Chủ động ứng phó áp thấp nhiệt đới bằng “4 tại chỗ”

10:57 SA 01/08/2020

 

Đồng chí Nguyễn Đình Chuyến, Phó chủ tịch UBND thành phố dự hội nghị tại điểm cầu Hải Phòng.

 

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Quốc gia, vào lúc 1 giờ ngày 1-8, vị trí tâm ATNĐ ở khoảng 17,5 độ vĩ Bắc, 111,2 độ kinh Đông, trên vùng biển phía Tây Bắc quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất ở vùng tâm ATNĐ mạnh cấp 6-7, giật cấp 9. Dự báo trong 24 giờ tới, ATNĐ di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi dược 15-20 km, có khả năng mạnh lên thành bão. Đến 1 giờ ngày 2-8, vị trí tâm bão ở khoảng 19,2 độ vĩ Bắc, 107,8 độ kinh Đông, trên vùng biển vịnh Bắc bộ, cách huyện đảo Bạch Long Vỹ khoảng 120 km về phía Nam. Sức gió mạnh nhất vùng tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10.

 

Để chủ động phòng, chống ATNĐ có khả năng mạnh lên thành bão, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai (BCĐ) ban hành các công điện, công văn chỉ đạo các tỉnh, thành phố triển khai ứng phó; rà soát, chủ động phương án sẵn sàng ứng phó với thiên tại trong điều kiện dịch COVID– 19 đang diễn biến phức tạp.

 

Tại Hải Phòng, thực hiện các công điện chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố, các ngành, địa phương, đơn vị chỉ đạo, tổ chức công tác ứng phó, chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện theo kế hoạch. Nhờ vậy, tính đến 5 giờ ngày 1-8, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, đơn vị phối hợp kiểm đếm, thông báo tới 2.357 phương tiện/7.323 lao động đang hoạt động, neo đậu tại các bến; 457 lồng bè/1.282 lao động; 312 chòi canh/313 lao động biết vị trí, hướng di chuyển của ATNĐ. Trong đó, có 585 phương tiện/1.891 lao động đang hoạt động; 1.772 phương tiện/5.432 lao động đang neo đậu tại bến. Theo quan sát của Đồn Biên phòng Bạch Long Vỹ, Trạm Radar Hải Quân, có 83 phương tiện đang hoạt động cách đảo Bạch Long Vỹ từ 1 dến 15 hải lý. Tại Cảng Hải Phòng có 124 phương tiện/1.336 lao động; trong đó có 47 tàu nước ngoài/454 lao động nước ngoài…Thành phố có kế hoạch, phương án huy động 41.570 người, 1.216 ô tô các loại; 285 tàu xuồng; 202 máy phát điện, hàng chục m3 đá, cát, đất các loại…tham gia xung kích hộ đê, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

 

Để chủ động phòng, chống hiệu quả ATNĐ có thể mạnh lên thành bão, Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: Đây là cơn bão số 1 dự báo sẽ đổ bộ vào Việt Nam. Tuy sức gió không lớn nhưng phạm vi ảnh hưởng rộng, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Thời gian dự kiến đổ bộ vào đất liền là chiều 2-8, trùng với đỉnh của triều cường gây khó khăn trong công tác phòng, chống; hoàn lưu gây mưa khá rộng, có nơi mưa lớn. Do đó, các bộ, ngành, đơn vị, địa phương cần triển khai thực hiện nghiêm túc công điện của BCĐ, theo dõi, khẩn trương kiểm soát bảo đảm an toàn hệ thống tàu thuyền, người lao động; rà soát khu vực nuôi trồng thuỷ sản ven biển. Kiểm tra, rà soát các khu ven sông, suối, hạ lưu hồ, đập, khu vực trũng, thấp có nguy cơ xảy ra ngập lụt khi mưa lớn, khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quyét, sạt lở đất; phát hiện, xử lý vật cản gây tắc nghẽn dòng chảy. Kiểm tra các trọng điểm đê điều xung yếu, các hồ đập bị hư hỏng, xuống cấp, đang thi công; bố trí lực lượng sẵn sàng xử lý sự cố ngay từ đầu giờ. Rà soát, kiểm tra phương án vận hành bảo đảm an toàn các công trình, hạ lưu, tránh để lặp lại tình huống xảy ra lũ bất ngờ gây thiệt hại với hạ du. Kiểm tra hệ thống kênh mương, cống, trạm bơm sẵn sàng tiêu nước chống úng, tiêu thoát nước khu vực đô thị; kiểm tra công tác bảo đảm an toàn đối với các khu vực hầm lò, khai thác, bãi xả thải, đặc biệt là các khu vực có dân cư, đề phòng mưa lũ gây sập hầm hoặc sạt lở đất. Tổ chức cảnh báo, canh gác thông tin, sơ tán kịp thời các hộ dân bị nguy hiểm, kiểm soát giao thông qua ngầm tràn, nhất là vận tải hành khác, nghiêm cấm vớt củi, gỗ. Tăng cường thông tin tới chính quyền địa phương, người dân về diễn biến ATNĐ, mưa lũ, để chủ động ứng phó…

 

Phó thủ tướng Chính phủ đặc biệt lưu ý các địa phương chủ động bảo đảm an toàn người dân, khách du lịch, bảo vệ sản xuất, nhất là sản xuất nông nghiệp; bảo vệ các công trình nhà dân, công sở, công cộng, khu công nghiệp, khu kinh tế

 

 * Ngay sau hội nghị, Phó chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đình Chuyến cùng đại diện một số sở, ngành kiểm tra thực tế thực trạng đê điều tại một số tuyến đê trên địa bàn huyện Cát Hải và quận Đồ Sơn./.