ngoài thực địa, bảo đảm tiến độ đề ra của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thời gian tới các địa phương, đơn vị cần tập trung thực hiện các giải pháp. Trước mắt, Chi cục tập trung đôn đốc các công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi được giao nhiệm vụ quản lý các công trình thủy lợi sớm hoàn thiện phương án căm mốc gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định, trình UBND thành phố phê duyệt. Cùng với đó, UBND cấp huyện chỉ đạo các xã, thị trấn tích cực vào cuộc phối hợp với các công ty thủy lợi và tư vấn thực hiện nhanh việc xác định nguồn gốc đất, vị trí tọa độ mốc cần cắm. Chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân đồng thuận ủng hộ triển khai việc cắm mốc.
Về phía các công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi, bố trí cán bộ phối hợp chặt chẽ thường xuyên với chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng tổ chức rà soát, lập phương án các vị trí cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ kênh mương, công trình thủy lợi. Đồng thời tập trung giải tỏa các khu vực vi phạm hành lang bảo vệ kênh mương, công trình thủy lợi cắm mốc. Trong quá trình triển khai thực hiện, các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới người dân, tạo sự đồng thuận, ủng hộ việc khảo sát, lập phương án căm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi. Bên cạnh đó, các công ty thủy lợi ưu tiên nguồn kinh phí thực hiện xây dựng phương án cắm mốc cũng như chuẩn bị tốt các điều kiện về vật tư tổ chức đúc, cắm mốc đúng quy cách, tiêu chuẩn quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Chủ đầu tư, tổ chức, cá nhân khai thác công trình thủy lợi có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với UBND cấp huyện, UBND cấp xã nơi có công trình, công bố công khai phương án cắm mốc chỉ giới, tổ chức cắm mốc chỉ giới trên thực địa và bàn giao mốc chỉ giới cho UBND cấp xã nơi có công trình để phối hợp quản lý, bảo vệ./.