Cẩn trọng khi sử dụng thực phẩm xách tay
(HPĐT)- Qua đường dây nóng Báo Hải Phòng, nhiều người dân phản ánh, vào dịp cuối năm, nhiều gia đình mua bổ sung các loại thực phẩm, đồ ăn, uống để chuẩn bị đón Tết. Tuy nhiên, với tâm lý “sính ngoại”, một số người tìm mua các sản phẩm sữa sản xuất tại nước ngoài được chuyển về theo đường xách tay thay vì lựa chọn sữa sản xuất trong nước hay nhập khẩu chính ngạch nhưng lại không rõ chất lượng sản phẩm. Việc mua bán chỉ với bằng niềm tin và hàng do “người quen” bán.
Còn tâm lý "sính ngoại"
Là người từng học hơn 3 năm ở Nhật Bản, chị Nguyễn Thị Hương, nhân viên doanh nghiệp trong ngành logistics trong Khu công nghiệp Nam Đình Vũ (quận Hải An) cho biết, các sản phẩm nước ngọt của cùng nhãn hàng Cocacola nhưng nếu lấy loại sản xuất ở nước ngoài có vị thơm, ít ngọt hơn sản phẩm được sản xuất ở trong nước. Mặc dù đã lựa chọn loại sản phẩm ít đường nhưng hương vị vẫn không giống hoàn toàn với những gì chị từng sử dụng trong thời gian còn ở bên Nhật Bản.
Cũng như chị Hương, nhiều người tiêu dùng khác trên địa bàn thành phố cũng có xu hướng tìm tới các loại sản phẩm đồ uống, đồ ăn được sản xuất tại nước ngoài và chuyển về Việt Nam theo đường xách tay. Các loại sản phẩm cũng khá đa dạng, ngoài các loại đồ uống phổ biến như nước ngọt, cafe thì ngay cả các sản phẩm sữa bột của các hãng sản xuất nổi tiếng như Meji, Aptamin, Enssure từ nước ngoài cũng được người tiêu dùng săn đón thay cho các sản phẩm cùng loại được sản xuất hoặc nhập khẩu chính ngạch về Việt Nam.
Tuy nhiên, chị Đỗ Thảo, chủ chuỗi cửa hàng đồ uống Tconfid’ có trụ sở chính trên đường Lê Hồng Phong (quận Ngô Quyền) cho biết: Sự khác biệt trong hương vị các sản phẩm sữa nói riêng, các loại đồ ăn, thức uống nói chung không phải là yếu tố đánh giá chất lượng sản phẩm. Mà do xuất phát từ việc ở các nước, vùng tiêu thụ khác nhau, người dân sẽ có khẩu vị khác nhau. Trước khi chính thức bán sản phẩm, đơn vị sản xuất sẽ phải nghiên cứu thị trường để tìm hương vị phù hợp nhất với số đông khách hàng. Bởi vậy, có thể xác định, tâm lý “sính ngoại” mới chính là nguyên nhân chính khiến người dân đưa ra quyết định lựa chọn mua các sản phẩm hàng xách tay từ nước ngoài về Việt Nam.
Thực phẩm không rõ nguồn gốc tràn lan
Không chỉ sử dụng cho gia đình, vào những ngày cuối năm, nhiều người còn mua các loại thực phẩm, đồ ăn uống này để bày biện ban thờ, đi biếu càng làm các sản phẩm nước ngoài trở nên đắt hàng hơn. Nhiều chủ các gian hàng trực tuyến trên các nền tảng mạng xã hội đã có thông báo về việc dừng nhận đặt hàng thực phẩm cho dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ ngay từ thời điểm này. Lý do các cơ sở này đưa ra là các chuyến bay Tết từ các chặng bay quốc tế về Việt Nam đã chốt số lượng, không thể gửi thêm hàng. Tuy nhiên, có thể thấy, do đây là hàng xách tay nên tất cả người bán hàng đều không thể cung cấp được giấy tờ chứng minh nguồn gốc sản phẩm cũng như các loại chứng nhận kiểm định chất lượng được các cơ quan chức năng cấp phép. Bằng chứng duy nhất khách hàng có thể tiếp cận là hoá đơn mua hàng được giới thiệu là của siêu thị ở nước ngoài. Nhưng thực tế, những nội dung trên hoá đơn hoàn toàn có thể in từ bất kỳ một thiết bị bán hàng trong nước nào.
Do đó, có thể thấy việc mua và sử dụng thực phẩm, đồ uống từ nước ngoài chủ yếu dựa vào với niềm tin qua những lời quảng cáo của người bán hàng, có thể là khách quen. Hơn nữa, theo quy định, các sản phẩm nhập khẩu đều phải có tem phụ bằng tiếng Việt, ghi rõ các thông tin cơ bản về thành phần, nơi sản xuất, hạn sử dụng… Tuy nhiên, với các hàng xách tay, các quy định này đều bị bỏ qua, khiến người tiêu dùng sử dụng hàng “quá đát” hoặc mua phải hàng bị nhà sản xuất ở nước ngoài đang tiến hành thu hồi. Mới đây nhất là trường hợp một loại sữa hộp tiệt trùng do Công ty Maeil Dairy của Hàn Quốc sản xuất đã bị chính quyền nước sở tại ra thông báo thu hồi sau khi phát hiện dây chuyền sản xuất của công ty này bị nhiễm nước tẩy rửa. Mặc dù ngày 21-12 vừa qua, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) có cảnh báo về việc loại sữa này đang bị thu hồi nhưng do đây là sản phẩm được khá nhiều người Việt Nam ưa chuộng nên nhiều cửa hàng chuyên đồ xách tay Hàn Quốc vẫn bày bán công khai.
Ông Nguyễn Bình Minh, Chủ tịch Hội Đo lường và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Hải Phòng khuyến cáo, người dân nên thể hiện sự thông thái trong quá trình tiêu dùng, không vì tâm lý sính ngoại mà lựa chọn các sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng xách tay. Hành động này vô tình đẩy chính người tiêu dùng thành “chuột bạch” cho những sản phẩm không rõ nguồn gốc. Hơn nữa, trong trường hợp xảy ra sự cố gây ngộ độc, quyền lợi của người tiêu dùng rất khó được bảo vệ do không thể xác định được chủ thể sản xuất, cung ứng phân phối chính thức./.