Di tích lịch sử văn hóa quốc gia đền Nghè: Gìn giữ, phát huy giá trị di sản văn hóa đất Cảng

11:30 SA 21/02/2024

 

Đông đảo người dân, du khách tham quan, chiêm bái Di tích lịch sử văn hóa quốc gia đền Nghè đầu Xuân Giáp Thìn 2024.

 

(HPĐT)- Chỉ còn hơn 1 tháng nữa, Lễ hội truyền thống Nữ tướng Lê Chân năm 2024 chính thức diễn ra. Nhằm tôn vinh và lan tỏa huyền tích về vị Thánh Mẫu - “Thành hoàng” đất Cảng được tôn thờ tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia đền Nghè đến với người dân và du khách cả nước, mùa lễ hội năm nay, Bảo tàng Hải Phòng bảo tồn và khôi phục nhiều nếp sinh hoạt cổ phong lành mạnh, phát huy giá trị kho tàng văn hoá vật thể và phi vật thể của người Hải Phòng...

 

Bản sắc văn hóa vùng đất “Hải Tần phòng thủ”

 

Như nhiều người dân thành phố Cảng, đầu xuân mới Giáp Thìn 2024, anh Lê Kim Thành, trú tại đường Nguyễn Công Trứ (quận Lê Chân) cùng gia đình du xuân, dâng hương tại đền Nghè, cầu mong một năm mới bình an, gặp nhiều may mắn. Ngoài thỏa mãn nhu cầu tâm linh, anh Thành còn cảm nhận sâu sắc sự thư thái hiếm có khi hòa mình vào không gian văn hóa cổ kính, đậm bản sắc văn hóa cư dân miền biển…

 

Theo “Hải Phòng An Biên thần tích bi” còn lưu giữ tại đền Nghè, vị Thánh Mẫu được thờ - Nữ tướng Lê Chân quê ở xã An Biên, huyện Đông Triều, phủ Kinh Môn, xứ Hải Dương (nay là xã Thủy An, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh). Từ tuổi hoa niên, bà nức tiếng đẹp người, đẹp nết, chí khí hơn người. Viên quan cai trị nhà Hán đòi lấy làm tì thiếp, nhưng bị bà từ chối. Tô Định oán giận đã sát hại thân phụ của bà. Nợ nước thù nhà, bà và người thân rời quê nhà đến vùng ven biển có nhiều sông rạch khai khẩn, lập nên làng Vẻn. Nhớ quê, bà lấy tên quê gốc đặt tên là trang An Biên, lại mở một chợ bên sông để tiện việc mua bán. Khi Trưng Trắc dựng cờ khởi nghĩa ở Mê Linh, Lê Chân cùng nghĩa quân trang An Biên kịp thời hưởng ứng. Cuộc khởi nghĩa thành công, Trưng Trắc lên làm vua, xưng là Trưng Vương, đóng quân ở Mê Linh. Lê Chân được phong làm Thánh Chân công chúa và được phong là Chưởng quản binh quyền lĩnh ấn Trấn Đông Đại tướng quân, thống lĩnh đạo quân Nam Hải phòng thủ miền biển. Trở về trang An Biên, bà dựng đồn, tăng cường chiêu mộ binh sĩ, xuất tiền tài chẩn cấp cho dân. Người dân nơi đây có cuộc sống ấm no, bình yên. Năm 43, vua Hán sai tướng Mã Viện đem quân thuỷ bộ theo đường Đông Bắc sang đánh, Lê Chân chỉ huy quân chặn giặc, gây cho chúng nhiều thiệt hại. Nhưng do chênh lệch lực lượng, bà phải lui binh về bảo vệ Mê Linh. Sau khi phòng tuyến Cấm Khê vỡ, hai bà Trưng tự tận, Lê Chân phải rút quân vào vùng núi Lạt Sơn (thuộc Hà Nam bây giờ), lập căn cứ chống giặc. Mã Viện sai quân vây, chặn đường tiếp tế lương thực. Thế cùng lực tận, Nữ tướng tự vẫn để bảo toàn danh tiết. Được tin bà hy sinh, dân trang An Biên lập miếu thờ bà - “An Biên cổ miếu” (đền Nghè ngày nay). Đến đời vua Trần Anh Tông, bà âm phù giúp vua dẹp yên giặc giã. Khi xét công ban thưởng tướng sĩ, vua ban sắc phong bà là Thánh Chân công chúa, mỹ hiệu là Nam Hải uy linh… Từ nhân vật có thật trong lịch sử với những công đức lớn lao, nữ tướng Lê Chân được người dân trang An Biên xưa (Hải Phòng nay) suy tôn là Thành hoàng, là Thánh Mẫu và lấy ngày Thánh đản mùng 8-2 âm lịch hằng năm tổ chức thành lễ hội truyền thống...

 

Đền Nghè được Nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia từ năm 1975. Hằng năm, vào những ngày lễ, Tết, nhất là ngày sinh và ngày giỗ của Nữ tướng Lê Chân, đền thường xuyên tổ chức các hoạt động lễ hội đặc sắc và ý nghĩa để tưởng nhớ về vị Nữ tướng tài ba của Hải Phòng. Đây cũng là điểm tham quan hấp dẫn, mỗi năm thu hút hàng vạn lượt du khách trong và ngoài nước mỗi khi đến với Hải Phòng.

 

Khôi phục, phát huy nếp sinh hoạt văn hóa cổ truyền

 

Ở tuổi 70, nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Bình, Đội trưởng Đội tế nữ quan Đền Nghè có hơn 40 năm gắn bó với thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tại di tích đền Nghè. Nữ nghệ nhân cho biết, khoảng hơn 10 năm trở lại đây, Lễ hội truyền thống Nữ tướng Lê Chân được khôi phục, đội tế của bà luôn được phân công dẫn đầu lễ rước kiệu vào ngày Thánh đản (8-2 âm lịch hằng năm). Những ngày này, Đội tế nữ quan đền Nghè chuẩn bị tổ chức các hoạt động diễn xướng chầu văn tại di tích trong mùa lễ hội đầu xuân Giáp Thìn 2024. “Các thầy chúng tôi truyền lại, Nữ tướng Lê Chân được sắc phong Thánh mẫu. Được sự đồng ý của Bảo tàng Hải Phòng, chúng tôi dự kiến tổ chức các giá hầu tại di tích nhằm vừa ôn lại công tích của vị anh hùng dân tộc, khai sinh vùng đất Hải Phòng, vừa tổ chức giá hầu các vị thác hóa tại các vùng núi, tạo không gian văn hóa cổ truyền ngày xuân, phục vụ người dân, du khách tham quan, chiêm bái…”, bà Bình cho hay.

 

Theo Giám đốc Bảo tàng Hải Phòng Bùi Thị Nguyệt Nga, nhằm phát huy giá trị của di tích lịch sử văn hóa quốc gia đền Nghè, những năm gần đây, Bảo tàng bảo tồn, khôi phục nhiều nét đẹp văn hóa vật thể, phi vật thể tại đây. Chuẩn bị cho lễ hội năm nay, Bảo tàng xây dựng kế hoạch tổ chức Lễ hội truyền thống Nữ tướng Lê Chân tại di tích đền Nghè diễn ra từ 16-3 (tức mồng 7-2 Giáp Thìn) đến hết 18-3 (mồng 9-2 Giáp Thìn) với các hoạt động, như: Tế cáo yết, tế chính, lễ dâng hương, hội thi và lễ dâng hoa thủy tiên, thực hành di sản văn hóa phi vật thể nhân loại “Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt”, phối hợp thực hiện lễ rước… “Thông qua lễ hội nhằm tôn vinh các di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của thành phố và đất nước, mang đến người dân và du khách không gian văn hóa đậm bản sắc vùng biển, góp phần gìn giữ, tái hiện lại những nét đẹp văn hóa đầu xuân của người Hải Phòng nhân dịp Lễ hội truyền thống Nữ tướng Lê Chân”, Giám đốc Bảo tàng Hải Phòng khẳng định.